Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Bài toán cơ cấu và chất lượng

L.V (Tổng hợp) 15/03/2016 09:03

Ngày càng có thêm nhiều ý kiến cho rằng cơ cấu đại biểu là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu mới là điều quan trọng. Để cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới có thể lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mấu chốt nằm ở quá trình hiệp thương, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử.

  • BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2016 - 2021
Cử tri thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) bỏ phiếu giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: H.BIN
Cử tri thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) bỏ phiếu giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: H.BIN

Lâu nay, cái khó của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đó là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng đại biểu và yêu cầu đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý. Vì Quốc hội là cơ quan dân cử nên cần đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến yếu tố chất lượng. Bất cứ ai, thuộc khối nào, Nhà nước hay ngoài nhà nước, già hay trẻ đều phải đủ điều kiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, giải bài toán cơ cấu và chất lượng đại biểu cần có sự hài hòa và hợp lý, nhưng vẫn phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu: “Một mặt là tiêu chuẩn chất lượng, một mặt là cơ cấu. Thực ra cơ cấu cũng làm nên chất lượng, nhưng vấn đề ở đây là liều lượng, là mức hợp lý và sự hài hòa. Cơ cấu mà ép địa phương quá thì không nên. Ví dụ địa phương người ta chỉ có 5 - 6 người đủ tiêu chuẩn thôi nhưng ép hoặc Trung ương giới thiệu về nhiều quá thì khó cho họ. Cho nên, Hội đồng Bầu cử quốc gia và những người có trách nhiệm phải thấu hiểu vấn đề này để tìm cách tháo gỡ. Đương nhiên, chất lượng đại biểu phải đặt lên hàng đầu. Mà muốn có chất lượng thì phải có tranh cử. Qua tranh cử thì nhân dân chọn được những người xứng đáng, chứ bây giờ tranh cử thì ít quá”.

Nêu thực trạng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu Quốc hội thường bỏ họp hoặc chưa quan tâm đến những vấn đề bàn thảo trên nghị trường, không lắng nghe ý kiến của cử tri mà tiếp xúc cử tri chỉ là lấy lệ cho có, ông Nguyễn Văn Nghĩa - nguyên Vụ trưởng Vụ quản trị tài vụ Văn phòng Quốc hội đề nghị cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới phải lựa chọn cho được những đại biểu đủ chất lượng tham gia Quốc hội. Bầu cử phải thật sự dân chủ, không o ép. Cơ bản nhất là chọn đầu vào, tìm được người xứng đáng để người ta gánh vác nhiệm vụ chung của Quốc hội.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây của đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiều cử tri bày tỏ, bầu cử là biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất của dân chủ nên phải tạo điều kiện cho người dân có quyền và có cơ hội thực thi quyền lựa chọn lãnh đạo cũng như những người đại diện có thể tác động đến các chính sách quan trọng trong đời sống của họ. Các cuộc bầu cử được tổ chức thường kỳ là nhằm bảo đảm những nhà lãnh đạo, những người đại biểu phải là những người được sự tín nhiệm của đa số dân chúng. Vì vậy, cử tri mong muốn cuộc bầu cử sắp tới phải dân chủ hơn. Phải là người có năng lực, có tính phản biện cao, có trình độ đích thực thì hãy vào Quốc hội.

Để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng vào danh sách bầu cử đòi hỏi Hội đồng Bầu cử các cấp và toàn thể cử tri thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, cần hết sức công tâm, khách quan trong nhìn nhận và đánh giá từng ứng cử viên trong quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử.

TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ BẦU CỬ

- HỎI: Ủy ban Bầu cử ở tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong bầu cử đại biểu Quốc hội?

- TRẢ LỜI: Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử.

b) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

c) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

d) Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử quốc gia.

đ) Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định.

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri.

g) Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ UBND cấp tỉnh và phân phối cho các Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử.

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội.

i) Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

k) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

l) Chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử quốc gia.

m) Tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn)

L.V (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Bài toán cơ cấu và chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO