Tiêm phòng là khâu cực kỳ quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại do dịch cúm gia cầm gây ra. Thế nhưng, thời gian qua và kể cả giai đoạn mầm bệnh đang bùng phát, việc chích ngừa vắc xin ở nhiều địa phương còn bộc lộ những bất cập…
Sợ tốn kém
Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 4,6 triệu con gia cầm các loại. Thế nhưng, trong đợt 1 năm 2014 mới chỉ có 1% tổng đàn được tiêm phòng bệnh cúm. Trước tình hình ấy, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 dương lịch vừa qua, UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn liên tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung mọi nỗ lực để chích ngừa vắc xin bổ sung nhằm tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, tính đến ngày 16.9 - thời điểm chủng vi rút mới mang độc lực mạnh cúm A/H5N6 xuất hiện tại thôn Phú Quý 3 (xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành), tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng bệnh cúm đợt 2 trên toàn tỉnh cũng chỉ đạt 0,36%. Trong khi đó, mục tiêu mà UBND tỉnh đưa ra lúc ban đầu là tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phải đảm bảo đạt hơn 80% so với tổng đàn. Nhiều người lo ngại rằng, với tỷ lệ tiêm phòng đạt quá thấp như vừa nêu thì thời gian tới dịch cúm gia cầm hoành hành trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.
tiêm phòng cho các đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn.Ảnh: N.SỰ |
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Lê Hữu Hà – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Năm 2014, Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ vắc xin cúm và công tiêm phòng cho người chăn nuôi. Vì thế, nếu muốn đàn gia cầm của mình an toàn trước loại dịch bệnh nguy hiểm này thì buộc người dân phải tự bỏ tiền ra đăng ký mua vắc xin về chích ngừa. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi cho thấy phần lớn các hộ dân đều thả nổi khâu tiêm phòng cho gà vịt vì sợ tốn tiền mua vắc xin”. Ý kiến của ông Hà cũng là ý kiến chung của rất nhiều lãnh đạo ngành thú y các huyện, thành phố mà chúng tôi phỏng vấn trong những ngày gần đây…
Bất cập cung ứng vắc xin
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho rằng, việc bất cập trong khâu đóng lọ vắc xin của đơn vị cung ứng cũng vô hình trung khiến người chăn nuôi ngại tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Ông Hòa nói: “Hiện nay, nhà cung cấp vắc xin cúm đóng 500 liều vắc xin vào một lọ. Ví dụ có hộ dân nào đó nuôi 150 con vịt, lúc vịt 15 ngày tuổi nếu muốn chích ngừa vắc xin thì buộc họ phải bỏ tiền ra mua cả một lọ 500 liều, trong khi nhu cầu của họ chỉ là 150 liều, còn thừa 350 liều phải vứt vì lọ vắc xin ấy khi đã khui ra là phải tiêm hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ chứ để sang ngày hôm sau là không còn hiệu nghiệm”.
Theo ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam, trong tổng số 4,6 triệu con gia cầm trên toàn tỉnh thì số lượng nuôi nhỏ lẻ trong dân chiếm ít nhất một nửa. Sở dĩ thời gian qua tỷ lệ đàn gia cầm của tỉnh được tiêm phòng bệnh cúm đạt quá thấp như đã nêu cũng là do bất cập trong đóng liều vắc xin vào lọ của đơn vị sản xuất. Nhiều người cho rằng, nếu nhà cung ứng vắc xin không kịp thời điều chỉnh khâu đóng lọ một cách phù hợp thì e rằng thời gian tới công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm ở Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ tiếp tục gặp trở ngại.
Còn một vấn đề nữa, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, sau 14 ngày kể từ khi mua vịt con từ lò ấp trứng về thì người chăn nuôi phải triển khai tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm mũi 1 rồi tiếp tục tiến hành chích ngừa mũi 2 cách mũi 1 đúng 21 ngày. Và sau khi tiêm mũi 2 khoảng 28 ngày thì mới được xuất bán. Nghĩa là, nếu thực hiện đúng theo quy trình ấy thì chu kỳ nuôi đàn vịt thịt mất hết 63 ngày. Trong khi đó, thực tế những năm qua cho thấy phần lớn người dân nuôi vịt thịt khoảng 40 - 45 ngày là đồng loạt xuất chuồng. Vì thế, đại đa số hộ dân đều không muốn hợp tác với cơ quan thú y trong việc chích ngừa mũi vắc xin cúm thứ 2 cho bầy vịt của mình. Do vậy, dẫn đến nhiều đàn vịt không đảm bảo ngưỡng an toàn về dịch bệnh…
NGUYỄN SỰ