ĐT610B là trục giao thông đường bộ huyết mạch xuyên qua 3 xã vùng Gò Nổi của Điện Bàn. Tuy nhiên, tuyến đường này đang tồn tại nhiều bất cập gây mất an toàn, thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tiềm ẩn tai nạn
Bắt đầu từ quốc lộ 1, tuyến ĐT610B đi qua địa phận Duy Xuyên và 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang của Điện Bàn. Cách đây gần 10 năm, cung đường được nâng cấp, mở rộng chắc chắn. Linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn, những đoạn qua khu vực trung tâm hành chính của 3 xã vừa nêu đã hình thành nên đường đôi khang trang, phù hợp quy hoạch nông thôn mới.
Cầu Gò Nổi trên tuyến cũng được xây dựng mới, thay thế cho cầu cũ (thường gọi là cầu Đen) bị gãy nhịp. Tuy nhiên, một số vị trí cong, cua trong quá trình nâng cấp, mở rộng không thể nắn tuyến cho thẳng vì phải giải tỏa nhà dân bị ảnh hưởng mà kinh phí đầu tư lại có hạn. Thế nên, góc cua gấp kiểu cùi chỏ ngay đối diện chợ Hà Mật (xã Điện Phong) gây khuất tầm nhìn người tham gia giao thông vẫn tồn tại, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông là rất cao.
Đoạn chui dưới đường sắt Bắc - Nam (giáp ranh giữa 2 xã Điện Trung và Điện Quang), mặt cắt đường nhỏ lại, nếu không cẩn thận khi di chuyển sẽ chuốc họa vào thân và thực tế đã từng xảy ra tai nạn thương tâm.
Mùa mưa bão năm nay, con em xã Điện Quang đang học Trường THPT Phạm Phú Thứ (đóng ở xã Điện Trung) phải thường xuyên nghỉ học. Bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, năm nay lũ lụt sông Thu Bồn nhiều thời điểm lớn mức báo động 2 và trên báo động 2. Với mức báo động này, nước lũ sẽ chảy vào ngập sâu mặt đường ĐT610B chui dưới đường sắt Bắc - Nam. Do đó, các em không thể nào di chuyển qua được, bắt buộc phải nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.
Địa phương từng tính giải pháp tạm thời là đưa học sinh đi bộ băng qua đường sắt, nhưng phương án mạo hiểm này không ổn vì cần cắt cử người cảnh giới xuyên suốt. Ngay khu vực giáp ranh giữa Duy Xuyên với Điện Bàn, nước lũ ở mức báo động 2 cũng đã băng đoạn đường ĐT610B trũng thấp dài chừng 150m qua xã Điện Phong. Lưu thông bị ngưng trệ khiến hàng nghìn công dân vùng Gò Nổi đang làm việc ở khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và tại nhiều khu, cụm công nghiệp khác trong và ngoài thị xã phải gián đoạn công việc. Vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm không thể diễn ra đã ảnh hưởng đến giao thương, ổn định đời sống dân sinh.
Cần thiết cải tạo
Đợt lũ lụt gần nhất, ai nấy đều bất ngờ khi xe máy được người dân Điện Phong vận chuyển bằng xe máy cày qua đoạn đường trũng thấp đang bị ngập nước gần giáp địa bàn Duy Xuyên nhưng không lấy tiền. Bí thư Đảng ủy xã Điện Phong - ông Hồ Minh Lý chia sẻ, địa phương vận động người dân có phương tiện xe công nông hỗ trợ miễn phí cho người có xe máy cần đi qua vị trí bị nước chia cắt. Xã và nhiều nhà hảo tâm lo chi phí về nhiên liệu. Đây chỉ là giải pháp tình thế, được thực hiện khi mực nước mới báo động 2, hoặc trên báo động 2 một tí, chứ lũ lớn nữa đành chịu.
Lo lắng trước thực trạng chỉ mới lũ lụt nhỏ mà tuyến đường ĐT610B đã ách tắc lưu thông, cử tri vùng Gò Nổi nhiều năm qua từng kiến nghị cấp có thẩm quyền (ĐT610B thuộc tỉnh quản lý) chỉ đạo nâng cao trình đoạn đường giáp ranh giữa Duy Xuyên với Điện Bàn lên khoảng 1m, đảm bảo nước lũ dưới báo động 3 chưa bị ngập. Với vị trí chui dưới đường sắt Bắc - Nam, mặt đường không thể nâng cao thêm vì sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của ô tô tải, xe container. Do đó, xã Điện Quang qua khảo sát đã đề xuất nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên thôn chui qua đường sắt về phía nam, kéo dài xuống địa phận xã Điện Trung sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề. Nguyện vọng chính đáng đó chưa được đáp ứng, để mùa mưa năm nay người dân nơi đây phải chịu ảnh hưởng không nhỏ, khi rất nhiều lần mức lũ sông Thu Bồn tiệm cận báo động 2.
Chưa hết bất cập, nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến đường ĐT610B còn tồn tại kéo dài, điển hình như vị trí cong cua qua trước chợ Hà Mật. Các điểm giao nhau với đường địa phương, thuộc địa bàn xã Điện Quang chưa có giải pháp đảm bảo an toàn căn cơ bằng hệ thống biển báo, vạch mắc võng, gờ giảm tốc…
Chẳng hạn nút giao với tuyến ĐH10.ĐB, đèn nháy vàng cảnh báo chỉ bố trí trên ĐH10.ĐB, còn trên ĐT610B lại không thực hiện khiến cho người đi trên tuyến chính không nhận diện ra sớm điểm giao nhau mà giảm tốc độ, quan sát kỹ để chủ động xử lý tình huống bất ngờ. Mấy chục năm ròng, người dân ở vùng Gò Nổi từng chịu bao mất mát bởi chiến tranh mỏi mòn chờ đợi cây cầu vững chãi bắc qua sông Thu Bồn, nối ĐT610B về phía tây, tránh cảnh lên Đại Lộc, qua Duy Xuyên và các huyện miền núi phải đi đường vòng xa mấy chục cây số. Những trăn trở đó cần được cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm có giải pháp thỏa đáng.