|
(QNO) - Xa xưa, thuộc hệ bàu nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, chạy dài ven biển cùng với Bàu Trung Phường ở phía bắc, Bàu Bính ở phía nam, Bàu Ấu là dấu vết của một “dòng sông chết” - dòng chảy cổ Khe Thủy, có thể là nơi tàu thuyền đình bạc, thông thương trên cung đường giao thông quan trọng nối từ cửa sông Thu Bồn - Cửa Đại đến Trường Giang. Từ ý nghĩa “bàu nước nhỏ”, Bàu Ấu cũng được đặt tên cho ngôi làng nhỏ bé, ra đời muộn nhất vào đầu thế kỉ XVIII. Đó là tên Nôm cổ xưa nhất của thôn Thuận Trì (xã Duy Hải, Duy Xuyên) được biết đến nay.
Theo nhận định của các học giả như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Bội Liên, Quang Văn Cậy… chúng ta được biết, Khe Thủy ở bờ nam sông Thu Bồn là tên một “dòng sông đã chết” - dòng chảy cổ nối liền miền cửa sông Thu Bồn - Cửa Đại với sông Trường Giang thời xa xưa. Thời điểm Khe Thủy bị khô cạn có thể cùng thời điểm cửa khe bị bồi lấp, vào khoảng thế kỉ XV - XVI. Khi dòng chảy Khe Thủy bị khô cạn, để lại những bàu nước trên đường chảy qua thì tên gọi Khe Thủy cũng đã hóa thân thành tên xứ đất được cư dân quanh vùng lưu truyền trong các dịp cúng tế - Khe Thủy xứ.
Hiện nay, các bàu nước lớn nhỏ phân bố dọc vùng này là dấu vết còn lại trên đường chảy xưa kia của Khe Thủy. Theo đó, nằm ở bờ nam sông Thu Bồn - Cửa Đại nay, trên dòng chảy cổ Khe Thủy, cách Bàu Trung Phường về phía nam chừng 2km, Bàu Ấu là tên một bàu nước nhỏ nằm giữa cánh đồng của thôn Thuận Trì nay. Về nguồn gốc tên gọi, Bàu Ấu được giải thích là bàu nước nhỏ, ý so sánh với Bàu Trung Phường lớn hơn ở phía bắc là ý kiến của kỳ lão quá cố Ngô Hướng. Hiện nay, các bậc lão niên trong vùng còn có ý kiến cho rằng đó là âm đọc lệch đi của Bàu Sấu vì bên bàu xưa kia có cây sấu hoặc dưới bàu có nhiều cá sấu (?). Từ góc độ tiếp cận sử liệu bao gồm văn bia, các sử tịch như Phủ biên tạp lục, Địa bạ lập thời Gia Long, nhất là tập tấu nghị về việc đổi tên làng thời vua Minh Mạng đều dùng các chữ Nôm là “泡泑” hoặc “泡幼”thiển nghĩ, nguồn gốc tên gọi Bàu Ấu với nghĩa “bàu nước nhỏ” là xác hợp.
Trên thực tế, Bàu Ấu không chỉ có mối liên hệ với Bàu Trung Phường qua câu chuyện về dòng chảy cổ Khe Thủy mà có thể nó còn liên quan mật thiết với các địa điểm khảo cổ học Trung Phường. Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, theo kết quả khảo cứu bước đầu của các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu, Trung Phường còn lưu lại nhiều vết tích của những thời kì lịch sử khác nhau. Gần đây, kết quả khảo sát địa điểm này cũng không có thêm nhiều phát hiện mới hơn. Mặc dầu vậy, những thành tựu bước đầu này cũng đã cho phép chúng ta nhận thức về vùng đất ở bờ nam sông Thu Bồn, sát ngay Cửa Đại một cách tương đối rõ nét. Đó là nơi có thương cảng quan trọng của miền Trung thế kỉ XV - XVII hoặc xa xưa hơn là Hải Phố - tiền thân của cảng thị Hội An, là hải khẩu quan trọng để giao thương với bên ngoài của người Chàm - Đại Chiêm hải khẩu xưa kia… Điều đáng bàn là, do từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu, học giả xưa nay, Trung Phường luôn được nhìn ngược dòng Thu Bồn về phía tây, thường được đặt trong mối quan hệ với Hội An (cùng các địa danh khác như Trà Nhiêu, Hồng Triều…) nên ít ai để ý đến sự tồn tại của dòng chảy cổ Khe Thủy và vị trí, vai trò của nó đối với vùng đất, cư dân bờ nam sông Thu Bồn kéo dài về phía sông Trường Giang. Theo đó, Bàu Ấu cũng không được giới nghiên cứu biết đến. Rất có thể, trước khi dòng chảy Khe Thủy bị khô cạn, cùng với Bàu Trung Phường, Bàu Ấu là nơi tàu thuyền tránh gió bão, hoặc quan trọng hơn là nơi tàu thuyền đình bạc, qua lại thông thương trên cung đường nước đi tắt hết sức quan trọng nối đến sông Trường Giang hoặc thông với các cửa biển khác dọc bờ biển ở phía nam của cư dân trong vùng trong thời kỳ xa xưa.
Theo kết quả tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, Bàu Ấu không chỉ là danh xưng chỉ “bàu nước nhỏ” trong vùng này có liên quan đến Khe Thủy, Bàu Trung Phường... mà còn là địa danh làng xã Nôm cổ xưa nhất của thôn Thuận Trì, xã Duy Hải nay. Chúng tôi dựa vào các sử liệu, căn cứ niên đại sớm muộn như: Văn bia chùa Thanh Long Bảo Khánh có niên đại Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721) có khắc: Phước điền tín cúng Phạm Từ Tín tự Tịnh Hạnh Phật điền lục mẫu tam sào hữu dư tịnh thổ đẳng hạng tọa lạc Bào Ấu phường Khê Thủy xứ; Phủ biên tạp lục (1776) có chép địa danh Bàu Ao thuộc Phụ thuộc Tân Dân, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam (1814) có chép địa danh Bàu Ao tứ chánh ấp thuộc tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương được gọi khác hoặc ghi khác với tên Phương Trì (có thể hiện trên bản đồ ở vị trí tiếp giáp làng An Lương, Trung Phường ở phía bắc và làng Đông Sơn ở phía nam); Bản tấu trong Minh Mệnh tấu nghị (1824) chép Ấp Tứ chiếng Bàu Ấu vâng đổi thành ấp Phương Trì; Đồng Khánh địa dư chí (1886-1887) chép có địa danh Ấp Phương Trì thuộc tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (không thấy thể hiện trên bản đồ); Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (2010) chép từ năm 1920 đến năm 1945, có xã Thuận Trì thuộc tổng An Lương; trong khi xã Tây Sơn, Trung Phường thuộc về tổng Tân An của phủ Duy Xuyên.
Trên cơ sở đối chiếu kết hợp các nguồn sử liệu này và điền dã tìm hiểu về các địa danh và nhân vật có liên quan trên thực tế, chúng tôi biết được: muộn nhất là từ đầu thế kỉ XVIII, tên làng Bàu Ấu (cần lưu ý là Bàu Ao có lẽ là cách dịch nhầm) đã được đặt theo tên của “bàu nước nhỏ” - Bàu Ấu nên có tên là phường Bàu Ấu. Về sau, phường Bàu Ấu xuất hiện ở đầu thế kỉ XIX với tên ấp tứ chiếng Bàu Ấu, và có thể đến năm 1824 thì được đổi thành ấp Phương Trì, tồn tại mãi cho đến thập niên 20 của thế kỉ XX khi xuất hiện xã Thuận Trì thuộc tổng An Lương, phủ Duy Xuyên đương thời. Như vậy, có thể nói Bàu Ấu là tên Nôm sớm nhất của làng được biết cho đến nay. Và muộn nhất là từ đầu thế kỉ XVIII, vùng này đã có các tộc họ đến khai khẩn, sinh sống như trường hợp nhân vật Phạm Từ Tín đã cúng ruộng cho chùa hơn 6 mẫu ở văn bia trên cho biết.
Về quá trình khai khẩn lập làng và đời sống sinh hoạt của Bàu Ấu xưa, do sử liệu gia phả các tộc họ lớn trong làng hầu như bị mất mát nhiều trong chiến tranh, chỉ qua tương truyền của dân trong làng mà biết được có các tộc Trương, Phạm, Nguyễn, Lê... từ rất sớm đã đến khai khẩn, mưu sinh. Cho đến đầu thế kỉ XIX, khi địa bạ, về tứ cận, sách chép ấp tứ chánh Bàu Ao đông giáp xã Đông Sơn, xã Trung Phường; phía tây, phía bắc giáp xã Trung Phường; nam giáp xã Đông Sơn với tổng diện tích là 39 mẫu 7 sào 13 thước. Trong so sánh với làng Trung Phường ở phía bắc có tổng diện tích gần 350 mẫu, trong khi làng Đông Sơn ở phía nam có tổng diện tích hơn 1275 mẫu, có thể thấy, Bàu Ấu là làng không lớn (chỉ là đơn vị hành chính cấp “ấp”) và thực chất là một phường/một xóm của nhóm nhỏ dân tứ xứ tụ cư (“dân tứ chiếng”). Ở đó, một bộ phận sinh sống bằng nghề nông nhưng cũng như Trung Phường, Đông Sơn, cư dân của Bàu Ấu chủ yếu là dân của thuộc Hà Bạc, chuyên làm nghề đánh bắt cá - “dân vạn”.
Hiện nay, ngoại trừ các khoảnh đất vây quanh Bàu Ấu là đất canh tác (một năm trồng một vụ lúa, khoai lang, mè...) của cả dân làng thì cư dân vùng này sống chủ yếu bằng nghề biển, phổ biến là các hoạt động đánh cá biển, cào nghêu, làm mắm, đan lưới... Câu ca dao vẫn còn được dân gian lưu truyền về đời sống của nhân dân thôn Thuận Trì nhiều thập niên trước đây cũng phần nào phản ánh bức tranh kinh tế, cuộc mưu sinh xa xưa của dân làng Bàu Ấu: “Ai về Bàu Ấu thì về/ Bàu Ấu có nghề đan giỏ cào nghêu!”.
Xứ đất Khe Thủy xứ hằn trong đời sống tâm linh của cư dân từ bao đời còn lưu truyền đến nay và Bàu Ấu cũng như Bàu Trung Phường là những chứng tích còn lại, nhắc nhở hậu thế về mạch nguồn xa xưa của xứ sở. Trong khi Bàu Trung Phường bị vùi lấp dần, nhân dân quanh vùng theo đó lấn dần để trồng khoai đậu nên bàu hẹp dần, chỉ còn là bàu nước nhỏ, “nhỏ hơn cả Bàu Ấu” thì nhiều thập niên trở lại đây Bàu Ấu vẫn được giữ lại khá nguyên vẹn nhờ có bờ đất cao và hàng cây xanh trồng ngăn với khu ruộng lúa, khoai, mè mà hai mùa mưa nắng dân làng canh tác xung quanh. Đó là “trái tim”, “không gian xanh” đáng được gìn giữ của làng quê này. Trên bờ Bàu Ấu nay là mộ quan Án sát Nguyễn Duy Kế mà hành trạng đã được chúng tôi cung cấp trong bài viết trước. Hiện nay, Bàu Ấu cũng như mộ quan Án sát đều nằm trong khu vực giải tỏa/di dời, tái định cư của Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Vì vậy, qua kết quả khảo cứu bước đầu này, chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan hữu quan xem xét công tác bảo tồn đối với hai di tích cổ xưa này.
LÊ THỊ MAI