Nhìn thấy anh Tám An Dưỡng ở xã Bình An (Thăng Bình) đổ phân chuồng trên ruộng còn trơ gốc rạ, Tư tôi thắc mắc thì anh giải thích: “thì để 2 ngày nữa trổ nước vào, hốt phân vãi khắp ruộng rồi thuê máy lồng đất và tiến hành gieo sạ”. “Chứ sao không cày phơi ải theo khuyến cáo của ngành chuyên môn?”. “Cày làm chi cho tốn kém”…
Vụ hè thu 2016 vợ chồng anh Tám sản xuất tổng cộng 5 sào lúa. Mặc dù gần cuối tháng 4 dương lịch họ đã thu hoạch lúa đông xuân nhưng hơn 1 tháng nay toàn bộ số diện tích đất này vẫn không được cày phơi ải. Nghe Tư tôi thắc mắc, anh Tám nói: “Vụ vừa rồi do nhiều loại sâu bệnh gây hại trên diện rộng và thời điểm lúa trổ đòng rộ gặp trời mưa lạnh kéo dài khiến năng suất đạt rất thấp, bình quân 1 sào thu được 230kg khô. Vì sản lượng lúa tụt giảm mạnh nên sau khi trừ tiền mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các khoản chi phí khác thì mỗi sào tui chỉ lãi chừng 150 nghìn đồng, thấp hơn đông xuân năm ngoái 500 nghìn đồng. Mùa màng thất bát, thu nhập ít ỏi khiến tui nản lòng nên chẳng thèm cày phơi ải đất, dù rằng cả 5 sào lúa đều được gặt xong từ rất sớm. Mà chú Tư mi biết không, nếu thuê máy thực hiện khâu này thì 1 sào phải tốn thêm ít nhất 80 nghìn đồng. Kinh tế đang quá khó khăn, thôi thì cứ để ruộng vậy rồi lồng đất và triển khai gieo sạ”.
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đông xuân vừa qua năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 51,3 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa là thời tiết quá cực đoan và hàng loạt đối tượng sâu bệnh nguy hiểm như bọ trĩ, rầy nâu, bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy lưng trắng… bùng phát mạnh. Theo ông Muộn, hè thu 2016, nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố tổ chức xuống giống khoảng 42.500ha lúa. Ngay từ đầu tháng 4 dương lịch, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương liên tục khuyến cáo người dân gặt lúa đông xuân xong thì phải lập tức ra quân vệ sinh đồng ruộng, rắc vôi bột và tiến hành cày phơi ải đất để chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ nhằm hạn chế thiệt hại. Thế nhưng, cho tới cận ngày bắt tay vào việc gieo sạ trà đầu thì toàn tỉnh mới chỉ có 70% diện tích được cày lật đất, còn lại 30% diện tích nhà nông cứ để trơ gốc rạ rồi thuê máy lồng và xuống giống. Trước tình trạng nông dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chẳng ai dám chắc trong vụ lúa hè thu này các loại sâu bệnh sẽ không hoành hành trên phạm vi rộng.
Nhân đây, Tư tôi xin kể một chuyện, đó là đông xuân vừa rồi nhà nông ở không ít nơi “đốt” lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đưa ra. Cụ thể, nhiều hộ dân tại Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước… dùng những giống lúa trung và ngắn ngày gieo sạ trên các cánh đồng được khuyến cáo bố trí một số loại giống dài ngày. Trong khi đó, ở những vùng sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống kênh chính bắc Phú Ninh thì lấy các loại giống lúa trung và dài ngày gieo sạ cho hơn 500ha đất được bố trí làm giống ngắn ngày. Chính việc nông dân không tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống đã gây khó khăn rất lớn cho quá trình cung ứng nước tưới và triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng.
Lâu nay, hễ mùa màng thất bát thì nhiều người cứ thường đổ lỗi cho thiên tai và dịch bệnh. Nhưng qua câu chuyện này, rõ ràng yếu tố nhân tai cũng là vấn đề rất đáng để suy ngẫm!
TƯ RUỘNG