Để vào danh sách ứng cử viên chính thức, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ còn phải nhận được sự đồng ý của đa số cử tri nơi cư trú…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Ảnh: VINH ANH |
Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú từ 20.3
Sau khi biểu quyết lập danh sách sơ bộ người ứng cử, hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đã tiến hành thảo luận về kế hoạch lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Theo kế hoạch, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ diễn ra từ ngày 20.3 đến 12.4.2016.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để lựa chọn và giới thiệu ra những người đủ tiêu chuẩn tranh cử. Việc lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử (cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức cùng một hội nghị ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố (không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn) do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Đối với những trường hợp người ứng cử chưa xác định được nơi cư trú thường xuyên, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử chủ động trao đổi thống nhất với người ứng cử để lựa chọn nơi tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri cho phù hợp. Đặc biệt, với những trường hợp người ứng cử có nơi cư trú thường xuyên ngoài địa bàn tỉnh Quảng Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động liên hệ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp của địa phương nơi người ứng cử cư trú để thống nhất kế hoạch triển khai việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đảm bảo thời gian quy định.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú là một bước rất quan trọng sau hội nghị giới thiệu người ứng cử, do đó Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã và đang tiến hành những công việc khẩn trương để việc lấy ý kiến diễn ra đạt hiệu quả. Những địa phương có đông người ứng cử đang cư trú thì việc lấy ý kiến cử tri sẽ bận rộn và áp lực hơn những địa phương có ít người ứng cử. Theo danh sách tổng hợp về nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống kê, TP.Tam Kỳ là địa phương có số lượng người ứng cử đang cư trú đông nhất. Điều này đòi hỏi TP.Tam Kỳ phải lên kế hoạch chu đáo và khẩn trương để việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đạt hiệu quả.
Cử tri sẽ là người quyết định
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ, riêng danh sách lấy ý kiến cử tri cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trên địa bàn thành phố đã lên đến 50 người (trong đó có 5/15 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 45/104 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh). Ngoài ra còn có 55 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những người ứng cử HĐND ở các địa phương khác nhưng đang cư trú tại địa bàn Tam Kỳ; chưa kể người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, phường. Do đó, công tác chuẩn bị và triển khai lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của Tam Kỳ phải được tiến hành khẩn trương, nếu không sẽ không đảm bảo thời gian như quy định. Ông Phạm Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho biết: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử là một bước rất quan trọng. Bởi vì, ngoài nơi công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị (đối với người được giới thiệu ứng cử) và nơi làm việc (đối với người tự ứng cử) thì còn có nơi cư trú. Đây là lúc để cử tri đánh giá cá nhân người ứng cử trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường tại nơi cư trú đã thực tốt hay chưa; có thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân hay không; đạo đức, tư cách, lối sống người đó như thế nào… Điều này vừa đảm bảo chọn được những người tài đức, nhưng đồng thời cũng cho thấy được tinh thần dân chủ trong bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Bởi vậy, cử tri sẽ là người quyết định ai vào danh sách chính thức để ra tranh cử”.
Pa nô tuyên truyền bầu cử trên một tuyến phố tại TP.Tam Kỳ. |
Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ đã xây dựng kế hoạch lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử HĐND thành phố. Đồng thời dựa trên danh sách tổng hợp nơi cư trú của người ứng cử, Mặt trận TP.Tam Kỳ sẽ tổ chức sắp xếp, bố trí việc lấy ý kiến cử tri vừa đảm bảo hiệu quả vừa đúng quy định. Ông Thắng nói: “Căn cứ theo danh sách người ứng cử, Mặt trận thành phố sẽ chỉ đạo cho Mặt trận các xã, phường phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lồng ghép việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Tức là, nếu một thôn, khối phố mà có đồng thời cả người ứng cử Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND thành phố, HĐND xã, phường đang cư trú, thì nơi đó chỉ cần tổ chức một hội nghị để lấy ý kiến cử tri cho lần lượt các đại biểu. Nơi nào có quá đông người ứng cử thì có thể chia ra thành 2 hội nghị. Việc này không trái quy định mà còn nhằm tiết kiệm được thời gian của cử tri và giảm tải công việc cho cơ sở”. Ông Thắng giải thích thêm: “Có thể tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri lồng nghép như đã nói ở trên, tuy nhiên điều quan trọng là vẫn phải làm sao để đảm bảo chất lượng và quy định. Điều này, Mặt trận thành phố sẽ có hướng dẫn và phổ biến kỹ cho cấp dưới để việc lấy ý kiến đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Bầu cử thành phố cũng hết sức chú trọng đến công tác tuyền truyền, bởi vì so với nhiều địa phương khác, Tam Kỳ có những đặc thù nhất định, như có phần lớn cử tri là cán bộ, công chức, viên chức và người buôn bán… Do đó, để người dân hưởng ứng và tham gia cuộc bầu cử nói chung và việc lấy kiến cử tri nói riêng phải hết sức chú trọng đến khâu tuyên truyền”.
Núi Thành tăng tốc cho cuộc bầu cử Cùng với cả tỉnh, Mặt trận các cấp huyện Núi Thành đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, danh sách sơ bộ ứng cử viên đại biểu HĐND huyện khóa XI có 65 người, trong đó một trường hợp tự ứng cử. Trong số 65 ứng cử viên có 19 người thuộc khối đảng, 30 người khối chính quyền, 3 người thuộc các đơn vị sự nghiệp, 2 người thuộc Ủy ban Mặt trận huyện, 1 người thuộc tôn giáo, 11 người là các tổ chức thành viên mặt trận, 2 người trong khối doanh nghiệp và 4 người thuộc khối nội chính. Ông Huỳnh Minh Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành cho biết, mặc dù số người ứng cử qua hội nghị hiệp thương lần thứ hai giảm hơn 7 người so với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, song vẫn đảm bảo số người ứng cử so với quy định. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành nhanh chóng triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XI. Ông Huỳnh Minh Cường nhấn mạnh: “Đây là một công việc quan trọng nhằm lấy ý kiến nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm của cử tri đối với những người ứng cử đại biểu HĐND huyện. Đồng thời là cơ sở phục vụ cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa mới”. Với tầm quan trọng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành đã hướng dẫn Mặt trận 17 xã, thị trấn, Ban công tác Mặt trận 138 thôn, khối phố, người ứng cử, người tự ứng cử nắm vững quy định của pháp luật về bầu cử. Huyện Núi Thành đang tăng tốc triển khai các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng với công tác tuyên truyền, trước mắt, huyện tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm của cử tri đối với những người ứng cử đại biểu HĐND, phấn đấu hoàn thành trước ngày 12.4.2016. Đồng thời xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, để kịp tiến độ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba đúng thời gian quy định. (VĂN PHIN) |
ANH ĐÔNG - NGUYÊN ĐOAN