Mỗi vùng đất đều sở hữu những báu vật di sản - là con người, cảnh sắc, những nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Liệu rằng sự quan tâm đã đủ để những báu vật di sản của vùng đất không va vào cảnh thương tổn?
Hội An nhìn từ trên cao. Vùng đất này đang đối mặt với những thách thức bảo tồn giá trị di sản. |
Suốt nhiều ngày, người Hội An lo lắng phập phồng cho chính vùng đất của mình - cũng là một báu vật di sản của xứ Quảng, của miền Trung, của thế giới. Nảy nòi từ một vở diễn nghệ thuật mượn câu chuyện và danh xưng vùng đất, như mục đích ban đầu của nhà sản xuất là hãy để du khách trải nghiệm “một ngày Hội An - trăm năm hoài cổ”. Thế nhưng, rất nhiều sai lệch về “ký ức” của vùng đất, từ lịch sử, văn hóa, phong tục Hội An, khi đưa vào vở diễn, đã gây ra những bức xúc, khó chịu từ người dân Hội An lẫn những nhà nghiên cứu văn hóa. Hẳn không hề dễ dàng khi muốn tái hiện những dư chấn của quá khứ vàng son, và càng khó khăn hơn khi anh không phải là cư dân của vùng đất, chưa hề sống chết bao phen với những đổi dời của vùng đất. Cũng từ đây, người ta bắt đầu nhận ra, những vùng ven Hội An - vùng đệm của di sản văn hóa thế giới - đã bị cày xới, bị bê tông hóa, bị thương tổn. Mỗi ngày, người ta thấy dày hơn những công trình to nhỏ mọc lên giữa những cánh đồng mướt xanh nơi lối dẫn vào phố, những thứ kiến trúc thô kệch chen vào vùng đất bên sông Hoài. Hay thậm chí, mỗi mùa tết về rình rang những thanh âm giải trí pha trộn từ nam chí bắc, mùi thức ăn đường phố váng vất tận hẻm sâu. Hội An - như rất nhiều bạn bè chúng tôi từng đến, và đi, đều tiếc nuối. Vì cái hồn phố xá ven sông tĩnh mịch, vì cái khí chất riêng của cư dân “góp” từ nhiều đời nay để phố này thành đặc sản, đã mất đi rất nhiều.
Nghệ nhân Đinh Thẩm của làng mộc Văn Hà - Phú Ninh, đến tuổi 97 mới được công nhận Nghệ nhân ưu tú (năm 2016). Ảnh: SONG ANH |
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ đến Hội An, từ việc biến động dân cư, đô thị hóa, hạ tầng phát triển du lịch cho đến cả câu chuyện quy hoạch phát triển thành phố. Dễ thấy nhất là những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng, nổi bật toàn cầu của Hội An - nếp sống, ứng xử, ẩm thực, phong tục tập quán... của con người Hội An gắn kết trong quần thể di tích, giá trị văn hóa vật thể - đã bị biến đổi. Mặt khác, lượng khách tăng nhanh, tăng cao dẫn đến bất cập trong quản lý các hoạt động dịch vụ; thiếu khả năng, điều kiện phục vụ du khách; hạ tầng du lịch không theo kịp... dễ xảy ra sự ồn ào, nhiều hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng xấu đến du khách, đến tính bền vững của du lịch. Thậm chí du khách đến với khu phố cổ Hội An có khi chỉ thấy đông người qua lại, khó cảm nhận được giá trị lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp tuyệt tác của các công trình kiến trúc, của quần thể khu phố cổ. Ở đây đang thiếu hẳn không gian, sự tĩnh lặng để du khách cảm nhận và cũng chính là thiếu sự bền vững cho du lịch văn hóa.
Hẳn không hề dễ dàng khi muốn tái hiện những dư chấn của quá khứ vàng son, và càng khó khăn hơn khi anh không phải là cư dân của vùng đất, chưa hề sống chết bao phen với những đổi dời của vùng đất. |
Những con số thống kê cho thấy mức độ tăng trưởng của du lịch Hội An năm 2017 khá ấn tượng: thu hút 3,22 triệu lượt khách đến, tăng hơn 21% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế 1,78 triệu lượt; khách lưu trú 1,45 triệu lượt, tăng 24,53%, trong đó khách quốc tế 1,21 triệu lượt; nguồn thu từ vé tham quan hơn 200 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 40,97 triệu đồng... Tuy vậy, có ý kiến cho rằng chỉ số về doanh thu, về thu nhập và số lượng du khách đến với Hội An chưa hẳn là chỉ số phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Hội An đang gặp phải những vấn đề bất cập trong lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản, từ thiếu nguồn nhân lực, thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ du khách và cả về định hướng quy hoạch, nguồn vốn đầu tư, quy chế quản lý, cơ chế chính sách, biện pháp chế tài... Và nỗi lo mất - còn của di sản văn hóa, sự phát triển bền vững của du lịch vẫn luôn là vấn đề được quan tâm.
Không chỉ riêng ở Hội An, báu vật của vùng đất xứ Quảng vẫn còn khá chật vật trong hành trình định danh và cả định vị cho mình. Được xem là những “báu vật nhân văn sống” (một danh hiệu cao quý do UNESCO đưa ra dành cho những người gìn giữ hồn cốt di sản, truyền nhân của di sản), nhưng các nghệ nhân hầu như vẫn phải tự thân bảo tồn loại hình nghệ thuật mình đang sở hữu, hoặc các tri thức dân gian về nghề truyền thống mình trui rèn được. Nghệ nhân ưu tú Đinh Thẩm của làng mộc Văn Hà, cho đến những ngày tuổi xế bóng vẫn tiếc nuối cho câu chuyện truyền nhân, chưa kể những chỉ dấu nghề nghiệp ở làng mộc này cũng ngày một vắng bóng. Cũng như vậy, nhiều di sản từ vật thể đến phi vật thể thời gian gần đây đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn, các đề án chi tiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản được xây dựng, nhưng hầu như câu chuyện về nghệ nhân và đời sống của họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tháng 1.2018, Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do UBND tỉnh thành lập đã xét chọn từ 50 hồ sơ chỉ được 14 trường hợp đủ điều kiện để trình đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là những nghệ nhân hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống của Quảng Nam từ rừng xuống biển…
Những di sản - báu vật của vùng đất vốn dĩ mong manh. Và thương tổn hẳn sẽ ngày một sâu hơn nếu không có những quyết sách bảo vệ, sự quan tâm xác đáng hơn…
LÊ QUÂN