Bầy chó đi du học

LÊ QUANG TRẠNG 18/06/2023 14:50

Buổi chiều khi ông mặt trời đang thu dọn ánh sáng để chui vào mùng ngủ, mẹ thủ thỉ với tôi rằng:

- Bầy chó của bác Nghĩa đã được một bà tiên rước đi du học ở nước trời. Bọn nó nhớ con nhiều lắm và nhắn nhủ rằng, khi nào con nhớ chúng, con hãy nhìn lên trời thấy những vì sao, đấy là lúc bầy chó nhìn con bằng ánh mắt sáng như viên bi.

Tôi bàng hoàng hết sức, sao có thể như vậy được. Tôi thấy lòng mình sắp không chịu được nữa, chẳng phải tôi vừa mới khóc hôm kia hay sao, lúc vừa nghe tin bác Nghĩa dự định dắt díu bầy chó về quê, cho chúng được nghỉ hè.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Tôi sắp khóc, đứng nhớ trân trân bao điều sau khi nghe mẹ nói. Nhưng tôi sẽ không khóc, vì nhớ lời bác Nghĩa dặn trước lúc ông về quê, rằng “tụi chó mà biết cháu buồn, bọn nó sẽ không bao giờ nghỉ hè về quê thăm ông bà nữa”. Điều đó làm tôi xúc động lắm, bởi tôi biết niềm vui của một đứa trẻ tuyệt vời nhất là dịp nghỉ hè. Tất nhiên trong ba tháng ngắn ngủi ấy, không có gì thú vị hơn một chuyến về quê thăm ông bà và tung tăng bên mảnh vườn cây lá sum sê rộng mát.

Tôi thường hình dung quê của bọn chó nhà bác Nghĩa cũng thú vị chẳng kém so với quê của ông bà tôi đâu. Bởi bác ấy thường hay tả hàng dừa nhà bác dài ơi là dài, ven một con kinh bát ngát, có mái nhà lá nho nhỏ mà lúc nào cũng có mùi khói tỏa. Khói đó là khói bếp, trong căn bếp thế nào bác gái cũng sẽ vùi vài củ khoai cho lũ trẻ đến chơi nhà. Nghĩ thôi đã đủ thấy thú vị rồi. Hỏi sao tôi lại đành đoạn để tụi chó không về quê nghỉ hè cho được. Thế là vì bạn, tôi sẽ hy sinh, tức là không khóc nữa. Bác Nghĩa xoa đầu tôi nói rằng, sự hy sinh nào cũng đều là điều đẹp đẽ và cao thượng. Một đứa trẻ hiểu chuyện và thương bầy chó như tôi, nhất định là một đứa trẻ ngoan. Bạn thử hình dung, lúc đó tôi đã nở lỗ mũi mình to đến mức nào.

Sáng ngày bác Nghĩa khăn gói cùng bầy chó về quê, tôi đã dành ra những miếng thịt ngon lành nhất trong bữa ăn sáng để cho tụi chó. Mẹ tôi thường dặn, sáng sớm con phải ăn no thì mới có sức cho cả một ngày. Đường về quê của tụi chó chắc còn xa lắm. Tôi vuốt đầu từng đứa một khi bọn nó đã ăn no nê, dặn dò rằng, “tụi bây đừng quá ham chơi, chơi thỏa thích xong rồi còn phải hối bác Nghĩa đưa tụi bây lên đây nữa chứ”. Hôm ấy tụi chó thè lưỡi cười rất vui, chúng nó cứ ngoắt đuôi không thôi cho đến lúc chiếc xe của bác Nghĩa khuất dạng ngoài đầu ngõ.

Tôi không khóc sáng đó, nhưng đến trưa lại nhớ bọn chó vô cùng, lòng bồi hồi, rơm rớm. Mẹ ôm tôi vào lòng an ủi rằng, con không nhớ lời bác Nghĩa dặn hay sao. Tôi nhớ chứ, nhưng không hiểu sao nước mắt lại rơi. Rơi giống hệt như cái lần tôi bị lạc trong một con hẻm lạ. Chiều hôm đó tôi đi cùng con Phèn, là con chó mẹ của cả bầy chó nhà bác Nghĩa, ra sân bóng chơi. Đám bạn chạy theo quả bóng của tôi, giao kèo rằng đứa nào chạm bóng trước sẽ thắng. Tôi đá lăn bóng đi, bóng chạy miết, chạy miết và hồi lâu tôi phát hiện mình đứng ở một nơi xa lạ vô cùng. Tôi hốt hoảng nhìn quanh, mọi thứ vắng hoe, những ngôi nhà im ỉm đóng kín cửa làm tôi càng sợ hơn. Lúc đó con Phèn ngồi thở dốc, thè lưỡi nhìn như muốn hỏi rằng, “bạn ơi, rồi sao giờ”. Tôi cũng đâu biết rồi phải làm sao, tôi khóc, sợ đến mức điếng cả người. Tôi khóc không thôi. Lúc đó con Phèn bỗng nhảy lên, nó muốn an ủi tôi rằng đừng khóc nữa. Điều đó làm tôi bớt đi phần nào sợ sệt. Tôi ngó con Phèn, “Phèn ơi, cứu tao với Phèn ơi”. Bỗng dưng lúc đó Phèn chạy một mạch về phía trước, nó hất trái bóng đi. Tôi không biết con Phèn còn tâm trí chơi bóng lúc này nữa hay sao? Nhưng để nó không bị lạc nữa, tôi chạy theo, không thôi kêu “Phèn ơi, Phèn ơi”. Con Phèn chạy qua ba con hẻm, lách qua một ngôi nhà thì đến đúng nơi đầu dãy trọ nhà tôi. Mừng rơn khi thấy mẹ đang đứng lóng ngóng ngó mình, tôi sà vào lòng mẹ khóc mà vẫn không sao kịp kể rằng, bạn Phèn đã dắt tôi về từ một nơi xa, rất xa.

Từ lần đó, tôi thân thiết với con Phèn hơn. Cho đến lúc nó đẻ ra một bầy con xinh xắn, tôi lại càng thích thú đến nhà bác Nghĩa chơi nhiều hơn. Bầy chó con ngày một lớn, chúng thông minh chẳng khác gì Phèn và thân với tôi chẳng thua gì bạn thân rất thân.

Năm nay tôi được nghỉ hè rất dài, ở nhà quanh quẩn, tôi chơi với bọn Phèn mà thấy mùa hè không hề nhàm chán. Vậy rồi hôm kia, bác Nghĩa sang nhà báo với ba mẹ và tôi rằng, mai bác sẽ dắt bầy Phèn về quê. Nghe xong tôi rất buồn, nhưng bác đã dặn dò tôi những điều rất chí lý, nên sự buồn ấy chỉ thoáng qua một chút mà thôi. Mỗi lần nhớ lời bác Nghĩa, tôi lại hết buồn.

Bây giờ, người ta nói với tôi rằng, bầy Phèn đã bị bọn trộm bắt cắp, có người trong xóm lại bảo là bọn nó bị lạc trên đường về quê. Những đồn thổi ấy tôi chẳng thể nào tin được, ngoài tin mẹ tôi. Mẹ nói rằng bầy chó đã được rước đi du học, không về chơi với tôi thường xuyên nữa. Tôi buồn bã gọi cho bác Nghĩa, tôi muốn khóc thật to. Nhưng bác Nghĩa nói rằng, “bầy chó phải đi học cháu à, tụi nó cũng buồn lắm, nhưng phải đi học thì mới nên người được. Chẳng phải có lúc cháu từng muốn cho tụi nó nói được tiếng người sao”. Nghe bác Nghĩa nói, lòng tôi chợt thấy bớt buồn hẳn ra. Phải rồi, bầy chó phải đi học, để biết được tiếng người. Khi ấy tụi nó sẽ kể cho tôi nghe đủ điều, về hành trình về quê đầy nắng mưa và những chuyện buồn vui. Song tất cả với chúng đều là những trải nghiệm đáng có ở trong đời.

Tối nay tôi không khóc, mà ngó lên bầu trời. Bầy chó của tôi và những bầy chó khác nữa hội tụ ngồi học đông quá. Bạn nào đến lớp cũng mang theo một cái đèn nho nhỏ để thắp sáng chỗ mình ngồi. Tôi ở xa bọn nó một bầu trời, mà vẫn nhìn thấy cái đèn sang sáng ở phía xa. Hôm nay chị Hằng đến lớp, bằng một cái mặt trăng tròn vành vạnh. Mẹ bảo rằng chị Hằng đang dạy cho bầy chó bài học làm người. Tôi tin bầy chó của tôi sẽ học thuộc bài sớm thôi, vì với tôi chúng cũng đâu thua gì một người, người bạn! Nghĩ vậy nên tôi chẳng buồn nữa. Ngoan ngoãn mở quyển sách “Những tấm lòng cao cả” ra, tôi cũng học.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bầy chó đi du học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO