Trong thực tế, một số nghị định, thông tư nhằm chỉ đạo triển khai cụ thể nhiệm vụ liên quan đến việc thực thi Luật Giao thông đường bộ vẫn còn chỗ “vênh” nhau, gây lúng túng cho đơn vị kinh doanh vận tải và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6.8.2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ hôm nay (1.10). Ở điều 21 của Thông tư quy định, đơn vị kinh doanh bến xe khách có trách nhiệm không cho xe xuất bến nếu biển kiểm soát xe và lái xe không đúng với nội dung trong Lệnh vận chuyển; báo cáo Sở GTVT để xử lý. Còn theo điều 18, đơn vị bến xe ghi số khách đi xe tại bến; xác nhận xe, lái xe đủ điều kiện xuất bến; giờ xuất bến thực tế; giờ đến bến thực tế; ký xác nhận và đóng dấu vào Lệnh vận chuyển. Như vậy, kể từ ngày 1.10, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ tự in và cấp Lệnh vận chuyển cho xe chở khách tuyến cố định, thay vì sử dụng Sổ nhật trình do Sở GTVT cấp như trước đây. Sổ nhật trình được cấp theo quy định của Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24.6.2010 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô được sử dụng đến hết thời hạn được ghi nhưng không quá ngày 31.12.2013.
Thế nhưng, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại “chưa theo kịp” Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT liên quan đến Lệnh vận chuyển, Sổ nhật trình. Bởi vì điều 26 của Nghị định ghi rõ, phạt tiền từ 500 - 800 nghìn đồng đối với xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không đúng tuyến xe chạy, không có “Sổ nhật trình chạy xe” hoặc có nhưng không có xác nhận của bến xe hai đầu tuyến theo quy định. Nếu chiếu theo điều này, đơn vị kinh doanh vận tải dù cho có Lệnh vận chuyển, được bến xe xác nhận nhưng không “sở hữu” Sổ nhật trình cũng sẽ bị lực lượng chức năng xử lý theo pháp luật. Sự bất cập trên khiến doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải khách tuyến cố định gặp khó khăn, lúng túng do không biết “cân nhắc” lựa chọn hướng đi nào cho đúng. Mong rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có lời giải đáp thỏa đáng thắc mắc này, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
SÁU CÒI