Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thứ Bảy, 14/12/2024
Đọc bản tin một học sinh lớp 8 bị đánh hội đồng vừa đăng trên báo Giáo dục Việt Nam, tôi cảm thấy nhói lòng và nghĩ nhiều phụ huynh khác cũng có cảm xúc như vậy. Điều đáng nói, gia đình học sinh này không hề hay biết sự việc cho đến khi có người quay clip và tung lên mạng xã hội.
Bạo lực học đường là vấn đề được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, khi có vụ việc nghiêm trọng, nhà trường và cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn ở mức độ nhẹ hơn, như học sinh bị bạn bè cùng lớp, cùng trường đánh hoặc dọa đánh, giật đồ chơi, giấu sách vở, bị sỉ nhục, bị tẩy chay, không cho chơi chung... thì hầu như xảy ra mỗi ngày. Những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt đó lại không nhỏ chút nào, vì học sinh bị bắt nạt thường có tâm lý chán học, thiếu tự tin, thậm chí có em tự vẫn đã xảy ra. Có thể nói, bắt nạt học đường luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh yếm thế.
Mỗi sáng đưa con đến trường, tôi thường nghe học trò méc với giáo viên là bạn này chọc con, bạn kia đánh con, bạn khác dọa không chơi với con... Bữa nào đón cậu con trai ở cổng trường mà thấy con không vui như thường lệ, thì y như rằng hôm đó có chuyện không hay xảy ra với con. Nhẹ thì bị bạn vẩy mực vào áo, lấy đồ dùng học tập; nặng hơn thì bị bầm, trầy xước chân tay. Đó là nhờ tôi có thời gian quan sát, trò chuyện, tâm sự với con để con mạnh dạn chia sẻ. Còn với những phụ huynh không có thời gian chăm sóc, hỏi han con cái, khó biết hết những chuyện thường ngày xảy ra với con cái mình.
Theo khảo sát của U-Report Việt Nam (tổ chức giúp thanh thiếu niên bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội), trong số 743 ý kiến được khảo sát về tình trạng bắt nạt tại trường học trong năm nay, có 55% cho biết mình từng bị bắt nạt; trong đó, bị bạo lực tinh thần chiếm nhiều nhất (40%), tiếp đến là phân biệt đối xử (31%), xâm phạm thân thể (23%) và 6% là các loại bạo hành khác. Chúng ta đã nói nhiều đến trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; đã tìm cách ứng xử khéo léo với trẻ bị bắt nạt và trẻ bắt nạt, để hạn chế hoặc chấm dứt tình trạng bắt nạt học đường, song hiệu quả hình như vẫn chưa được như ý. Khi con bị bắt nạt, có phụ huynh chuyển trường cho con; có phụ huynh bảo con đừng báo với thầy, cô giáo vì “chờ được vạ má đã sưng”... Trong khi đó, ứng xử phù hợp nhất - theo lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, là phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, trò chuyện, tâm sự với con nhiều hơn; giáo viên ứng xử mềm dẻo, nhân văn, tôn trọng và công bằng trong đối xử với mọi học sinh; học sinh can đảm lên tiếng khi bị bắt nạt…
Bao giờ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, hay thực hiện “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” diễn ra đúng như câu khẩu hiệu treo trước các trường, thì khi ấy, phụ huynh và học sinh mới cảm thấy an tâm.
C.B.L