Bất ngờ từ cuộc trưng cầu ý dân

NAM VIỆT 04/10/2016 10:22

Sau sự việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU vào tháng 6.2016 vừa qua, mới đây cuộc trưng cầu ý dân tại Colombia về thỏa thuận hòa bình cũng khuấy động dư luận.

Tháng 6.2016, người dân nước Anh tham gia cuộc bỏ phiếu về việc quyết định tương lai của đất nước, rằng nên tách khỏi hay tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU). Trái với dự đoán của nhiều người, đại đa số người dân Anh bất ngờ chọn rời khỏi EU. Ngay sau đó, Thủ tướng Anh David Cameron quyết định từ chức khi ý nguyện của ông về Anh - EU không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Các cuộc tranh luận về những điều được - mất của nước Anh khi “chia tay” EU liên tục diễn ra. Song, quyết định của người Anh được dự báo ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và đời sống không chỉ của người Anh, trong khối EU mà còn trên toàn thế giới.

“Người dân đã lên tiếng, chúng tôi phải thực hiện điều đó”, là lời phát biểu của tân Thủ tướng Anh Theresa May. Tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ vào ngày 2.10 vừa qua, bà Theresa May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán chính thức rời EU vào tháng 3.2017. Điều đó đồng nghĩa với việc Anh sẽ chính thức rời EU trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra. Tuyên bố của bà Theresa May được xem là lịch trình rời EU khá rõ ràng mà Chính phủ Anh lần đầu tiên đưa ra kể từ ngày người dân Anh quyết định lựa chọn.

Những người ủng hộ hòa bình Colombia bật khóc sau kết quả trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình. Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ hòa bình Colombia bật khóc sau kết quả trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình. Ảnh: Reuters

Đến ngày 3.10, kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Colombia lại gây sốc cho chính phủ của quốc gia ở Tây bán cầu này và những người ủng hộ hòa bình Colombia. Các cử tri tham gia bỏ phiếu chọn giữa hai câu trả lời đồng ý hay không đồng ý với thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa được ký kết giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hôm 26.9 vừa qua. Có 50,24% người trong số 13 triệu cử tri Colombia đi bỏ phiếu từ chối thỏa thuận hòa bình lịch sử nêu trên, vốn được hy vọng sẽ chấm dứt một cuộc nội chiến kéo dài nhất với hơn nửa thế kỷ trong lịch sử Mỹ La-tinh, 260.000 người thiệt mạng, 45.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa chạy trốn xung đột đẫm máu. Trước khi bỏ phiếu, Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos chắc chắn về kết quả thuận lợi cho Chính phủ, đem lại hòa bình dài lâu và vực dậy nền kinh tế Colombia.

Thế nhưng, thỏa thuận hòa bình dày 297 trang là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc ở Colombia. Trên đường phố ở Cartagena, Jorge Rodriguez Sosa - một người dân cho biết: “Colombia cần một cơ hội hòa bình để đất nước có thể phát triển”. Ngược lại, bà Maritza Paraga nói, hiện có rất nhiều người dân thất nghiệp, nhưng sẽ phải nhường quyền lợi như công việc cho những người theo FARC. Mặc dù FARC cam kết bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cuộc xung đột, những người phản đối thỏa thuận giận dữ vì quân nổi dậy đang ở trong tù sẽ được tha bổng. Trong khi đó, họ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa và không gì bù đắp được trước hàng trăm nghìn cái chết của người dân vô tội. Cũng theo thỏa thuận, FARC sẽ trở thành một đảng phái chính trị hợp pháp và được tham gia một số ghế trong quốc hội, điều mà những người phản đối thỏa thuận cho là không thể chấp nhận được.

Phát biểu ngay sau kết quả trưng cầu, Tổng thống Santos nói ông chấp nhận kết quả nhưng sẽ tiếp tục hành động để đạt được hòa bình. Về phía lãnh đạo FARC, ông Timochenko cho biết tiếp tục giữ cam kết đảm bảo kết thúc cuộc chiến. Hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Colombia và FARC vẫn còn hiệu lực.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất ngờ từ cuộc trưng cầu ý dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO