Bàu Dũ, di chỉ sơ kỳ thời đại đá mới

TRẦN VŨ 05/11/2014 08:24

Đối với đa số người dân thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, gò Bàu Dũ là nơi cư trú, canh tác. Nhưng ít ai biết đây là vùng đất ẩn chứa nhiều trầm tích có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, nơi người cổ Bàu Dũ sinh sống lâu đời nhất ở Quảng Nam.

Khai quật ở di chỉ Bàu Dũ, ngày 15.8.2014. Ảnh: T.V
Khai quật ở di chỉ Bàu Dũ, ngày 15.8.2014. Ảnh: T.V

Chuyện ở Bàu Dũ

Bàu Dũ là gò đất thoai thoải, ruộng lúa bao quanh. Trên đó, ngoài các loại cây dại, người dân trồng nhiều cây nhãn, mù u, keo lá tràm… tạo ra không gian mát mẻ quanh năm, rất thích hợp cho việc tham quan nghỉ ngơi. Ngoài ra trên gò Bàu Dũ có xây một cái miếu xóm (lăng cô bác) và một con đường dân sinh bắc ngang qua.

Ông Đỗ Thế Châu nhà nằm ngay trên gò Bàu Dũ cho biết,  gò này có địa thế cao, lụt năm Thìn (1964) xung quanh đây ngập hết bà con phải lùa trâu bò và chạy lên đây lánh nạn. Trước đây người dân thường hay gọi nơi đây là đồng Cửa Sa, trên gò có một ngôi trường tiểu học. Đặt biệt gò này có rất nhiều vỏ sò điệp được chất thành đống, có chỗ sò điệp lộ lên trên, người dân đào về nung vôi bỏ ruộng. Khi đào lấy sò điệp, có nhiều đá, xương, than tro lẫn bên trong, người dân còn lấy những cục đá đẹp đem về nhà chưng. Có lần anh Lê Văn Chỉnh người ở gần đây ghé chơi thấy nhiều hòn đá đẹp và có nhiều vỏ sò điệp nên xin về, sau đó báo cho cơ quan chức năng. Từ đó, đoàn công tác của các cơ quan chức năng, có cả GS. Trần Quốc Vượng (nay đã qua đời) nhiều lần đến đào thám sát, rồi khai quật, phát hiện nhiều xương động vật, cốt người và đồ đá…

Chuyện từ lòng đất…

Theo tìm hiểu của chúng tôi và báo cáo sau những đợt thám sát, khai quật, các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, nhà nghiên cứu cho biết, gò Bàu Dũ cao hơn mặt ruộng khoảng 2m, cao 11m so với mực nước biển, Bàu Dũ là di chỉ cư trú đồng thời cũng là nơi mai táng người chết có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000 năm. Khu vực Bàu Dũ  thời người cổ Bàu Dũ sinh sống là nơi tiếp giáp giữa rừng và biển; có đồng cỏ và đầm lầy, là nơi sinh sống của rất nhiều loài cá, sò điệp, ốc…, cũng là nơi cư trú của các loài động vật ăn cỏ như hươu, nai, trâu, bò, tê giác… Người cổ Bàu Dũ sống chủ yếu dựa vào kinh tế khai thác thức ăn sẵn có trong tự nhiên và săn bắt thú hoang dã sống ở vùng đồng cỏ, đầm lầy và trong rừng. Để phục vụ cho cuộc sống của mình người Bàu Dũ biết chế tác công cụ đá để sử dụng.
Bằng chứng là trong các đợt thám sát và khai quật các nhà khảo cổ học đã phát lộ rất nhiều đống vỏ sò điệp bên trong có nhiều than tro, vỏ ốc, xương cá, mai rùa, xương động vật lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi ăn người cổ đổ vỏ nhuyễn thể thành từng đống, trải qua nhiều thế hệ, cùng với quá trình bồi lấp đã tích tụ lại thành vỉa tầng trầm tích lịch sử văn hóa hôm nay. Các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ vào loại hình di chỉ “Đống rác bếp” hay “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp”. Trong các tầng văn hóa thu được nhiều công cụ bằng đá như: công cụ chặt hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân, rìu ngắn, công cụ chặt thô, chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, mảnh tước và nhiều hòn cuội còn nguyên chưa có dấu vết gia công. Đặc biệt ở độ sâu 1 - 2m, đã phát hiện được dấu vết một số di cốt của người cổ. Như vậy di chỉ Cồn sò điệp Bàu Dũ được xếp vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đá mới, nhưng là “đá mới trước gốm”.

Gìn giữ cho mai sau

Cho đến nay, Bàu Dũ là di chỉ có niên đại sớm nhất được phát hiện trên địa bàn Quảng Nam, cách TP.Tam Kỳ khoảng 4km về phía nam, cách quốc lộ 1 khoảng 1,5km. Với vị trí và cảnh quan thuận lợi như hiện nay, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các cấp cần có biện pháp tuyên truyền cho người dân sống trong khu vực này biết và nhận thức được giá trị lịch sử văn hóa của khu vực họ đang sống. Để từ đó người dân có ý thức trân trọng, không làm thay đổi hiện trạng di chỉ này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ tiếp theo tiếp tục nghiên cứu.

Trước mắt, có thể đưa di chỉ này vào điểm đến trong hành trình du lịch khám phá Tam Kỳ, Núi Thành. Nếu được đưa đến đây để xem những đống sò điệp, nghe những câu chuyện kể của người dân về vùng đất mà người cổ Bàu Dũ cách đây 6.000 năm đã sinh sống có lẽ là điều khá thú vị, thu hút du khách. Vừa qua, Bảo tàng Quảng Nam tiếp tục tổ chức khai quật ở di chỉ này trên diện tích 32m2. Thông qua đợt khai quật này, các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương, nhân dân đều biết đến khu di chỉ này. Đồng thời qua trưng bày những hiện vật thu được, có thể tuyên truyền cho người dân biết, đây cũng là một trong những cách bảo tồn khá thiết thực.

TRẦN VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bàu Dũ, di chỉ sơ kỳ thời đại đá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO