Bát nước chè xanh

ĐÌNH QUÂN 03/02/2019 09:45

Thưởng thức bát nước chè xanh là cốt cách đạm nhiên thuần hậu của cư dân làng Việt xưa nay.

Vườn chè Trường Xuân. Ảnh: Đình Quân
Vườn chè Trường Xuân. Ảnh: Đình Quân

1. Từ lâu rồi tôi thuộc lòng câu ca dao: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương…”. Câu ca nhấn nhá hai chỗ: nửa trái sim và lưng bát nước; có nghĩa người thưởng thức những thức ấy còn lưu giữ một nửa, không sử dụng hết. Vậy xét trong tính chất của trái sim và trong bát nước thì chứa đựng những gì? Ắt hẳn tính nguyên ủy phải một ngọt, một chát. Trái sim thì đã ngọt, nhưng bát nước đây là bát nước chè xanh lại mang đậm vị chát. Ngọt và chát là vị khổ đau/sung sướng của kiếp người? Đi tìm người thương phải chăng chính là đi tìm lòng thương, tình yêu, lẽ sống, đạo lý, đạo đời…; cũng hàm nghĩa đi tìm niềm phúc lạc trong cuộc đời?

Nói về bát nước chè xanh, nhớ một lần cùng anh Lê Nguyên Đại về làng Phú Lâm, xã Tiên Sơn để dự ngày giỗ chí sĩ Lê Cơ (ông nội anh Đại), tôi được cô Lanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Cơ, mời bát nước chè xanh. Màu nước vàng sánh như mật lại có hương vị rất đặc trưng. Một người ngồi cạnh bên nói: anh có nghe câu Mắm Cửa Khe, chè Phú Lâm chưa? Chè xanh Phú Lâm chính là nơi này đấy. Anh còn diễn giải: hái lá chè vào buổi sáng sớm, tầm khoảng 7 – 9 giờ là tuyệt nhất, lúc này lá chè hấp thu đầy đủ dưỡng chất và dương khí dồi dào nhất. Trở lại câu ca dao trên tôi nghĩ: trái sim, chè xanh thường hợp với thổ nhưỡng ở các vùng đồi núi trung du…

Lại có bữa ngồi uống trà với anh bạn gốc làng Hương Trà, anh gợi nhắc: Đình Hương Trà còn lưu câu đối: Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ/ Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên… Theo lời cụ Trần Văn Tuyền – hậu duệ cụ Trần Văn Túc (người được vua Lê Hiển Tông sắc ban ngày 21.2.1767 trong việc đốc thuế ở tuần đò Tam Kỳ): Hương là cây sưa (còn gọi là hương vườn) và Trà là cây chè phe. Hương sưa làng Hương Trà đã có tên, nhưng trà (chè phe) thì bây giờ ở đâu? Cũng theo lời của cụ Tuyền, không rõ cây có từ khi nào nhưng dân làng Hương Trà thường gọi là cây chè phe. Anh còn kể, hồi nhỏ mình đã nhìn thấy cây chè có thân mộc, cao tầm đầu người, lá không khía, to hơn lá cà phê một chút. Nước chè có vị ngọt và mát. Người dân xem như một thức uống hảo hạng. Hồi ấy cây chè phe trồng nhiều trong vườn nhà ông Quyện, ông Lệ, ông Tẩu... Nay cây đã thất truyền. Câu chuyện làm chúng tôi tường minh hơn về từ nguyên: Hương ba/ Trà cẩm và Hương Trà đã định danh vùng đất cư dân có mặt đầu tiên thuộc phủ Hà Đông xưa (nay là TP.Tam Kỳ).

2. Nhớ năm 2015 đoàn Báo Quảng Nam lên tham quan cao nguyên đá Đồng Văn và được Báo Hà Giang đón tiếp rất nhiệt tình. Suốt hành trình qua 4 huyện tôi đều ngồi xe do Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang Sùng Mí Chứ cầm lái. Tôi nghe anh Chứ kể nhiều chuyện rất thú vị. Đặc biệt trên đường về tới một ngã ba thuộc huyện Mèo Vạc bỗng xe dừng lại. Tức thì tôi thấy một người Mông chờ sẵn bên kia vệ đường bước tới và trao cho anh Chứ một gói nhỏ. Xe chạy một đoạn mới nghe anh Chứ giới thiệu: Đây là chè Shan tuyết Lũng Phìn, còn mệnh danh “đệ nhất trà” bởi hương vị của nó rất độc đáo. Nhờ tôi là người Mông bản địa nên được họ tin tưởng và giữ phần… Chè Lũng Phìn là loại quý hiếm. Nghe đâu lượng thu hoạch hàng năm rất ít. Cây chè này bám rễ trên cao nguyên đá ở độ cao khoảng hơn 1.700m, mây mù bao phủ quanh năm; nếu tính tuổi cây có thể hơn vài trăm năm. Chè thu hoạch được hai mùa. Trà có vị ngọt và thơm, quyện và sánh. Hương của trà khách có thể cảm nhận ngay từ ngoài ngõ!

Lần tưởng những chuyện xưa cũ khi ai đó có dịp ngang qua vùng đất Tam Kỳ cũng thường mua vài ba gói trà Mai Hạc về làm quà, nhưng rồi thương hiệu trên cũng rơi dần vào quên lãng. Cái câu một thuở ông chủ danh trà Nguyễn Hải tâm đắc cho in trên bao bì, như dòng quảng bá “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, Hạc là người quen” nay chỉ còn là hoài niệm. Thương hiệu trà ở Tam Kỳ hồi ấy thường “ăn đứt” những nơi khác nhờ ướp hương búp lài. Nhưng bây giờ không còn mấy ai là trồng lài cả.

Ngày trước mẹ tôi thường nấu lá chè xanh bằng ấm đất hay om đất. Lá chè được lặt kỹ, loại bỏ những phần quá già hay quá non, xong đem rửa sạch, vò bóp nhẹ trước khi cho vào ấm (siêu). Để có một ấm chè ngon đầu tiên cần tráng qua lớp nước sôi rồi gạn đổ, cốt giảm độ nồng hăng và đắng chát, rồi mới cho nước sôi vào. Nấu chè xanh chụm củi gỗ tốt hơn là cành lá khô hái lượm trong vườn. Chè xanh dẫu không đạt đến tầm trà đạo nhưng tự lâu rồi người Việt cũng có cách uống nước chè xanh dân dã và không kém phần tinh tế. Thưởng thức bát nước chè xanh là cách di dưỡng tâm hồn, giũ bỏ bao nhọc nhằn trong đời sống thường ngày.

Ở nước ta, thịnh nhất vào thời Lê trung hưng có Chè chuyên đạt gần như “trà đạo Việt”: “Chè chuyên nước nhất hương dồn khói đôi” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều). Chè chuyên là nghệ thuật của những thứ nhỏ nhắn, chén hạt mít, ấm quả quýt… Và đi đôi là những dụng cụ sắm sanh cũng không kém phần cầu kỳ như: “vòi ấm thẳng thì nước không đọng, đĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dày mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi” (Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ). Nhưng ngày nay chè xanh (nước rót trong bát sành lớn) vẫn giữ nguyên giá trị lâu bền, bởi ngoài yếu tố đem lại lợi ích cho sức khỏe còn là sự đạm bạc chi giao tình nghĩa xóm giềng: “…Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau” (Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông).

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bát nước chè xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO