Chuyện đầu tuần

Bất lực với đất bỏ hoang

Hà Quang 17/06/2024 07:48

Vào mùa nắng nóng, nhiều cánh đồng vốn đã im lìm tiếng cày cuốc từ lâu dường như mới có dịp trơ bày sự hoang hóa khốc liệt. Nhiều cánh đồng lúa nước; những ruộng sắn khoai và cả các vựa đất hoa màu đang ở trong “hiện trạng” bất lực của nông dân.

Một nông dân ở vùng ven biển Núi Thành khi được hỏi về sinh kế từ nghề trồng lúa, đã lấy làm ngạc nhiên và cho rằng lâu nay ông chẳng còn mơ màng về cánh đồng của mình. Tâm lý có phần bất lực của ông hình thành sau mọi nỗ lực cứu vãn cánh đồng lúa bất thành.

Ông kể, trước hết là nguồn nước. Tại địa bàn chưa có hệ thống thủy lợi, trước đây có nhiều ao nước nhĩ, có thể cung cấp nước tưới cho vụ hè thu, thì nay đã bị san lấp. Muốn có nước tưới thì phải đóng giếng, nhưng chí phí đầu tư và tiền điện quá cao.

Thứ nữa là xung quanh ruộng lúa của ông có nhiều ao tôm, nước mặn xâm nhập nên cây lúa còi cọc. Rồi chi phí sản xuất lúa bây giờ quá cao, trong khi việc trồng lúa chủ yếu lấy công làm lời...

Nhiều ao tôm quanh ruộng lúa của ông đã được chuyển đổi cũng do hiệu quả kinh tế từ cây lúa quá thấp. Nhưng ao tôm từ ruộng lúa cũng chỉ cầm cự được vài năm đầu. Bấp bênh, đánh bạc với trời, không có đường lui... là những trạng thái mà người nuôi tôm vùng triều quan niệm về sinh kế của mình.

Bây giờ đi dọc qua vùng triều ven sông Trường Giang, sẽ thấy nhiều ao tôm bị bỏ hoang; bên trong cánh đồng tôm là mênh mông ruộng lúa, vồng sắn khoai cũng đang trơ trọi hoặc sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ.

Nông dân “không có đường lùi” thật sự trên thửa đất của mình, bởi họ khó tự xoay xở; trong khi việc chuyển đổi cây trồng hay tập trung ruộng đất rất “kén chọn” với nhiều khu vực.

Hiện tượng “sa mạc hóa” đất sản xuất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh mẽ nhưng nông dân đôi khi phải lâm vào tình thế bất lực. Đây thật sự là vấn đề đáng được quan tâm, bởi vai trò của nền nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế và cả an sinh xã hội vẫn rất quan trọng. Đó không chỉ là vấn đề của một địa phương mà còn ở quy mô toàn cầu.

“Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” là chủ đề của Tháng hành động vì môi trường năm 2024, được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD).

Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Những con số mang “tầm thế giới” như vậy là một cách đánh động và nhận diện về mối lo chung, cần được bắt đầu giải quyết ở từng khu vực.

Như ở huyện Núi Thành, qua rà soát đến cuối năm 2023, có 373ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang; trong đó có 13ha đất thủy sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang được địa phương đưa ra là một số vùng có điều kiện sản xuất khó khăn, mùa mưa ngập úng, mùa nắng thì bị nhiễm mặn, phèn, thiếu nước.

Một số địa phương thiếu lao động, sản xuất không hiệu quả. Các địa phương chưa có giải pháp cải tạo đất đồng bộ, chưa xác định được đối tượng cây trồng, con vật nuôi phù hợp để chuyển đổi hiệu quả. Mặt khác, việc cải tạo, chỉnh trang đất nông nghiệp đòi hỏi kinh phí lớn nhưng chưa có nguồn thực hiện...

Những nguyên nhân được nêu ra như trên cho thấy dù đã rất nỗ lực, nhưng việc “phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” vẫn là bài toán khó ở nhiều khu vực. Và nhiều nông dân, phải bất đắc dĩ mới ly nông.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất lực với đất bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO