“Bầu trời đang sụp đổ. Tôi không ngại nói ra điều này. Vài tuần nữa, tôi có thể bị coi là một kẻ truyền bá thông tin gây hoang mang, nhưng chẳng sao. Thậm chí, tôi còn hạnh phúc hơn nếu dự cảm của mình là sai”. Đây là lời của Cornelia Griggs, một bác sĩ nhi khoa, viết trên NYTimes ngày 19.3.
Thiếu máy thở, đồ bảo hộ, kính, nhân viên, găng tay; người bệnh thì nằm xếp lớp nối nhau. Mọi thứ ngột ngạt và đáng sợ, kinh hãi hơn khi cô nhìn vào mắt một đứa trẻ đang lủng lẳng vô số dây chuyền dịch. Cô nói với mẹ đứa trẻ: “Tôi hứa sẽ không để con chị phải chết vì căn bệnh này”.
Nhưng lời hứa, dù đi từ trái tim thầy thuốc, vẫn chênh vênh trước hoài nghi về cơn giận dữ của thần chết. Cơn dịch quét qua và đang hoành hành. Lúc này là lúc cần những bàn tay siết chặt chứ không phải là nới lỏng và thờ ơ. Họ, những bác sĩ, những người đang đương đầu với thần chết, họ cần sự trợ giúp của chúng ta để không phải rơi vào hoảng loạn và cô độc. Họ cần gì? Nữ bác sĩ này nói: “Nhưng việc suy nghĩ tiêu cực không giúp ích được gì. Thay vì hoảng loạn trong đơn độc, chúng ta cần cùng nhau hành động”. Một lời khẩn khoản của cô: “Mong mọi người đừng ra đường lúc này!”. Hãy chiến đấu để hỗ trợ họ, những bác sĩ đang vật lộn với mệt mỏi tận đáy và lòng tin bền bỉ về sự an lành của đồng loại.
Những việc đơn giản với chúng ta ư, đây cứ nhìn hỏi và hỏi: Tại sao họ như thế chứ? Bỏ trốn khỏi nơi cách ly. Ở nước ngoài hoảng loạn, bèn chạy về quê, bị cách ly là la mắng, đòi này nọ. Ra đường, vẫn còn khối người không mang khẩu trang. Quy định là nơi công cộng phải mang khẩu trang, vậy đường phố cũng là nơi công cộng, sao cứ nhơn nhơn, hay là chờ chính quyền nhắc. Tung tin bậy bạ về lây nhiễm và tử vong (trường hợp này toàn người trẻ)… Vi rút này không cần xin visa, cửa khẩu hẹp cỡ mấy nó cũng lọt qua, thì ai cũng có thể thành bệnh nhân của nó. Những ngày qua, quá nhiều ý kiến cho rằng, phải có những trận kinh hoàng thế này, con người mới thấy trò ngạo nghễ cho mình là động vật bậc cao, “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, làm chủ thiên nhiên làm chủ bản thân… Đại khái là những suy tôn và tự suy tôn về cái gọi là quyền năng tối thượng của con người, đã trở thành trò hề. Và 11 trận dịch đã qua từ lúc con người có chữ, biết thống kê và ghi lại, hình như cái gọi là kinh nghiệm rút ra ít lắm, bởi cũng vì nhận thức chỗ mình đứng đâu trong vũ trụ này ở thời buổi văn minh. Một kết luận trong vô vàn kết luận, là con người thờ ơ với nhau.
Dịch thế này, chỉ có thể vượt qua, nếu thực sự kích hoạt mối tương thông sẻ chia, đoàn kết, cảm thông, bền lòng với nhau để ngăn cản. Một mình, thì nó sẽ cuốn phăng đi ngay lập tức. Đừng nói gì hơn lúc này ngoài việc tạo ra một kháng thể tuân thủ những quy định cần thiết để dịch bệnh không lây lan hơn.
Bầu trời sẽ không sụp đổ, nếu như con người không chặt hạ những cây cột cuối cùng - là niềm tin, tình thương, san sẻ, quyết tâm. Muốn nói gì thì nói, sau trận dịch này, nhiều trật tự về nhận thức sẽ được sắp đặt lại và chắc chắn trong hệ thống những viên gạch đó, vị trí con người sẽ mang một sắc màu khác dưới bầu trời, là biết sợ!