Bất cập trong phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ trong giáo dục: Nói mãi, vẫn chưa sửa!

XUÂN PHÚ 29/08/2017 08:39

Nhiều câu chuyện tréo ngoe xảy ra, dù “biết rồi” nhưng vẫn “nói mãi” do chưa sửa. Sự bất cập đó không chỉ gây cản trở mà còn làm kìm hãm sự phát triển của sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Những bất cập trong phân cấp quản lý đã cản trở giáo dục phát triển. Ảnh minh họa
Những bất cập trong phân cấp quản lý đã cản trở giáo dục phát triển. Ảnh minh họa

1 .Trong khi chờ khai mạc hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc đi bắt tay một số lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện rồi hỏi tên, chức danh của từng người. Sau đó, ông Quốc nửa đùa nửa thật: “Giám đốc Sở GD-ĐT mà không biết lãnh đạo phòng GD-ĐT các địa phương mới được bổ nhiệm. Khổ rứa! Thế mà khi có việc gì ở địa phương thì kêu giám đốc sở ra truy!?”.

Chia sẻ của người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh không phải không có cơ sở và cũng chẳng phải là câu chuyện mới. Lâu nay, việc bổ nhiệm lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh không thông qua bước hiệp thương, tham khảo ý kiến của Sở GD-ĐT. Trong khi đó, ngược lại, trước khi bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường THPT, Sở GD-ĐT đều buộc phải trải qua quy trình hiệp thương với lãnh đạo địa phương sở tại. Bởi vậy nên mới có sự việc “một người chưa bao giờ làm thầy lại được bổ nhiệm làm quản lý giáo dục của địa phương” như phát biểu của nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng khi còn đương chức với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong một cuộc làm việc.

2. Ngay sau tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, trong tuần qua, Sở GD-ĐT liên tiếp tổ chức 3 hội nghị tổng kết năm học theo từng cấp học mầm non, tiểu học, THCS tại huyện Núi Thành, Phú Ninh và Thăng Bình dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở GD-ĐT. Cùng dự có đầy đủ lãnh đạo các phòng chức năng của sở. Điều đáng nói, thay vì chỉ mời các phòng GD-ĐT là đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp về chuyên môn như từ trước đến nay, Sở GD-ĐT “làm mới” khi mời tất cả 267 trường mầm non, 274 trường tiểu học và 218 trường THCS trong toàn tỉnh tham dự hội nghị. Lý giải về việc tổ chức “hội nghị mở” này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng đây là lần đầu tiên sở tổ chức (và cũng là lần đầu tiên của cả nước) và không phải là sở “dài tay”, làm thay phòng GD-ĐT mà để “trực tiếp nghe hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cả tỉnh nói về những tồn tại, bất cập cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hiến kế cho ngành những ý tưởng hay để phát triển”.

Thực tế trong phân cấp quản lý giáo dục hiện nay tồn tại một “bức tường vô hình” khiến cho công tác quản lý giáo dục bị “cắt khúc”, thiếu hiệu quả. Sở GD-ĐT, ngoài các trường THPT, đã không thể “với tay” đến các trường mầm non, tiểu học, THCS do các địa phương quản lý. Quy hoạch, phát triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên của các địa phương ngoài tầm tay của “tư lệnh” ngành rõ ràng là một bất cập. Ông Quốc từng chia sẻ, thiếu trường tiểu học, mầm non, THCS hay trường tiểu học xuống cấp, học sinh mầm non thiếu chỗ học thì chất vấn Sở GD-ĐT trong khi địa phương trực tiếp quản lý.

3. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, một trong những bất cập làm cản trở nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đó là thiếu sự giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Dẫn chứng thực tế của đơn vị mình - Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), thầy Thiện cho biết thiếu hóa chất phòng thí nghiệm cho dạy và học song đã đề xuất cấp trên mua nhưng 2 năm học qua đến giờ vẫn không mua được. “Hóa chất phòng thí nghiệm rất dễ mua và trường có sẵn nguồn kinh phí. Thế nhưng theo quy định là phải đấu thầu tập trung và tỉnh mới được tổ chức đấu thầu mua cấp về. Rõ ràng gọi giao quyền tự chủ cho các trường nhưng thực tế không tự chủ chút nào hết” - thầy Thiện nói.

Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh phân cấp và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những bất hợp lý trong phân cấp quản lý giáo dục, nhất là đối với khối trực thuộc UBND các quận, huyện. Và mới đây, TP.Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế đặc thù cho ngành GD-ĐT: tất cả cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT đều quy về một mối quản lý là Sở GD-ĐT, tránh tình trạng “cắt khúc” như hiện nay. Như vậy, việc quản lý chuyên môn, bổ nhiệm nhân sự, phân bổ ngân sách… cũng thống nhất một mối theo ngành dọc, thúc đẩy phát triển giáo dục nhanh hơn, đổi mới giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn. Còn ở Quảng Nam, tại hội nghị tổng kết năm học vừa qua, sau khi nghe lãnh đạo các trường lo ngại vì cơ sở vật chất xuống cấp đã lâu chưa được đầu tư kịp thời, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc chia sẻ: “Bảo ngành GD-ĐT tập trung làm chuyên môn đi, song ít ra chúng tôi phải có bục giảng, có thiết bị, có phòng học. Mà không có thì chúng tôi phải kêu chứ!”.

Trong khi cả nước đang quyết tâm thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì những bất cập trên phải sớm được khắc phục. Muốn vậy, riêng ngành giáo dục không đủ mà cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương. Sau gần 15 năm thực hiện chủ trương phân cấp quản lý, ngành giáo dục rất mong tỉnh tổ chức hội nghị để lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng nhìn thấy được những tồn tại, hạn chế của cơ chế phân cấp hiện nay; từ đó có giải pháp tháo gỡ.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất cập trong phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ trong giáo dục: Nói mãi, vẫn chưa sửa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO