Bất cập ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị: Chưa có lời giải

THANH BÌNH 10/11/2014 08:31

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 45.000 lượt cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (BDCT). Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, chương trình giảng dạy đang khiến công tác này gặp nhiều khó khăn.

Thiếu cơ sở vật chất

sau 10 năm chia tách, Trung tâm BDCT huyện Tây Giang vẫn phải “ăn nhờ ở đậu” tại Trung tâm Dạy nghề huyện; còn ở Nông Sơn, 6 năm rồi Trung tâm BDCT huyện còn “trú ngụ” chung với cơ quan Huyện ủy và phải đi thuê hội trường để mở lớp.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ quan làm việc chỉ gồm hội trường được xây dựng cách đây đã 36 năm từ thời Trường Đảng huyện Trà My (cũ) và khu nhà làm việc cấp 4 với 5 phòng, ông Phan Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Bắc Trà My cho biết: “Hội trường hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, để đảm bảo việc mở khoảng 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng mỗi năm, trung tâm phải thường xuyên đi thuê mượn hội trường của phòng giáo dục, trung tâm văn hóa huyện, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa… Trung tâm đã nhiều lần đề nghị xây mới hội trường nhưng huyện còn khó khăn, phải chờ nguồn vốn”.

 Lớp học bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại Trung tâm BDCT huyện Thăng Bình. Ảnh: T.Bình
Lớp học bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại Trung tâm BDCT huyện Thăng Bình. Ảnh: T.Bình

Ở Trung tâm BDCT huyện Nam Giang, khu nhà nội trú bằng gỗ chỉ có 4 phòng với 80m2, không đáp ứng được nhu cầu ăn ở lại của học viên nên mỗi khi tham gia lớp học tại đây, học viên buộc lòng phải thuê nhà nghỉ bên ngoài ở lại, làm xuất hiện tâm lý “ngại đi học” của cán bộ cơ sở. Tình trạng trên không phải là cá biệt, chuyện thiếu nơi ăn nghỉ cho học viên cũng là khó khăn chung của các trung tâm BDCT các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Tiên Phước… Có trung tâm không chỉ thiếu hội trường, thư viện, máy chiếu, máy tính mà thiếu cả chiếc mi-crô không dây phục vụ dạy và học. Nhiều trung tâm thiếu tài liệu để cán bộ, giảng viên nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác giảng dạy. Ông Thái Viết Tường - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh khẳng định: “Không thể tiếp tục để chuyện mà nhiều người bảo là đến huyện nào thấy cơ sở nào cũ nhất, xấu nhất thì biết ngay đó là trung tâm BDCT… Đối với Quảng Nam hiện nay, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở thì vấn đề trước hết là cấp ủy, chính quyền phải quan tâm hơn nữa đến đầu tư cơ sở vật chất, gồm việc xây dựng mới hoặc chống xuống cấp các cơ sở đã có, trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu đảm bảo cho việc dạy và học”.

“… bị từ chối”

Ngày 3.9.2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Quyết định 185-QĐ/TW xác định trung tâm BDCT cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, thành phố. Nhưng theo ông Phạm Văn Nên - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Núi Thành, quyết định 185 ra đời nhằm tháo gỡ các khó khăn của trung tâm nhưng có lĩnh vực không gỡ được mà càng làm rối thêm. Cơ quan chủ quản không rõ ràng, chồng chéo dẫn đến không thống nhất trong công tác lãnh đạo, kiểm tra về chuyên môn cũng như tổ chức phong trào thi đua yêu nước. “Chúng tôi phải tự mày mò, học tập bổ sung, cập nhật kiến thức giảng dạy do chưa có đầu mối thật sự về chuyên môn, nghiệp vụ. Về thi đua, huyện quy trung tâm vào với 3 trường trung học trên địa bàn…  Các anh ở các trường này nói không thể chấm trường chúng tôi được, vì tôi đặc thù, do đó chỉ có tôi mới biết tôi có tốt hơn năm trước hay không thôi” – ông Nên nói.

Bên cạnh đó, có quy định gây khó thêm là cán bộ, viên chức trung tâm BDCT không trực tiếp giảng dạy thì không được hưởng phụ cấp công vụ (25%) và cũng không được hưởng phụ cấp cho cán bộ, công chức khối Đảng (30%). “Theo Điều lệ Đảng, chúng tôi là cơ quan giúp việc cho cấp ủy cùng cấp. Nhưng khi hỏi bên nhà nước, họ nói anh thuộc khối Đảng nên không có công vụ. Hỏi bên huyện ủy, họ nói anh thuộc khối nhà nước, không thể hưởng phụ cấp khối Đảng. Chúng tôi bây giờ giống như đứa con bị từ chối” – ông Nên nói thêm.

Cũng theo Quyết định 185, bố trí định biên cho trung tâm là từ 4 - 6 người, nhưng hiện nay ở các trung tâm BDCT trên địa bàn tỉnh thì không thống nhất, có nơi 3 người, có nơi 7 người. Phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các trung tâm cũng có sự khác biệt, chưa nói đến việc cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều huyện không đáp ứng được nhu cầu mở lớp. Chế độ hỗ trợ kinh phí cho người học các lớp bồi dưỡng còn thấp, chỉ 50 nghìn đồng/người/ngày, huyện nào khó khăn thì chỉ có 30 nghìn đồng/người/ngày, trong khi đối tượng tham gia học tại trung tâm đa số là cán bộ không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Việc triển khai chương trình sơ cấp lý luận chính trị tiếp tục gặp khó khăn, thiếu tính khả thi trong chiêu sinh, bất cập cả về thời gian, kinh phí.

Nội dung chương trình chậm đổi mới

Trong chương trình sơ cấp lý luận chính trị, có đến 30 tiết dành cho hai đợt nghiên cứu thực tế nhưng do khó khăn về kinh phí nên hầu hết trung tâm BDCT chưa thể thực hiện. Từ năm 2012, thời gian đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cũng được rút ngắn từ 3 tháng xuống còn 1 tháng. Nhưng theo ông Đinh Phú Đông - Giám đốc Trung tâm BDCT TP.Hội An, việc tích hợp kiến thức vào 18 bài học trong tài liệu không tốt dẫn đến cắt xén một số vấn đề quan trọng và nội dung còn nặng lý thuyết, nhẹ về thực tế, nghiệp vụ.

Hiện nay, Trung tâm BDCT đang thực hiện 5 loại chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng và hướng dẫn thực hiện. Song, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chậm đổi mới, trùng lặp, thiếu tính liên thông. Tài liệu giáo dục lý luận chính trị không được bổ sung, cập nhật kịp thời theo nội dung các kỳ đại hội Đảng, hội nghị Trung ương Đảng... Theo ông Nguyễn Phúc Quyền – Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Thăng Bình, trước đây phần lớn các chương trình bồi dưỡng nặng về hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, cách làm này hiện nay không còn phù hợp. Một số đối tượng như trưởng, phó khối đoàn thể, trưởng, phó thôn, bí thư chi bộ, ít có biến động về nhân sự trong khi chương trình bồi dưỡng hầu như không thay đổi, nhất là 3 bài lý luận ở các lớp nghiệp vụ đoàn thể dẫn đến tình trạng học viên cảm thấy nhàm chán vì phải nghe đi nghe lại một nội dung.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở trong tình hình mới, đại diện nhiều trung tâm BDCT cho rằng tỉnh cần phải xây dựng mô hình chuẩn cho trung tâm BDCT cấp huyện, thành phố. Đồng thời cần có sự điều chỉnh những bất cập về chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức trung tâm cũng như ưu tiên cho giảng viên trung tâm được đi học cao cấp lý luận chính trị. Theo ông Nguyễn Phúc Quyền - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Thăng Bình, để đưa ra được các giải pháp căn cơ tháo gỡ những bất cập, khó khăn của các trung tâm BDCT hiện nay, Tỉnh ủy cần khảo sát, đánh giá “5 năm thực hiện Quyết định số 185 của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm BDCT cấp huyện, thành phố”. Qua đó, nắm rõ tình hình, chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở và có giải pháp cho thời gian tới.

Trong chương trình sơ cấp lý luận chính trị, có đến 30 tiết dành cho hai đợt nghiên cứu thực tế nhưng do khó khăn về kinh phí nên hầu hết trung tâm BDCT chưa thể thực hiện. Từ năm 2012, thời gian đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cũng được rút ngắn từ 3 tháng xuống còn 1 tháng. Nhưng theo ông Đinh Phú Đông - Giám đốc Trung tâm BDCT TP.Hội An, việc tích hợp kiến thức vào 18 bài học trong tài liệu không tốt dẫn đến cắt xén một số vấn đề quan trọng và nội dung còn nặng lý thuyết, nhẹ về thực tế, nghiệp vụ.

Để khắc phục trước mắt những hạn chế này, nhiều TTBDCT đã chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở sao cho phù hợp với từng đối tượng người học. Theo ông Nguyễn Phúc Quyền - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Thăng Bình, về giải pháp lâu dài cho rằng cấp có thẩm quyền phải cấu trúc lại các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng gọn hơn, hiện đại hơn, thiết thực hơn. Hoặc nên chăng chỉ cần xây dựng một khung chương trình và nội dung kiến thức cơ bản cần truyền tải. Dựa vào nội dung định hướng đó, các trung tâm sẽ tự biên soạn tài liệu, tự cập nhật nội dung kiến thức, kỹ năng để phục vụ cho việc dạy và học. Cách làm này sẽ tăng tính chủ động, sáng tạo của các trung tâm, của giảng viên; nội dung chương trình sẽ sát đúng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ở từng địa phương.

THANH BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất cập ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị: Chưa có lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO