Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành giáo dục Quảng Nam cũng đang đối mặt với nhiều bất cập làm kìm hãm sự phát triển.
Ngại… giỏi!?
Năm 2011, Báo Quảng Nam từng có bài ““Sợ” lên sở, phòng!?”, phản ánh tình trạng nhiều cán bộ làm việc tại sở cũng như các phòng GD-ĐT ồ ạt xin về công tác tại trường học. Đồng thời việc điều động cán bộ quản lý trường học, giáo viên lên làm nhiệm vụ tại sở, phòng cực kỳ khó khăn, vì tất cả đều tìm lý do từ chối. Nguyên nhân không phải là không đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn hay đi làm xa hơn mà là vấn đề ảnh hưởng đến thu nhập. Cụ thể, chuyển công tác về trường thì thu nhập của cán bộ, giáo viên sẽ tăng lên rất nhiều, thậm chí có người còn cao gấp đôi so với khi ở sở, phòng. Đó là chưa kể rất nhiều “lợi ích” khác mà khi công tác ở sở hoặc phòng họ không có, chẳng hạn như dạy thêm (nhờ có học trò và quỹ thời gian rảnh rỗi nhiều), ít áp lực công việc.
Vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý làm cản trở phát triển của sự nghiệp trồng người. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành GD-ĐT của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, vấn đề này được nhiều cử tri nêu ra, dù cho đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị “vấn đề gì mà cử tri trước đã nói thì không nên lặp lại”. Đáng lưu ý, những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng nhiều năm trước đây không những chưa được tháo gỡ mà còn phát sinh thêm cái mới. Chẳng hạn, theo chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ban hành năm 2011, chỉ có giáo viên đứng lớp được hưởng còn nhà giáo làm công tác quản lý cấp sở, phòng không có. Chính vì vậy, ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn bức xúc: “Chính sách hiện nay thủ tiêu động lực phấn đấu của người làm giáo dục. Anh nào dưới trường làm giỏi một tí là “sợ” điều động về phòng nên không dám nỗ lực hoặc làm việc cầm chừng”. Cũng chính vì vậy mà thực tế hiện nay để có người làm, các phòng GD-ĐT buộc phải sử dụng phương án “trưng dụng” cán bộ, giáo viên của trường học lên làm công việc của phòng nhưng lương vẫn nhận dưới trường.
Một trong những nội dung được Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nhấn mạnh là tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, không chỉ làm thui chột ý chí phấn đấu của nhiều người mà còn tạo sự không công bằng cho các nhà giáo. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT nói: “Điều động cán bộ, giáo viên về làm công tác quản lý ở sở, phòng phải là những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng người giỏi lại không đi vì thiệt thòi nhiều thứ. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành của ngành”.
Phân cấp… tùy hứng
Một trong những bất cập mà ngành GD-ĐT nhắc đi nhắc lại tại hội nghị của ngành nhiều năm qua cũng như ở các cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh là vấn đề phân cấp quản lý. Từ năm 2002, UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp: Sở GD-ĐT quản lý các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; các cấp học còn lại gồm mầm non, tiểu học và THCS được phân cấp về cho địa phương huyện, thị xã, thành phố quản lý. Hiệu quả của phân cấp quản lý đã thấy rõ như đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống tài chính, vai trò quản lý điều hành của cơ quan quản lý tài chính các cấp; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động nhiều hơn trong việc sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chính quyền địa phương cũng xác định được trách nhiệm của mình trong việc đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên hợp lý.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay các địa phương thực hiện phân cấp một cách …tùy hứng, mỗi nơi mỗi kiểu. Có địa phương phân cấp triệt để (ngành nội vụ quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên còn tài chính các trường học được giao cho ngành tài chính quản), có địa phương phân cấp một phần, cũng có nơi không phân cấp (phòng GD-ĐT điều hành ngân sách và biên chế). Khi còn làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành, ông Lưu Bá Ân đã chia sẻ về sự bất hợp lý trong phân cấp: “Việc phân cấp như vậy đã tạo ra những tầng nấc không đáng có dẫn đến nhiều khi công việc thực hiện thiếu kịp thời, không hiệu quả”. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc trong lần tiếp xúc cử tri ngành GD-ĐT của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây cũng nhắc lại việc mạnh ai nấy phân cấp và không theo khuôn mẫu nào đã gây không ít khó khăn trong công tác điều hành, quản lý chung của ngành cũng như cản trở cho quá trình phát triển. “Việc các địa phương thực hiện phân cấp theo Nghị định 115 (24.12.2010) về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục không thống nhất đã gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành của ngành nên rất cần có hội nghị đánh giá” - ông Quốc đề nghị.
Sau 13 năm thực hiện chủ trương phân cấp, đến nay vẫn chưa có hội nghị nào được mở để đánh giá quá trình triển khai thực hiện và xem điều gì cần điều chỉnh, bổ sung. Thế nên, những khó khăn, tồn tại trong thực hiện phân cấp như là những câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
XUÂN PHÚ