Bắt đầu lại cuộc chiến…

XUÂN HIỀN - QUỐC TUẤN 09/05/2021 06:25

Kích hoạt lại hệ thống phòng chống dịch Covid-19 trên toàn tỉnh Quảng Nam. Cơ sở y tế, bệnh viện xốc lại các phương án khám sàng lọc, điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn phải vận hành để đảm bảo phát triển kinh tế. Trong khi đó, tại Hội An, một cuộc chiến chống dịch tái bùng phát đang thực sự bắt đầu...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng. Ảnh: H.T
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng. Ảnh: H.T
Phải nâng cấp độ phòng chống dịch theo từng ngày từng buổi, theo dõi tiến độ thường xuyên và dự lường tốc độ dịch bệnh theo kinh nghiệm của đợt dịch bệnh năm 2020” – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu.

AN TOÀN TỪ BỆNH VIỆN

Tất cả cơ sở y tế, bao gồm cả nơi được chỉ định điều trị Covid-19 lẫn những nơi thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, đều buộc phải an toàn. 

Chốt chặn khắp nơi

Một ngày tại Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Quảng Nam (tại thị xã Điện Bàn), một hàng dài người dân đeo khẩu trang đứng xếp hàng chờ thực hiện khai báo y tế. BV bố trí chốt chặn ngay tại cổng. Sau khi khai báo y tế, họ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và đóng dấu “đã khai báo y tế”. Những thủ tục này là điều cơ bản nhất để giữ an toàn cho mỗi người. 

 
 Các bệnh viện nâng việc kiểm soát người ra vào bệnh viện ở mức cao nhất, bằng nhiều biện pháp khác nhau.Ảnh: H.T

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết, khi bệnh nhân mắc bệnh nền nhiều thì nguy cơ nhiễm Covid-19 sẽ càng cao nếu BV không thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch tại cơ sở y tế.

“Có ba điều quan trọng nhất là phòng chống lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nuôi bệnh. BV tổ chức chốt chặn nghiêm ngặt tại các cổng và các khoa phòng. Người chăm bệnh được kiểm soát bằng vòng đeo tay, tất cả y bác sĩ và bệnh nhân tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang” - bác sĩ Nguyễn Hữu Trung nói. 

Tất cả BV đã thực hiện các chốt kiểm soát người ra vào ngay khi có yêu cầu từ Bộ Y tế hồi cuối năm 2020. Đến nay, nhân viên y tế lẫn người đến thăm khám, điều trị tại BV đều đã quen với những thủ tục này.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc các BV hình thành các rào chắn nhằm kiểm soát người ra vào viện là yêu cầu nhằm thực hiện các tiêu chí của BV an toàn. Bài học kinh nghiệm về việc lây nhiễm chéo xảy ra khi phát hiện ca bệnh Covid-19 trong BV tại TP. Đà Nẵng hồi năm 2020 buộc các cơ sở y tế phải đặt tiêu chí này lên hàng đầu.

“Hầu như các BV hiện nay đều hình thành 3 lớp chốt chặn, từ cổng, khu cấp cứu đến từng khoa phòng. Chưa kể, chúng tôi quy định các BV yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà thăm nuôi nếu là bệnh nặng” – ông Văn nói. 

Bảo hộ tuyệt đối 

Đối với các cơ sở được chỉ định điều trị Covid-19 của Quảng Nam, với kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2020, hiện nay đội ngũ này đã không còn lúng túng như thời gian đầu. Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc (thuộc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam) hiện điều trị 7 ca nhập cảnh dương tính với Covid-19 và 1 ca vừa xuất hiện trong cộng đồng từ TP.Hội An.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam cho hay, tính từ đầu mùa dịch đến nay, BV đã điều trị 50 ca dương tính thể nhẹ. “Năng lực điều trị của chúng tôi tối đa có thể lên đến 50 người. Tuy nhiên, nếu đáp ứng tối đa mọi điều kiện thì khoảng chừng 30 người trong cùng một thời điểm” - ông Tải nói. 

Từ nhân lực, kỹ thuật cho đến các điều kiện bảo hộ nhân viên y tế đều đảm bảo ở mức an toàn nhất. Theo ông Tải, quan trọng nhất khi thực hiện công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về bảo hộ.

“Tại Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc chúng tôi có 17 cán bộ y tế, bao gồm 2 bác sĩ điều trị chính và đội ngũ y tá, điều dưỡng... Họ đã có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân dương tính, may mắn là từ đợt 1 đến nay chúng tôi chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm. Cho nên quan trọng nhất vẫn là tuân thủ nguyên tắc bảo hộ” - ông Tải nói thêm. 

Ông Đinh Đạo - Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, hiện “vùng đỏ” của BV đang điều trị cho 3 ca dương tính nhập cảnh. Kinh nghiệm đợt 1 từ việc tiến hành thiết lập toàn bộ hệ thống, phân luồng, phân khu, hướng dẫn biển báo, lối đi, rào chắn cách ly, chủ động thực hiện nghiêm ngặt quy trình sàng lọc, phân luồng bệnh nhân được giữ vững đến hôm nay.

Ông Đạo cho biết, đội ngũ nhân viên của BV đã được đào tạo nhiều lần về các quy trình chống lây nhiễm chéo cũng như các kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho bản thân. Đây là kết quả của các lớp đào tạo do những chuyên gia của BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia làm việc lại BV và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV trực tiếp đào tạo và giám sát. 

May mắn đối với đội ngũ y tế của Quảng Nam khi liên tục có những chuyên gia đầu ngành đến tăng cường và hỗ trợ trong việc ứng phó và điều trị với bệnh nhân Covid-19. Đây chính là cơ hội để họ nắm bắt và làm dày dặn thêm kinh nghiệm nghề nghiệp.

NÂNG CAO NĂNG LỰC XÉT NGHIỆM

Nguồn dự trữ về sinh phẩm xét nghiệm của Quảng Nam đang cạn kiệt. Đây là vấn đề nan giải nếu phải triển khai xét nghiệm trên diện rộng.

Tách chiết mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tách chiết mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam) cho biết, hiện cả tỉnh có 4 cơ sở xét nghiệm với nguồn nhân lực đảm bảo xử lý các tình huống cấp bách, tuy nhiên lại gặp khó ở khâu vật tư y tế.

Tại cuộc làm việc cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành y tế phối hợp các ngành liên quan giải quyết rốt ráo vấn đề thiếu hụt sinh phẩm xét nghiệm bằng cách nhanh chóng chỉ định thầu ngay, không qua các thủ tục đấu thầu.

“Đội ngũ nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm đã có kinh nghiệm từ đợt dịch trước. Do đó, chỉ cần có lệnh là chúng tôi sẽ lập tức huy động người, đảm bảo yêu cầu xét nghiệm nhanh chóng” - ông Kiệm nói. 

Tính đến thời điểm này, Quảng Nam được Bộ Y tế cung cấp 10.000 liều vắc xin phòng chống Covid-19. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh và hầu hết địa phương đã triển khai tiêm chủng bước đầu, tính đến ngày 6.5, số vắc xin này đã tiêm được cho hơn 5.300 đối tượng. Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện sở có chủ trương cung cấp thêm 1.000 liều vắc xin cho TP.Hội An. Lô vắc xin được cung ứng lần này buộc phải kết thúc tiêm trước ngày 9.5.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, ngành y tế Đà Nẵng đã liên hệ với Viện Pasteur Nha Trang để giải trình tự gen xem nguồn gốc các ca nhiễm tại Đà Nẵng, Quảng Nam thuộc chủng nào.

“Chúng tôi cũng đang kết nối chặt chẽ với phía Đà Nẵng để nắm thông tin. Việc xác định nguồn lây nhiễm rõ ràng sẽ giúp cho địa phương dễ dàng hơn trong việc khoanh vùng, truy vết mầm bệnh” - ông Văn nói. 

Đối với tình hình của Hội An hiện tại, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết qua thỏa thuận giữa các đơn vị, hiện nay BV Thái Bình Dương Hội An đã dành một khu biệt lập để phối hợp với các khu cách ly tập trung có thu phí ứng phó sự cố phát sinh về dịch bệnh cũng như các vấn đề khác về y tế. Trong đó, tùy trường hợp sẽ tư vấn, trực tiếp cử bác sĩ đến khách sạn hỗ trợ hoặc chuyển bệnh nhân về khu biệt lập của BV.  

Quảng Nam có chủ trương sẽ trang bị cho 3 BV tuyến tỉnh, bao gồm BV Đa khoa tỉnh, BV Đa khoa khu vực Quảng Nam và BV Đa khoa miền núi phía Bắc 3 máy xét nghiệm Realtime PCR.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam nói: “Lâu nay dù cơ sở chúng tôi được chỉ định điều trị Covid-19 nhưng lại không có máy xét nghiệm, việc vận chuyển các mẫu test đến tận CDC Quảng Nam rất mất thời gian và lại không đảm bảo. Do đó, việc trang bị máy xét nghiệm là điều nên làm”.

BỊT LỖ HỎNG TỪ CÁC PHÒNG TUYẾN

Quy trình phòng chống dịch vẫn còn nhiều lỗ hổng buộc phải khắc phục nhanh chóng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay đã bắt quả tang 16 người trong 5 vụ nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam. Hiện các đồn biên phòng thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang vẫn duy trì 21 tổ chốt chặn ở các đường mòn, lối mở; tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động các trục đường biên giới; kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra/ vào khu vực biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xuất/nhập cảnh trái phép.

UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện biên giới kích hoạt lại các khu cách ly trên địa bàn, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và lực lượng biên phòng từ trung tâm huyện đến các xã biên giới.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các khu cách ly tập trung phải cải thiện các vấn đề về vệ sinh, nước thải, ban hành quy chế quản lý tại các khu cách ly có thu phí ở những cơ sở lưu trú. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý điều hành các khu cách ly tập trung, bao gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban điều hành các khách sạn được UBND tỉnh cho phép cách ly tập trung có thu phí, phải rà soát cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, đảm bảo việc giám sát chặt chẽ người được cách ly.

Các khu cách ly tập trung phải có đủ camera để giám sát người được cách ly thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định; các camera giám sát phải được hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định. Bên cạnh đó, chấn chỉnh việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định.

HỘI AN CHẬT VẬT VỚI "MỤC TIÊU KÉP"

Vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội là “mục tiêu kép” mà bất cứ địa phương nào cũng cố gắng hướng tới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Thế nhưng, với đô thị du lịch Hội An thì mục tiêu này rất khó để đạt được.

TP. Hội An khó đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ảnh: H.T
TP. Hội An khó đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ảnh: H.T

Loay hoay

Với đợt dịch lây lan trong cộng đồng những ngày qua, đây đã lần thứ 4 kể từ đầu năm 2020, Hội An phải đối diện với việc truy vết, “dập dịch” Covid-19. Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh cho hay, do có nhiều kinh nghiệm nên lần này lực lượng chức năng của Hội An đã thực hiện phòng chống dịch bài bản hơn rất nhiều, nhưng điều này cũng cho thấy thành phố buộc lòng phải “sống chung với dịch” cho đến khi việc tiêm vắc xin có thể đẩy lui bệnh dịch.

Không khó để nhận thấy, du lịch chính là ngành kinh tế chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. Và mỗi lần ngành du lịch Hội An chuyển động khởi sắc một chút là liền sau đó bị “đóng băng” khi dịch bệnh tái bùng phát. Đơn cử như dịp lễ 30.4 & 1.5 vừa rồi, tổng lượt khách mua vé tham quan các điểm đến ở Hội An đạt gần 12 nghìn lượt (gấp 6 lần cùng kỳ 2020), tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 14,5 nghìn lượt (gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2020). Một con số rất ấn tượng, nhưng mọi thứ nhanh chóng trở lại đìu hiu khi dịch ập đến.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An chia sẻ, rất khó để cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương hoạt động ổn định trong bối cảnh dịch bệnh rình rập.

“Có khi chúng tôi lên kế hoạch hàng tháng trời để rồi buộc lòng phải hủy, hoãn bất cứ lúc nào. Thậm chí, ngay cả việc định vị thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp cũng rất khó vì ngành du lịch phải ưu tiên dòng khách từ các quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch cũng như có thỏa thuận hợp tác về việc trao đổi khách” - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Qua 4 tháng đầu năm thành phố mới chỉ thu được 22% tổng dự toán ngân sách (1.095 tỷ đồng) của năm 2021. Tương ứng với tỷ lệ thu ngân sách thì năm nay Hội An chỉ được chi dự phòng 4 tỷ đồng. Con số này chẳng thấm vào đâu trong bối cảnh dịch bệnh tái phát buộc thành phố phải chi cho phòng chống dịch, vật tư trang thiết bị y tế, phun thuốc hóa chất… Từ đầu năm, Hội An không có nguồn chi cho nhiều nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng, toàn phải tạm ứng nhỏ giọt”. 

Xoay xở ra sao? 

Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản đồng ý cho phép Quảng Nam tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022. Đây là cơ hội để Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng kích cầu, phục hồi ngành du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần phải xây dựng lộ trình, kịch bản, quy mô sự kiện phù hợp với điều kiện đảm bảo an toàn.  

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính thông tin, năm 2020 Hội An hụt thu 383 tỷ đồng, năm 2021 cũng đang có mức thu thấp và khó lòng cải thiện từ đây đến cuối năm với tình hình dịch bệnh như thế này.

Trong khi đó, tính chung trên toàn tỉnh thì đến thời điểm này, Quảng Nam đã đạt 54% dự toán ngân sách Trung ương giao và 50% dự toán HĐND tỉnh giao. “Chúng tôi không ngạc nhiên về vấn đề này nên sở cũng đã có tính toán. Địa phương nào cũng muốn thực hiện mục tiêu kép nhưng riêng Hội An với đặc thù thu ngân sách dựa vào du lịch thì rất khó làm được” - ông Đặng Phong nói. 

Ông Nguyễn Văn Sơn nhìn nhận, thu ngân sách năm 2020 của một số huyện, thị lân cận Hội An chỉ giảm nhẹ do có hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp bù đắp. Điều này cho thấy nhiều năm qua Hội An đã “bỏ trứng vào một giỏ” và thời gian tới thành phố phải nghiên cứu, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản xuất các ngành nghề để cải thiện tình trạng này.

Vừa rồi, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về “gói” hỗ trợ phục hồi du lịch, trong đó địa phương hưởng lợi nhiều nhất là Hội An. Điều này cho thấy, tỉnh cũng rất tạo điều kiện để vực dậy kinh tế của đô thị di sản nhưng với diễn biến dịch bệnh khó lường thì việc triển khai khó đạt kết quả như mong đợi.

Ông Đặng Phong thông tin, sở đã trình UBND tỉnh về việc hỗ trợ một số địa phương hụt thu ngân sách, trong đó Hội An là địa phương có mức hỗ trợ cao nhất, với mức dự kiến là 60 tỷ đồng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để giúp Hội An vượt qua phần nào khó khăn thì Sở Tài chính cần tham mưu UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ. Trước mắt là nguồn tiền sử dụng đất gắn với mục tiêu sử dụng. Và Hội An cần chủ động đề xuất việc này, để giảm bớt một phần kinh phí chi đầu tư của thành phố. Về lâu dài, tập thể lãnh đạo Hội An cần đăng ký làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tháo gỡ các vướng mắc trọng tâm về công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, cơ chế cho đô thị di sản… để khắc phục căn cơ vấn đề này.

“Do có khả năng Quảng Nam sẽ vượt thu ngân sách trong năm nay nên trong kỳ họp HĐND đầu tiên của nhiệm kỳ mới tới đây, UBND tỉnh sẽ trình HĐND điều chỉnh dự toán thu từ đó chủ động cân đối, bố trí các công trình. Lúc đó tỉnh sẽ xét cơ chế hỗ trợ cho Hội An cũng như một số địa phương khó khăn khác” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắt đầu lại cuộc chiến…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO