Bất cập trong duyệt danh mục thu hồi đất

TRẦN HỮU 30/11/2017 14:29

Vì muốn được phê duyệt nên nhiều địa phương đăng ký danh mục với diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng với quy mô lớn, trong khi khả năng thực hiện dự án lại rất hạn chế.

HĐND tỉnh sẽ giám sát chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa.Ảnh: T.HŨU
HĐND tỉnh sẽ giám sát chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa.Ảnh: T.HŨU

Thực hiện dưới 50% danh mục đăng ký

Theo luật định, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư với loại đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng vào mục đích khác mà không thuộc trường hợp Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2016, khi trình danh mục đăng ký thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất cho năm 2017, tổng hợp trên địa bàn tỉnh có 1.093 danh mục thu hồi đất xin bổ sung thông tin với diện tích hơn 1.403ha. Tổng cộng có 429 danh mục dự án xin bổ sung có chuyển đổi chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với diện tích gần 452ha sau Nghị quyết số 46/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, chuyển mục đích sử dụng đất cho công trình công cộng chỉ chiếm diện tích gần 10%; còn chuyển mục đích sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đất ở chiếm hơn 90% tổng diện tích.

Nhiều dự án sử dụng đất lúa nhưng chưa rõ thông tin về tính khả thi của dự án, vốn đầu tư ra sao nên thay đổi, bổ sung thông tin nhiều lần tốn nhiều thời gian. Sở Tài nguyên - môi trường đánh giá, danh mục đề nghị bổ sung cho mục đích sản xuất kinh doanh, có sử dụng đất lúa khá lớn ở các huyện đồng bằng như thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Tam Kỳ. Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa và thu hồi đất năm 2017 tăng lên nhiều là do các dự án lớn về khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư tại các địa phương ven biển, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các chủ đầu tư đăng ký nhu cầu sử dụng đất là toàn bộ dự án. Một nguyên nhân diện tích thu hồi đất tăng lên là các địa phương muốn đưa danh mục vào trước rồi mới kêu gọi, thu hút đầu tư. Năm 2018, UBND tỉnh đề xuất 598 danh mục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc thẩm quyền HĐND quyết định với diện tích hơn 1.149ha, trong đó gần 1.000ha đất trồng lúa. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tuần qua, Sở Tài nguyên - môi trường thừa nhận, thực hiện kế hoạch sử dụng đất và danh mục dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng của các địa phương đạt tỷ lệ rất thấp (đa số dưới 50% danh mục đăng ý). Nhiều dự án đăng ký nhưng án binh bất động do không có vốn đầu tư.

Vướng mắc

Lo ngại không có danh mục thu hồi đất được duyệt cho năm sau triển khai nên các địa phương ồ ạt đăng ký, dù rất mơ hồ về thông tin theo yêu cầu như chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư nên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh gặp khó khăn trong thẩm định, tổng hợp trình HĐND tỉnh. Lý giải thêm nguyên nhân dẫn đến thực hiện danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng so với đăng ký đạt tỷ lệ thấp, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Viễn cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư trong năm kế hoạch thường chậm trễ, ách tắc, địa phương đăng ký nhiều lần. “Ở khu vực đô thị, hầu hết địa phương đều có dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị, khu phố chợ, bất động sản gắn dịch vụ, du lịch. Thêm vào đó, áp lực tạo nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho chương trình mục tiêu nông thôn mới nên hầu hết các xã đều có khai thác quỹ đất nhiều, sử dụng đất chuyên trồng lúa dọc theo các trục giao thông làm tăng chỉ tiêu chuyển đổi mục đích đất lúa” - ông Viễn nói.

HĐND tỉnh có Nghị quyết số 203/2016/NQ-HĐND ngày 26.4.2016 về thu tiền bảo vệ phát triển đất lúa trên địa bàn tỉnh nhưng thực tế không hạn chế được việc chuyển đất lúa sang mục đích kinh doanh, xây dựng. Ở các huyện đồng bằng, mô hình khu phố chợ, khai thác khu dân cư, bất động sản đã chiếm dụng nhiều diện tích đất nhất. Ông Nguyễn Văn Diệu - Phó ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đề xuất, cần cấm hẳn việc chuyển đổi đất lúa sang phát triển khu dân cư, khu phố chợ, bất động sản. “HĐND tỉnh cần chỉ đạo HĐND cấp huyện kiểm tra, giám sát đăng ký danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Việc lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất cập trong duyệt danh mục thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO