|
(QNO) - Đua nhau mở nhạc âm lượng lớn suốt nhiều giờ đồng hồ, chiều khách bằng nhiều cách để được bo, tip..., là cái được cho những người làm dịch vụ du lịch sông nước ở Cẩm Thanh (Hội An). Nhưng cách phát triển "nóng", bất chấp mọi hệ lụy không vì một môi trường du lịch sinh thái lành mạnh, lâu dài lại là điều ít được nghĩ tới. Chính quyền địa phương cũng đã thừa nhận những tồn tại này ở Cẩm Thanh nhưng chưa có giải pháp chấn chỉnh.
Du khách tham quan rừng dừa Cẩm Thanh không được trang bị áo phao. Ảnh: PV |
Sau nhiều ngày ghi nhận hiện trường bát nháo tại khu du lịch rừng dừa Cẩm Thanh, chúng tôi đã có buổi trao đổi với UBND xã Cẩm Thanh về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thừa nhận có tình trạng mở nhạc lớn gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực rừng dừa và khu dân cư gần đó. Mặc dù đã có Tổ trật tự du lịch trên sông thường xuyên túc trực, mỗi ca có 3 người (2 người trên thuyền lớn, 1 người trên thuyền nhỏ) để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn nhưng không thể xử lý việc người chèo thúng mở nhạc lớn tiếng suốt ngày.
Tình trạng bát nháo tại rừng dừa Cẩm Thanh bùng phát từ năm 2017, nhiều dư luận bức xúc.
Theo thống kê của UBND xã Cẩm Thanh, hoạt động ở rừng dừa Cẩm Thanh hiện có 918 chiếc thúng chai và hơn 200 chiếc loa di động. Trung bình 1 đoàn khách gồm 5 thúng và có 1 loa di động. Thời gian hoạt động từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ mỗi ngày. Những ngày cuối tuần lượng khách du lịch về Cẩm Thanh tăng cao hơn thì thời gian hoạt động sẽ kéo dài hơn, vượt quá tầm kiểm soát của địa phương.
Mời bạn đọc xem clip:
“Từ khi tổ chức bán vé tại rừng dừa Cẩm Thanh (ngày 1.1.2018), cùng với hoạt động của Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh thì tiếng ồn cơ bản giảm hơn so với trước. Tiếng ồn trong rừng dừa hiện nay chưa được dẹp hoàn toàn. Nguyên nhân do nhu cầu của khách muốn sôi động, cũng như thích vui chơi giải trí đối với các hoạt động biểu diễn thúng chai và biểu diễn các loại nhạc. Thứ hai, lợi ích của người dân, thu nhập từ khách khi mở nhạc để cổ động việc vui chơi trên sông rất lớn. Khu vực rừng dừa Cẩm Thanh nằm tại hai thôn Thanh Tam Đông và Vạn Lăng. Hai thôn này có hơn 400 hộ dân và gần 2.000 nhân khẩu, mỗi người dân làm nghề chèo thuyền thúng có thu nhập hơn 300 nghìn đồng/ngày. Địa phương cũng gặp khó vì lực lượng công an hỗ trợ giải quyết liên quan đến vấn đề trật tự trong khu vực trên sông vẫn còn mỏng” - ông Linh nói.
Ông Linh cho biết thêm, hiện UBND xã Cẩm Thanh đang tiếp nhận những luồng thông tin của người dân, giải pháp kiến nghị, cách làm hay của các chuyên gia, từ đó, địa phương sẽ nghiên cứu áp dụng cho phù hợp để điều chỉnh hài hòa hoạt động du lịch mà cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực rừng dừa.
Cần trả lại sự yên tĩnh cho rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: PV |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, phía thành phố đã nắm bắt được thông tin về tình trạng bát nháo và ô nhiễm tiếng ồn ở rừng dừa Cẩm Thanh. Hiện nay, việc khai thác du lịch ở Cẩm Thanh có rất nhiều nhóm, đơn vị. Có những nhóm phục vụ du khách châu Á, có nhóm phục vụ du khách châu Âu, và thường thì mỗi dòng khác có thi hiếu khác nhau. Khi xây dựng sản phẩm cho dòng khách này thì mâu thuẫn với những dòng khách khác. Ví dụ, du khách châu Âu không hề thích náo nhiệt, sôi nổi nhưng du khách Hàn Quốc lại thích điều đó.
Trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, theo ông Sơn, TP.Hội An đã chỉ đạo Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh sớm chấn chỉnh. TP.Hội An cũng đã dự lường tình huống nếu Cẩm Thanh xử lý không tốt thì UBND thành phố sẽ trực tiếp tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý, lập lại trật tự tại rừng dừa Cẩm Thanh.
Chính quyền địa phương dù đã cử lực lượng túc trực để quản lý khu du lịch nhưng vẫn bất lực. Ảnh: PV |
Cũng theo ông Sơn, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là do lượng khách tăng đột biến, năm 2017 khách đến Hội An tăng 70%, 6 tháng đầu năm 2018 tăng hơn 80%. Với lượng du khách đổ đến một địa điểm trong một thời gian như vậy thì rất khó có thể chuẩn bị kịp về cơ sở hạ tầng… Chưa thể tổ chức các hình thức du lịch một cách bài bản theo yêu cầu. Bên cạnh đó, những trường hợp làm du lịch tự phát tăng cao để đáp ứng nhu cầu trước mắt, họ chưa được tập huấn kịp thời cho nên dẫn đến lệch lạc trong cách làm. Người dân làm du lịch cộng đồng rất tốt, nhưng đối với Cẩm Thanh có một số trường hợp chưa hiểu biết nhiều về làm du lịch, có một số trường hợp chạy theo thị hiếu của du khách làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch và sinh hoạt của bộ phận dân cư khác.
“Chính quyền xã Cẩm Thanh không bao giờ tiếp tay đối với những người làm thuyền thúng, các doanh nghiệp tổ chức tiếng ồn trong khu rừng dừa. Chúng tôi kiên quyết xử lý, giải thích, tuyên truyền người dân từ tự phát sang tự giác. Để người dân chuyển từ tự phát sang tự giác thì phải lâu dài, không dùng các biện pháp mạnh gây ức chế ảnh hưởng đến lợi ích của người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Nguyễn Hùng Linh nói. |
Nguyên nhân thứ 2 là do sự quản lý lỏng lẻo, chưa siết chặt kỷ cương của chính quyền địa phương. Đặc biệt, còn xem nhẹ việc xử lý những đơn vị lữ hành, đơn vị có sử dụng thuyền thúng vi phạm. Việc kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng chưa kịp thời; sự cạnh tranh của các đơn vị làm du lịch chưa lành mạnh…
“Chúng tôi xác định rừng dừa Cẩm Thanh là khu du lịch sinh thái đảm bảo tính yên bình, cảnh quan và đặc biệt giữ được tính đa dạng sinh học vì đây là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Thời gian đến TP.Hội An sẽ quyết liệt hơn với khu vực này để trả lại giá trị sinh thái cho khu du lịch Cẩm Thanh, đảm bảo hoạt động du lịch tại Cẩm Thanh và giải quyết lao động cho người dân” - ông Sơn nói.
________________
Bài tiếp: Cần thay đổi phương thức làm du lịch
NHÓM PV ONLINE