Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua nhưng công tác quản lý của các địa phương và ngành chức năng vẫn còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.
Lén lút khai thác cát
Có mặt tại khu vực sông Trường Giang đoạn qua tổ 15 (thôn 3, xã Bình Triều) vào chiều 22.7, chúng tôi nhận thấy hàng trăm khối cát không rõ nguồn gốc xuất xứ được người dân gấp rút trút lên bãi từ khoảng 10 chiếc ghe neo đậu sát bờ. Ghe này đổ xong cát liền vội vã tách nhóm để ghe khác tấp vào. Ngay lúc đó, hàng chục thanh niên hối hả vận chuyển cát. Tại các bãi tập kết cát trên bờ, nhiều người dân xúc cát đưa lên các xe tải đậu sẵn đó, vận chuyển đi nơi khác. Sự việc liên tục diễn ra đến tối mịt. Người dân địa phương cho biết, các bãi tập kết cát trên địa bàn hoạt động rầm rộ vào lúc chiều tối bởi thời điểm này sẽ tránh được các lực lượng chức năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn ra trên địa bàn xã Bình Triều từ nhiều năm nay. Điều đáng nói là địa phương vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. “Khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ đã khiến cho môi trường sinh thái bị xáo trộn. Hiện tượng sạt lở bờ sông cũng đã diễn ra. Tình trạng mất an ninh trật tự, mất mỹ quan thôn xóm cũng khiến người dân bức xúc. Mặc dù xã đã thành lập tổ công tác, mục đích chấm dứt việc lộn xộn này nhưng rất tiếc là sự việc chưa được ngăn chặn tận gốc” - ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều nói. Theo ông Ba, chính quyền xã gặp khó ở chỗ không bắt được đối tượng khai thác cát trái phép tại chỗ. Cụ thể là các đối tượng đặt ghe, máy hút trên địa phận các xã Bình Đào, Bình Giang rồi thò các ống hút, khai thác cát trái phép trên địa phận xã Bình Triều. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các xã để chấn chỉnh tình trạng này lại chưa thực hiện được.
Trên nhiều đoạn sông qua xã Bình Triều, thường xuyên xuất hiện phương tiện vận chuyển cát trái phép. Ảnh: N.Q.V |
Tại xã Bình Giang, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra từ nhiều tháng nay. Người dân khai thác cát không phải để bán mà chủ yếu là để xây nhà. Ông Nguyễn Đê (người dân thôn Hiền Lương, Bình Giang) cho biết: “Gia đình tôi xây nhà rất cần cát tô, cát xây nhưng không thể mua được từ các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Hết cách, nên đành phải lấy trộm cát từ mỏ cát ở thôn. Chính quyền của xã biết, đến vận động, can thiệp”. Ông Đê cho rằng chỉ lấy một ít để sử dụng cấp thiết, không ảnh hưởng mấy đến tài nguyên chung của địa phương. Tình trạng khai thác cát trộm cũng đã xảy ra với một số hộ dân ở gần mỏ cát thuộc thôn Bình Hòa của xã Bình Giang. Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, việc quản lý tài nguyên cát trên địa bàn gặp khó khăn trong thời gian qua. Trong khi mỏ cát tại chỗ người dân không được hưởng lợi thì các công ty được cấp phép khai thác lại chưa thực hiện đúng nghĩa vụ với địa phương. Số tiền hỗ trợ địa phương là 35 nghìn đồng/m3 cát khai thác vẫn chưa được các công ty thực hiện đầy đủ.
Lỗ hổng quản lý
Nhiều đối tượng khai thác, trữ cát trái phép UBND xã Bình Triều cho biết, đến thời điểm này đã xác định được nhiều đối tượng khai thác cát trái phép là người dân trên địa bàn. Đó là các hộ Bùi Tấn Thêm (tổ 20, thôn 4), Nguyễn Hùng (tổ 17, thôn 4), Lê Kim Cường (tổ 16, thôn 3), Mai Lân (tổ 13, thôn 3). Ngoài ra, trên địa bàn cũng có một số đối tượng trữ cát trái phép là các hộ Hồ Viết Lê (tổ 15, thôn 3) và Hoàng Thương (tổ 16, thôn 3) . |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra tại sông Ly Ly đoạn qua các thôn Quý Xuân và Quý Thạnh của xã Bình Quý từ nhiều năm nay. Trong khi việc này chưa được xử lý dứt điểm thì tình trạng trên cũng xảy ra ở đoạn suối thuộc thôn Quý Mỹ (xã Bình Quý). Theo UBND huyện Thăng Bình, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tại các xã Bình Phục, Bình Nam, Bình Quý, Bình Định Nam, Bình Trị trong thời gian qua. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Bình Phục thì lại cho rằng, khai thác cát trái phép không hề diễn ra trên địa bàn trong thời gian qua. Có chăng chỉ là vận chuyển cát không đúng quy định giữa một số công ty tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được đóng chân trên địa bàn xã. Điều này trái ngược hoàn toàn với phản ảnh của người dân tổ 7, thôn Bình Hiệp của xã Bình Phục khi cho rằng việc khai thác cát trái phép đã diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm tại khu vực này.
Ông Võ Tấn Hiệu, chuyên viên phụ trách về khoáng sản (Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình) cho rằng, đến thời điểm này, đã có một số lỗ hổng trong quản lý tài nguyên cát trên địa bàn huyện. Việc khai thác cát trái phép diễn ra với nhiều nguyên nhân. Các công ty khai thác chui vì các thủ tục, hồ sơ cấp phép quá rườm ra, qua nhiều cấp từ xã, đến huyện, qua Sở Tài nguyên - môi trường, rồi khảo sát, thẩm định nhiều công đoạn mới được UBND tỉnh phê duyệt, cấp giấy phép khai thác. Trong khi khai thác trái phép thì không cần… thủ tục gì. Phải chăng có hiện tượng các xã trên địa bàn huyện “móc ngoặt” với các công ty, cơ sở khai thác cát trái phép?
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong thời gian đến, huyện sẽ thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành trên địa bàn để chấn chỉnh khai thác cát trái phép. Cụ thể, Thăng Bình sẽ thành lập đội kiểm tra liên ngành về khoáng sản - môi trường có sự hiện diện của lực lượng công an huyện, ngành tài nguyên - môi trường, kinh tế - hạ tầng để phối hợp với tổ công tác của xã, triệt để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. UBND huyện Thăng Bình cũng cho biết, lực lượng công an huyện sẽ được cài cắm, giả trang thành người dân tại các khu vực có khai thác cát trái phép rầm rộ để nắm rõ nhằm có cách xử lý nhanh, triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.
NGUYỄN QUANG VIỆT