Trong cuộc chiến sống mái với quân thù với vũ khí tối tân, buộc chúng ta hình thành một thế trận thích hợp để có thể cự lại. Các chiến sĩ vùng đông Thăng Bình lui dần về Bàu Bính hình thành nên một chiến lũy - được gọi là căn cứ - để cầm cự. Vì nơi đây có lợi thế địa hình để đánh trả quân thù và trụ lại. Ellsworth Bunker, từng là Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam thời Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, đánh giá đây là nơi “mà đối phương có thể rút lui, củng cố, tái trang bị khí tài và chờ thời cơ”. Bàu Bính cũng là nơi diễn ra “cuộc chiến tranh chính trị - chiến tranh tâm lý”, sau này ta gọi là “căn cứ lõm”, rộng hơn 200ha. Một căn cứ không có rào vi, bộ binh địch đi vào hướng nào cũng sợ. Còn ta, có nhiều lối lọt vào và lui ra. Và, có một nhân dân không nhiều, một lòng dân trung kiên - một điểm tựa, cũng chính là một trận địa - một trận địa tuyệt vời, kỳ vĩ. Kẻ thù biết, nhưng không tài nào lôi kéo nhân dân về phía chúng. Dồn dân vào khu dồn chúng cũng không thể tựa được và cũng không hủy diệt được.
|
Sau khi 4 Ủy viên Thường vụ Huyện ủy xuống đứng ở Bình Dương hy sinh, Huyện ủy quyết định thành lập Đảng ủy Vùng đông do Nguyễn Đức Bốn kiêm nhiệm chức Bí thư, Phan Thanh Toán - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội làm Ủy viên Đảng ủy. Sau, Phó ban Dân vận - Ngô Thanh Dũng - người con của Bình Dương về vùng đông công tác nên Huyện ủy bổ sung làm Ủy viên Đảng ủy. Theo lệnh của Huyện ủy, Huyện đội điều Đại đội V15 của huyện Thăng Bình về Bàu Bính cùng du kích, Đội công tác Bình Dương hình thành thế trận phòng ngự đánh địch càn quét, đánh quân lấn chiếm, đánh quân “bình định”.
Trước tình hình địch tăng cường đánh phá, Đảng ủy xã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, xoay quanh 2 phương án: Phải bảo toàn lực lượng, giấu lực lượng; phải kiên quyết trụ bám, bám đất, bám dân mới mong đánh bại âm mưu “bình định” của địch, giữ từng tấc đất thân yêu Bình Dương.
Làm thế nào thực hiện 2 nhiệm vụ vô cùng nặng nề và khó khăn, tưởng chừng như đối lập nhau này? Du kích cùng lực lượng vũ trang huyện trụ bám chiến đấu - thỉnh thoảng có bộ đội tỉnh về giúp sức, tiêu hao sinh lực địch, nhưng phải che giấu lực lượng, không phô trương. Bộ binh địch không dám xông vào nơi mà chúng biết có du kích, nhưng phi pháo địch thì xem đó là mục tiêu gây sát thương cao. Chúng đùn đẩy nhau, lính chính quy bị điều từ chiến trường ác liệt về trong tâm trạng chán nản, ép lính bảo an, nghĩa quân tiến vào vùng có du kích. Nhưng lính địa phương cũng sợ như lính chính quy thất trận từ Quảng Trị, Đường 9 đưa về. Đảng ủy điều toàn bộ du kích thôn vào biên chế du kích xã, một số đôn lên cho bộ đội huyện. Lực lượng này chỉ ớn đại pháo và bom B57 của Mỹ.
Một nhiệm vụ cũng vô cùng khó là làm sao có lương thực, thực phẩm cung cấp cho hơn 300 cán bộ, nhân dân và du kích, khi không tài nào sản xuất trên đất luôn bị bom, pháo cày nát và càn quét liên miên? Đến mức, không có muối nấu nồi canh rau cho mặn miệng. Đó là thời gian anh em cán bộ và du kích đặt một “hòm thư chết” giữa đồng. Anh em ta cần gì, viết trên mảnh giấy bỏ trong hòm thư. Bà con trong khu dồn ra lấy thư đọc, biết anh em cần gì, mỗi lần đi thì mang theo giấu ở bụi bờ nào đó, viết trong thư cho anh em ta biết để đến lấy.
Bàn đi tính lại thì tìm được lối ra: Từ lâu, lương thực ta ăn phần lớn “rút” từ vùng địch về, ta lấy súng địch đánh địch. Thế là, thành lập đơn vị “hậu cần” ngay trong vùng địch. Nhân sự là con em rời Bình Dương, được xây dựng thành các cơ sở hợp pháp. Lực lượng này tổ chức thêm cơ sở mới, móc nối với bà con Bình Dương ở Hương An, Đà Nẵng, Tam Kỳ, cả ở Đồng Tháp… Họ quyên tiền, vàng..., vận động gửi tiền về quê cho người thân là du kích, cán bộ để mua gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men. Và, những thiếu niên từng là du kích B - du kích mật như Phan Nên, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Hai, Dương Văn Chín, Bốn Điền, Cổ, Hội, Hai Là… đã trưởng thành muốn thoát ly cầm súng đánh giặc. Bằng mọi cách, mọi con đường, hàng hóa được chuyển về Xuyên Tân, Phú Phong - các “bàn đạp” quanh căn cứ. Từ đó, hàng được chuyển vào căn cứ để cán bộ, du kích có thêm cái ăn, ngoài khoai, rau, cá, ốc… tự kiếm được còn sót lại trên đất Bình Dương. Ta tăng cường, bổ sung lực lượng tập trung cho nhiệm vụ bám sát địch, bắn bia, bắn tỉa, gài mìn, đột kích bất ngờ,... không cho địch một chút yên ổn trên đất Bình Dương. Biết điều này nên ta không ngạc nhiên vì sao một số “cửa khẩu” từ Bà Rén, Hương An, Mộc Bài, Phú Diên… về vùng đông luôn có bọn tay sai ngăn chặn, đón bắt, lục soát, cướp giật hàng hóa mắm, gạo, thuốc tây của bà con đi chợ về. Tên nào nhắm mắt ăn cướp liền có tai mắt bà con điểm mặt. Vài hôm sau là du kích đột nhập vào khu dồn trừng trị, răn đe ngay.
Ta và địch đánh giằng co nhau vô cùng ác liệt. Sau một tháng, nhận ra trong khu dồn có cơ sở “tiếp tay” cho du kích, địch đưa dân ở khu dồn đồi Ông Họp về khu dồn thôn 2 và thôn 3. Trong thời gian Đội công tác, du kích, cùng cơ sở bên trong phối hợp thực hiện “ngoại kích, nội công” phá khu dồn đồi Ông Cà, Phan Thị Phước Nga (con bà Diệp) - Bí thư chi bộ hợp pháp và một số cơ sở như Phương (con ông Ngang) bị địch bắt. Chúng tra tấn cực hình, các đồng chí không khai một lời, quyết bảo vệ cơ sở đang đứng quanh nín thở nhìn, giữ vững tinh thần cho hàng trăm bà con bị địch “bắt” dự mít tinh, dự phiên tòa trên trảng Mó. Chúng bịt mắt tuyên tử hình Nga nhằm răn đe những ai tiếp tay cho cộng sản. Trước khi ra lệnh bắn, chánh tòa lưu động hỏi Phan Thị Phước Nga: “Trước khi bị tử hình, mày có ý kiến gì không? Nếu chịu quy hàng thì sẽ tha ngay”. Phan Thị Phước Nga chỉ có một yêu cầu là mở băng bịt mắt để được nhìn về quê hương, nhìn bà con Bình Dương thân yêu lần cuối. Nga đưa mắt nhìn lướt qua đám đông, chưa kịp hô hết lời hô bất tử “Hồ Chí Minh muôn năm!”, một loạt súng oan nghiệt vang lên…
(Còn nữa)
Ký sự HỒ DUY LỆ