Lúc ao nuôi tôm dọc sông Bà Bầu được tháo nước để dọn dẹp chuẩn bị vụ nuôi mới là thời điểm người dân xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) đi bắt nghêu. Ao nuôi tôm có lớp bùn cát thích hợp cho nghêu sinh sản tự nhiên.
Người bắt nghêu mang theo dụng cụ gồm thau, thùng, rổ nhựa, túi lưới để đựng. Dưới đáy ao có nhiều vỏ nghêu, sò chết sắc nhọn nên nhiều người tay mang tất len, chân đi ủng.
Bà Nguyễn Thị Ba (70 tuổi) cho biết, năm nay nghêu trong ao nước lợ nhiều so với các năm. Công việc bắt nghêu khá dễ dàng, chỉ cần lấy tay cào bới lớp bùn cát sâu từ 3 - 5cm, đụng nghêu thì đưa lên mặt nước, rửa, bỏ vào giỏ.
“Bắt nghêu là công việc phụ, mỗi khi chủ hồ tháo nước mới rủ nhau đi bắt. Mỗi ngày nước xuống cạn, bắt trong 8 giờ mỗi người được hơn 50kg. Những con nhỏ được thả lại, chỉ bắt loại lớn, đường kính từ 3cm. Nghề này phải khom lưng trong thời gian dài nên mỏi lưng, đau cổ” - bà Ba nói.
Cũng tham gia bắt nghêu, ông Huỳnh Mỹ Vũ (44 tuổi) nói: “Công việc bắt nghêu tuy không mất quá nhiều sức, nhưng do ngâm mình lâu dưới nước, hầu hết tay chân của những người mò nghêu đều nhăn nheo, chuyển màu bạc trắng”. Với giá một ký từ 5.000 - 8.000 nghìn đồng, bình quân một ngày một người thu nhập hơn 200.000 đồng.
Nghêu sống trong bùn cát sau khi bắt về ngâm vào nước ít nhất 4 tiếng để nhả chất bẩn. Nghêu được chế biến bằng nhiều cách như hấp sả; luộc lấy nước và ruột nấu canh, nấu cháo...