Cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” giới thiệu các hiện vật tiêu biểu, độc đáo, gồm cả những di vật được khai quật từ những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, các cổ vật được phát hiện từ nhiều khu vực và nhiều thời đại khác nhau, tái hiện nền văn hóa khảo cổ hàng chục ngàn năm trên đất nước Việt Nam.
Đầu thần Shiva phát hiện tại di tích Phật viện Đồng Dương. |
Vào năm 2016, Hội đồng Khảo cổ học các nền văn hóa ngoài châu Âu của Viện Khảo cổ Đức (DAI) và các bảo tàng khảo cổ học nổi tiếng của nước Đức đã tổ chức cuộc trưng bày mang tên “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”. Bộ VH-TT&DL đã phê chuẩn đưa 350 cổ vật thuộc quản lý của 8 bảo tàng khác nhau tại Việt Nam đến nước Đức trưng bày. Những báu vật khảo cổ này đang lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Bình Dương, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng Phú Thọ, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn.
Tượng thần Visnu báu vật của nền văn hóa Óc Eo. |
Bắt đầu từ tháng 10.2016 đến 2.2018, các bảo tàng ở Cộng hòa Liên bang Đức như Bảo tàng Khảo cổ học ở thành phố Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia tại Chemnitz và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim lần lượt giới thiệu bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học của Việt Nam. Cuộc trưng bày đã thành công rực rỡ, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Đức, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Sau đó, những hiện vật này chuyển về lại Việt Nam và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để tiếp tục phục vụ khách tham quan bảo tàng, tìm hiểu, thưởng ngoạn các báu vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ của Việt Nam.
Trống đồng Trường Thịnh - hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn. |
Các hiện vật được trưng bày một cách khoa học và nghệ thuật, để sao cho chúng “có hồn”, khách tham quan biết những hiện vật đó đã được phát hiện như thế nào, ở đâu, do ai, và trong bối cảnh như thế nào. Nhờ vậy, mỗi hiện vật đơn lẻ có được giá trị thông tin cao hơn chính bản thân chúng, và mỗi hiện vật đều có thể cất lên những câu chuyện về quá khứ. Ngoài ra, những người thực hiện cuộc trưng bày còn muốn hướng sự chú ý vào hoạt động khảo cổ học ở Việt Nam nói chung, kích thích những nghiên cứu tiếp theo với những diễn giải mới và niên đại mới.
Đĩa hình rồng thời Lê sơ (hiện vật vớt từ tàu đắm Cù lao Chàm). |
Cuộc trưng bày đã khắc họa đôi nét về các nền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo, Chăm... Nhiều hiện vật trong danh mục Bảo vật quốc gia được xuất ngoại đến các bảo tàng Đức. Góp mặt trong danh mục này có mô hình mộ thuyền Việt Khê với hơn 100 đồ tùy táng. Mộ thuyền này được phát hiện năm 1961 tại Hải Phòng. Đây là mộ táng có giá trị nhất vùng Đông Nam Á vì chứa đựng nhiều đồ tùy táng còn nguyên vẹn như vũ khí, nhạc khí, đồ đựng. Nhiều hiện vật thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 14) thuộc Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, gốm sứ thời Lê sơ (thế kỷ 15) cũng được giới thiệu với công chúng Đức.
Đầu phượng bằng đất nung thời Lý. |
Phòng trưng bày văn hóa Chăm giới thiệu nhiều hình ảnh và một số tác phẩm điêu khắc đá như “Đầu thần Shiva”, có niên đại vào thế kỷ 9, hiện vật được phát hiện ở phế tích Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình); tượng “Thần Shiva đứng”, niên đại thế kỷ 8 - 9, được phát hiện gần tháp A4 trong nhóm tháp A, khu di tích Mỹ Sơn; “Tượng thần Dikpalaka”, thế kỷ 10 - 11, được phát hiện tại nhóm tháp B khu di tích Mỹ Sơn; “Thần bò Nadin”, sư tử, tượng “Asura sinh ra từ miệng Makara”, niên đại thế kỷ 10 - 11, phát hiện tại khu di tích Trà Kiệu... Trong số đó, phải kể đến bức tượng Mukhalinga Mỹ Sơn - là một trong số hai Bảo vật quốc gia hiện hữu tại xứ Quảng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào năm 2014, tượng được phục chế với tỷ lệ 1/1 để trưng bày. Nơi trưng bày dành cho các di vật quý giá của người Chăm được lên ý tưởng thiết kế và thực hiện trong nhiều năm. Khi trưng bày về văn hóa Chăm tại các bảo tàng ở Cộng hòa Liên bang Đức, bên cạnh hiện vật, một mô hình tháp Chăm cao 8m trong cụm tháp Pô Klaong Girai được phục dựng để tạo cho khách tham quan cảm giác như được đi qua ngôi đền thực sự. Ngoài các hiện vật gốc, để phục vụ trưng bày, các bảo tàng ở Đức đã dùng phương pháp đo ảnh số cho ra bản in 3D chân thực sống động.
Đây là lần đầu tiên hiện vật khảo cổ học có một không hai đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia như mộ thuyền Việt Khê, Mukhalinga Mỹ Sơn đã được mang đi triển lãm tại nhiều bảo tàng ở nước ngoài. Cuộc trưng bày hiện vật kéo nhiều năm ở Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam, do vậy, khách tham quan ở châu Âu cũng như du khách đến Việt Nam và công chúng trong nước có đủ thời gian và cơ hội để tìm hiểu về nền văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam.
TẤN VỊNH