Tôi có một hồn quê trong veo xanh biếc. Trong là còn ánh những hạt lòng thơ ngây tinh trắng; xanh là còn chiếu những đọt đòng đòng non tơ rung trong gió nắng đương thì. Hồn quê là tia nắng ấm vừa hắt qua tôi thời niên thiếu.
Mỏ neo ký ức
Giữa mênh mang đất trời, cảm giác tôi vẫn còn nhớ như in về một miền quê dịu vợi xa vắng ngày ấy. Và cũng có lúc lòng khắc khoải về cây đa - bến nước - con đò xưa - chỗ thường đưa mẹ và tôi qua sông để về nhà ngoại trong những ngày giỗ chạp.
Bến cũ đã mờ xóa vết chân đời và con đò đã chìm khuất dấu dầm từ rất lâu. Nhìn lên cao, chỉ thấy nền trời xanh lơ trong vắt, vài chú chim trong lùm cây thoáng nghe động vụt bay lên, tôi dõi mắt hướng về nẻo xa ngóng một bóng mây lạc qua đây, tràn xuống lòng đầy tưởng tiếc.
Lâu và xa biết bao ngày rồi tôi mới có dịp về lại bến sông này. Thoạt nhiên, những câu thơ lẻ chợt hiện ra duềnh lên như sóng nước: “Con sông này đã đi qua/ Suốt đời ta thề không trở lại” (Hàn Mặc Tử) hay “Con sông nào đã xa nguồn/ Thì con sông đó sẽ buồn với tôi” (Hoài Khanh)… Mỗi dòng sông chảy qua đều đẫm ướt bao nỗi hoài vọng trong khi con nước thì mãi lạnh lùng trôi đi cuốn theo bao cát bụi lở bồi…
Tôi không nhớ mình đã đi về trên con đường này bao nhiêu lần rồi. Con đường tuy nhỏ bé bình dị nhưng lại rất đỗi thân thiết và cũng đọng lại biết bao điều lạ lẫm gọi mời. Hôm nay tôi rảo gót trên con đường này, chợt nhận ra cảnh vật có nhiều thay đổi.
Nắng ngỡ là nắng của ngày xưa, gió vẫn như gió thuở nào, chỉ có hồn tôi xao xác trước bức tranh tay người sắp đặt. Thương nhớ đồng quê. Những thửa ruộng nối tiếp nhau xanh rờn ngõ vắng.
Rồi lúa ngậm sữa xuân thì căng tràn mạch sống hứa hẹn mùa về, chất chứa mùi thơm của nụ cười hồn hậu, của ánh mắt trông chờ hy vọng. Mùi lúa chín ngọt lòng đến thế! Suy nghĩ vẩn vơ rồi chiêm nghiệm lẽ đời. Bông lúa càng chín càng cúi đầu.
Cha tôi ngày xưa thường từ tốn dặn dò: Làm ra hạt lúa vô cùng khó nhọc, vậy khi có được cái ăn thì hãy nên biết giữ gìn và quý trọng nó. Lớn lên tôi càng hiểu và thấm thía câu ca ngàn đời của ông cha: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Tìm dáng quê xưa
Tôi còn nhớ những ngày mưa tháng lạnh, trẻ con thường hay xúm xít quanh bếp lửa hồng chực chờ để mẹ cho khi thì chén bắp rang nổ, khi thì vài củ khoai lùi… Có hôm cha thu hoạch chòm lúa nếp trổ muộn ngoài đồng đem về nhà đập gặt.
Những hạt lúa nếp xanh tung tóe văng ra trong bồ, xong cha gom hết rồi đưa cho mẹ để làm cốm. Chiếc nồi đất lớn bắc lên trên bếp lửa, đôi đũa trong tay mẹ cứ thế quây đều, một lát sau, lẹ tay mẹ đổ vào miệng cối gỗ.
Tiếng cối chày cha giã nhịp lên xuống nhanh gọn và đều. Khi đoán chừng cốm đã tới thì chị tôi đưa chiếc vá múc cốm đã giã, đổ ra nia rồi sàng sảy cho bay hết trấu.
Từng hạt cốm dẹp dẹt lóng lánh ánh vàng trên sàng, sẵn tay hớt một nhúm cốm đưa vào miệng nhai thơm ngậy. Nếu ưa giòn hơn bắc lên bếp sơ chấy, rắc thêm chút đường cát sẽ thành thức quà dân dã khó quên.
Trên giàn bếp cha còn treo lủng lẳng nào bắp, nào bông lúa nếp, bầu, mướp… để giống cho mùa vụ sau. Trong gia đình, phụ nữ là người nhóm bếp lửa trước hết và cũng chính là người giữ gìn hơi ấm cho ngôi nhà. Mẹ thường nói thế.
“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”… (Bằng Việt).
Bất chợt trong tôi như có một dòng tương tục từ đâu chảy về làm xói trôi và trôi hoài trong khoảng không vô cùng tận. Bụi chuối hàng cau, bờ tre khóm trúc bị chặt phá; bãi lúa biền dâu, ngôi nhà mái lá đơn sơ, bức tường đá ong rong rêu xám đục đã đổi dời.
Con đường đất thơm thơm mùi rơm rạ của làng quê ngày nào giờ được mở rộng và thảm bê tông thông thoáng phẳng phiu. Vui khi ngắm nhìn tấm áo mới quê nhà nhưng làm sao khỏi chùng lòng khi nhớ về chốn xưa êm đềm, tịnh vắng - nơi cất giấu bao kỷ niệm tươi xanh ngọt lành.
Mùa xuân về bất chợt hồn quê vừa len qua vườn hoa trái đâu đây và thoáng nồng đượm tình hoài hương mà từ lâu ngỡ như khuất lấp giữa dòng trôi ngày tháng.