Xã Bình Dương trở thành chiến trường vô cùng ác liệt của những tháng cuối năm 1972. Cuộc chiến đấu không cân sức vẫn tiếp diễn cho đến đợt pháo kích khủng khiếp nhất vào Bình Dương từ các trận địa pháo Tuần Dưỡng, Núi Quế, Cẩm Hà và một trận địa pháo dã chiến trên bãi cát Hương An. Ngày 15.10.1972, máy bay B57 của Mỹ ném 50 quả bom tọa độ xuống Bàu Bính, làm cho 72 cán bộ, bộ đội, du kích, đội công tác và dân bám trụ hy sinh. Một quả bom tọa độ rơi trúng khu vực hầm của dân, không nghe tiếng nổ mà phá sụp một lúc mấy cái hầm kèo. Hầm nhà bà Kìa bị sụp chôn vùi ba đứa con. Bà Kìa phát điên từ đó...
|
Địch không “tìm” ra nên không “diệt” được quân giải phóng chủ lực. Vẫn không chiếm được vài mét đất, một khu vườn, chắc chắn địch sẽ dùng máy bay ném bom hủy diệt Bàu Bính. Du kích và dân bám trụ không có ý nghĩ rút. Rời làng thì không có đất để du kích dụng võ. Nhưng, để bảo tồn lực lượng, trên quyết định bộ đội rút đi và bằng mọi cách đưa những người dân bám trụ “quý như vàng” ra khỏi Bàu Bính.
Đó là một đêm không thể nào quên của ngày 15.12.1972. Theo Hai Toán, người chỉ huy cao nhất còn sót lại tại trận địa Bàu Bính, mặt trời đã xuống núi, súng hai bên vẫn còn nổ, anh em ta vừa đánh vừa lui về phía sau, thì đài PRC25 của chỉ huy Tiểu đoàn bộ 72, do Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Văn Hạnh bắt được điện của Tỉnh đội Quảng Nam: Rút quân khỏi đất Bình Dương. Sáu giờ tối mới họp cấp ủy, phổ biến lệnh rút, bàn kế hoạch rút. Nơi đưa dân đến là An Tráng thuộc xã Bình Lâm.
Từ Bàu Bính lên An Tráng có con đường hơn 10 cây số lội bộ, lách đồn địch mà đi. Từ thôn Tư Bình Dương, băng cát qua đất Duy Nghĩa, ra thôn Sáu qua sông Trường Giang lên đất thôn Ba Xuyên Tân (Duy Xuyên) tiếp giáp với xã Phú Phong của Quế Sơn. Từ đó, vượt qua đường 1, đoạn cách chừng 2 cây số phía trong đầu cầu Bà Rén, đi lên hướng Núi Đất. Lực lượng bộ đội tỉnh, huyện, các đội công tác và nhân dân trong căn cứ lõm vượt sông qua Xuyên Tân vượt đường 1 lên Phú Phong, Phú Hương, Đồng Lùng - Quế Sơn. Rồi từ đây, bộ đội “biến mất” không để địch lần theo dấu vết, còn dân chạy về Thăng Phước (Quế Tiên), Đồng Linh (Bình Phú). Kế hoạch “rút lui” đã được vạch ra.
Lê Thanh Nghị, bấy giờ là Chính trị viên xã đội, đang ở ngoài chiến hào. Suốt mấy ngày trên bom, dưới pháo, anh cùng đồng đội quần lộn với địch, quyết không cho địch tiến sâu vào vùng cố thủ của du kích. Chiều lại thấy im tiếng súng, chờ ý kiến của cấp ủy đang họp bàn để sáng mai tiếp tục cuộc chiến đấu như thế nào thì Lê Thanh Nghị nhận được lệnh của Hai Toán: Chuẩn bị lui quân, tập trung về phía sau. Thanh Nghị đến nơi đã hơn 7 giờ tối, nghe phổ biến: Tất cả du kích, cán bộ, cả dân nữa, phải sẵn sàng rời khỏi thôn Tư, rời khỏi đất Bình Dương, kể cả thương binh. Một mệnh lệnh đột ngột, bất ngờ.
Lúc bấy giờ đang là tháng 11 âm lịch. Đêm tối mịt, trời mưa bay bay, lạnh. Đi đứng thế nào đây, ai cũng nôn nao. Sẵn sàng, nhưng không ai có thể hình dung rút đi như thế nào với 3 - 4 trăm dân, lo nhất là người già, trẻ con, người đau, kẻ sốt, mang thứ gì theo hay là chôn giấu. Nặng nề và lo hơn nữa là thương binh. Bình thường, chăm sóc, nuôi giấu thương binh khổ biết chừng nào rồi. Hoàn cảnh cấp bách này, trên hai chục ca thương nằm trong các hầm của dân, trong hầm đội phẫu, ai khiêng, ai mang.
Hai Toán giao nhiệm vụ cho Lê Thanh Nghị tập trung cùng du kích và bộ đội đưa dân đi. Khi bà con qua hết bên kia sông thì ở lại. Đã quyết rút đi, phải đi hết trong đêm, không đi hết mai địch tràn vô, chúng sẽ không để ai yên. Ở lại với ai, làm gì sẽ nói sau. Không thể trụ lại thì phải rút đi. Nhưng mục tiêu tiếp theo và lâu dài thì phải trụ lại, đưa dân về bám trụ, trồng khoai, trồng rau, nuôi gà. Có nghĩa là một cuộc rút đi tạm thời, cuộc “rút lui chiến thuật”. Mất dân là mất “cái dạ dày” của vùng đông; rồi mất một địa bàn rộng lớn nằm giữa đồn bốt địch.
Lê Thanh Nghị băng cát lội theo ven bờ sông tìm ghe thì thấy bộ đội đang khẩn trương bố trí đội hình rút quân. Số chặt chuối làm phao đưa súng đạn qua sông, số đùm túi ny lon bơi qua sông, số chặt bẹ dừa kéo theo phòng máy bay địch thả đèn sáng thì núp... Nhiều người dân lội nước tới cổ bám theo bộ đội. Nhiều em bé ngồi trên cổ bộ đội… Bờ bên này là thôn Sáu xã Duy Nghĩa. Bờ bên kia là thôn Tư và thôn Ba xã Xuyên Tân. Nếu trên đất Bình Dương, tìm ghe không khó, chỉ cần ra các cái bến quen thuộc ở thôn Ba, chợ Mới, xóm Miếu, hàng cừ Cây Mộc, lặn xuống đụng ghe thì kéo lên. Dọc bờ sông ở thôn Sáu (Duy Nghĩa) cũng có ghe, có thúng chai, nhưng quá ít. Kể cả bên thôn Tư Xuyên Tân, chỉ tìm được 4 cái ghe và 2 cái thúng chai. Dương Xáng - một trong những cán bộ xã đi tìm ghe - lội xuống mép bờ sông Duy Nghĩa, Duy Hải mò, kéo lên được 3 chiếc ghe và 3 thúng chai, kéo hết lên thôn Sáu. Thúng chai chở ba, bốn người. Ghe nhỏ chở được bảy, tám người. Ưu tiên chở thương binh. Người lên thúng chai rồi, hai người bu thúng bơi qua sông. Ghe không có mái chèo, người trên ghe lấy tay làm chèo, hai, ba người bu thành ghe, chân bơi, tay đẩy qua sông. Đúng là một cuộc hành quân có một không hai.
Đưa hết dân qua sông, Hai Toán phân công Lê Thanh Nghị, Ngô Dân và Hai Lạc trụ lại để nắm tình hình. Ba anh em tìm được chiếc thuyền ở thôn Ba (Xuyên Tân) bơi qua sông Trường Giang. Vừa nhận thuyền xuống nước, lên bờ, anh em bàn nhau, chưa thể về Bàu Bính ngay nên lội cát qua thôn Năm (Xuyên Thọ) liên lạc với đội công tác Xuyên Thọ rồi sẽ tìm cách về Bình Dương. Đến thôn Năm thì đã khuya, lội qua mấy bờ thổ, thấy một hầm chống pháo vắng người, ba anh em trụ lại. Còn được chừng 4 lon gạo, nhưng chưa có cái gì nấu, mắm muối đâu có, trước hết bò ra thổ kiếm khoai sống nhai đỡ đói. Trời sắp sáng mà không thấy bóng dáng du kích đâu, sáng ra, địch càn đến thì núp đâu? Mà du kích Xuyên Thọ bám lại chỉ có một tổ công tác mấy anh em, họ trụ ở trên mênh mông những bờ thổ cát, biết đâu mà tìm? Một quyết định khá liều lĩnh: Không chờ trời sáng, anh em quyết định quẹt lửa đốt tấm tranh lá che miệng hầm của du kích. Lửa cháy, một cột khói nhỏ bốc lên trời. Lát sau, ba bốn người lù lù hiện ra ở bờ thổ khá cao bên kia. Đó là anh Trường Chín, chị Bảy Không, anh Đô, anh Hiển. Thật là mừng không chi bằng. Quan trọng hơn là qua các anh chị, có được tình hình từ đội công tác Xuyên Thọ, tức là nối được thông tin liên lạc với bà con Bình Dương.
(Còn nữa)
Ký sự Hồ Duy Lệ