Bây giờ con ở đâu?

HÀ AN 25/12/2018 03:27

1. Trời đã về chiều, những con chim lạc đàn, hớt hải bay về tổ. Ông Tư đứng ngắm đất trời - buổi chiều nào cũng giống như buổi chiều nào nhưng sao ông thích ngắm mãi không biết chán. Cảnh của hoàng hôn nó giống như cái tuổi về già của ông, nhiều lúc ông muốn quên đi, nhưng nó bắt ông phải suy nghĩ, phải buồn, phải nhớ.

Còn ba hôm nữa là đến ngày giỗ thằng Hai - đứa con trai đầu lòng và cũng là duy nhất của ông - nó đã hy sinh. Tính từ ngày nó mất đến nay đã hơn 40 năm, thế mà ông cũng chưa được một lần thắp hương lên mộ con, không biết con của ông đang nằm yên nghỉ chốn nào...

Ngày giải phóng, mọi người, mọi nhà háo hức đón người thân trở về, ông cũng nằm trong tâm trạng ấy... Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng,... cũng chẳng thấy con ông trở về, ông cứ nghĩ thằng này đánh giặc tận đẩu tận đâu mà quên ông đang nóng ruột mong chờ. Ông cứ cả nghĩ, chắc nó giỏi quá nên chỉ huy giữ nó lại, giải phóng rồi, trăm việc làm chớ chẳng chơi. Cũng như ông sau cái ngày lịch sử ấy, nào là việc cách mạng giao, công việc sau chiến tranh tràn ngập trên đầu. Ông phải còn làm lại cái nhà cho nó tươm tất một chút - vườn tược chẳng còn gì để thằng Hai nó về...

Mới đó mà đã 5 tháng rồi, bây giờ ông nóng ruột thật sự, phải chạy lên huyện mà hỏi cho ra nhẽ, mà đơn vị nó bây giờ ông cũng không nhớ rõ nữa, thằng này mà về ông sẽ chửi cho nó một trận về cái tội quên tổ, quên tông, sao mà nó giống cái tính của ông đến vậy, tất cả chỉ cho cách mạng mà thôi.

Ơ kìa! Ai mặc đồ bộ đội vào nhà mình thế này. Ông lấy tay che mắt, chắc là thằng Hai chớ còn ai nữa?!

- Con chào bác ạ!

- Ờ... tôi chào chú, thế mà tôi cứ tưởng...

Người chỉ huy ấy nói những gì, ông không còn tin vào tai mình nữa. Ông chỉ ôm tờ giấy báo tử vào lòng, giống như đang ôm con, để nghe được hơi ấm của con. Ông cứ ngồi thẫn thờ, kỷ niệm về đứa con trai cứ ùa vào lòng ông.

Hai vợ chồng hiếm muộn, chỉ có mỗi mụn con, ông rày mai đi kháng chiến, nhớ con, lén lút đêm hôm về chỉ kịp nhìn con ngủ, rồi lại đi. Nó là một thằng con trai thông minh, lanh lẹ, mới 14 tuổi đã làm giao liên cho cách mạng, nó giống như con thoi, thoắt ẩn, thoắt hiện. Cơ sở bị lộ, nó xung phong đi bộ đội khi mới 16 tuổi, lên huyện đội, thấy cu cậu còn nhỏ quá, mọi người bảo nó về, nhưng nó nhất quyết không chịu. Nó bảo ở đây còn có cơ hội được gặp cha.

Thế mà, suốt mấy năm trời hai cha con giống như “Nam Tào, Bắc Đẩu”, dấu chân của cha - con cứ giẫm lên nhau mà chưa một lần giáp mặt.

Giấy báo tử chỉ vỏn vẹn mấy dòng “Liệt sĩ Phan Thanh Thọ - chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - hy sinh năm 1973 - tại địa phận xã Sơn - Cẩm - Hà, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Đà”.

Ông đi gặp đồng đội cũ của con, đồng đội kể rằng, trong một trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù, anh bị thương nặng, đôi chân bị bom xắn đứt, máu ra nhiều quá và anh đã hy sinh bên bờ sông Tiên.
Ông và những người đồng chí của con đã không biết bao nhiêu lần đi dọc bờ sông Tiên, qua bao nhiêu địa danh Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Cẩm... Ở đâu có nguồn tin, có một chút manh mối ông đều tìm đến, nhưng cỏ, cây, hoa, lá, con người như thay đổi từng giờ, từng phút. Sông Tiên ngàn dặm, dài thăm thẳm, dấu chân ông in hằn trên đá, mòn mỏi tìm con trong hy vọng. Đôi bờ sông Tiên, nước cứ chảy ngược dòng, còn ông nước mắt lại chảy vào trong, thấm vào tim ông, làm tim ông nhức nhối.

2. Ông có đứa cháu gái học trên tỉnh, nó biết đủ điều, mỗi lần nó về là đem niềm vui đến cho ông, nhưng có một điều làm ông có sức lực, thêm hơi thở để mà sống. Cháu ông bảo: “Bây giờ cả xã hội cùng chung tay đền ơn đáp nghĩa, mộ anh Hai rồi sẽ tìm ra. Con đã gửi thông tin của anh Hai đi khắp mọi nơi, con đã tìm được người chỉ huy trận đánh năm đó và con đã tìm được một nhà ngoại cảm... Bác cứ tin ở con”.

Và ông cứ chờ đợi và hy vọng. Ông thường mơ thấy con, một chàng trai trong bộ quần áo bộ đội nhanh nhẹn, hoạt bát tươi cười. Chàng trai lao về phía ông, ông ôm riết con vào lòng, mùi da thịt của nó lẫn mùi khét từ bom đạn... Nhưng từ xa, một loạt đạn từ phía kẻ thù vun vút về phía con ông, ông hét lên “Xuống hầm! Xuống hầm!”. Nhưng không kịp nữa rồi, máu thấm vào ngực áo, hai bàn tay ông đầy máu, hét lên “Con ơi! Hai ơi!”…

Ông chỉ mong là giấc mơ mà sao không phải là giấc mơ đẹp, mà là những giấc mơ khủng khiếp như thế này. Ông đứng dậy, với tay thắp hương thì thầm với con “Thọ ơi! Bây giờ con ở đâu,  ba  sẽ còn một chút sức tàn này để đi tìm con, dù đó là nấm mồ hoang, nhưng đó là nơi con yên nghỉ”.

Ông bị di chứng của những trận đòn, cộng với nỗi đau mất con, ông sống nửa thực, nửa mơ. Ông mắc chứng bệnh hoang tưởng, nắm đất ông lấy ở bờ sông Tiên năm nào, ông xem như đó là hình hài của con mình, cứ hằng đêm ông thì thầm to nhỏ, trò chuyện, tỉ tê với con. Ông đi lang thang vô định, gặp ai trạc tuổi con ông, ông lại vồ lấy ôm chặt vào lòng, vuốt ve, cưng nựng...

Ngày giỗ của con, ông biết lấy ngày nào? Ngày báo tử ư? Không đúng. Ngày hy sinh ư? Chắc không. Ngày rằm, ngày mùng một? Ngày 22.12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam?... Cuối cùng ông chọn ngày 27 tháng 7 - Ngày Thương binh liệt sĩ. Ông nhờ người họa sĩ già chắp nối hình ảnh về đứa con trai mà họa nên bức hình của chàng trai 17 tuổi, trong bộ quân phục người lính Cụ Hồ.

Và đêm ni ông trằn trọc mãi không ngủ được, mai là ngày giỗ của thằng Hai mà ước nguyện được một lần thắp hương trên mộ con mà vẫn chưa thành... Rồi ông chợp mắt lúc nào không hay. Ông mơ thấy mộ thằng Hai nằm trang nghiêm trong Nghĩa trang liệt sĩ xã nhà, bên mộ nó toàn là hoa và người.

HÀ AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bây giờ con ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO