Bảy ngày vắng ông Táo, ai coi ngó trần gian?

HỒ TRUNG TÚ 12/02/2018 20:13

Ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp và đến tối 30 thì nhà (hộ) mới có ông táo mới, 7 ngày vắng ông Táo mọi thành viên trong nhà đó ai theo dõi, coi ngó chuyện lành dữ tốt xấu? Thì ra ở đây ông bà ta có hẳn một minh triết vô cùng nhân văn mà ít người để ý!

Bên bếp lửa hồng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bên bếp lửa hồng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tục thờ cúng ông Táo hay Vua Bếp, Thần Lửa là một tập tục tín ngưỡng có từ thời cổ và thay đổi liên tục trong lịch sử của từng tộc người. Theo sách “Lục tạng tôn kinh” thì Táo chuyên ghi chép việc lành dữ ở trần gian đến ngày 24 tháng chạp đem mọi việc ở trần gian tâu lên Thiên Táo để định họa phúc cho từng người về sau.

Ông Táo về trời

Hai mươi bốn tháng chạp là ngày vía Triều thiên. Người ta tin là Táo khởi hành đi chầu Trời vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng 24 tháng chạp nên lễ cúng tiễn thường tổ chức vào đầu hôm ngày 23, cúng xong thì dọn sạch bàn thờ ông Táo xuống chùi rửa, ông đầu rau thì sáng hôm sau đem ra đặt ở cây đa đầu làng hoặc ký thác vào hè sau của đình miếu nào đó gần nhà. Suốt bảy ngày sau đó người không phải thắp hương ông Táo, thậm chí có nơi bàn thờ gia tiên cũng được dọn rửa lau chùi và không thắp hương suốt mấy ngày này cho đến khi có lễ cúng rước ông bà về ăn tết.

Đến đêm 30 tháng Chạp (tháng thiếu thì tới 29) người ta cúng rước ông Táo về lại với gia đình. Ông Táo này là ông Táo mới hoàn toàn, một vị quan mới với nhiệm sở mới nên đêm 30 sau khi xong hết mọi việc thì người ta cũng thay ông đầu rau mới. Đây cũng là một triết lý nhân văn khá sâu sắc. Con người ta không thể sống mãi với một người cai trị mình, không thể sống với người coi ngó xét nét mình cả đời không thay đổi, thật khổ tâm khi đã nhỡ gây sự với sếp lớn mà rồi vĩnh viễn sống với sếp đó đến hết đời! Việc thay một Táo mới vì thế như một trang mới, một giai đoạn mới mà những gì cũ kỹ đã bỏ lại đàng sau, không còn ám vào những ngày mới nữa. Đó thực sự là một cảm giác dễ chịu và cần thiết cho cuộc sống mà nếu kéo dài mãi vẫn không có một niềm hy vọng nào mới mẻ phía trước.

Sang đến sáng ngày 24 thì căn nhà không còn ai coi ngó về mặt tâm linh nữa, ông Táo đi vắng cũng có nghĩa là suốt bảy ngày kế tiếp mọi việc xảy ra trong hộ sẽ không bị ghi chép, theo dõi, phán xét nữa. Đó thực sự là bảy ngày con người được tự do không bị ràng buộc bởi bao lễ nghi, giềng mối mà con người phải tuân giữ trong mọi lúc.

Trần gian tự do

Hãy thử hình dung, cuộc sống con người bị ràng buộc bởi bao nhiêu là thứ từ các quan hệ xã hội cho đến các mối liên hệ với thế giới tâm linh, người khuất mặt. Từ Tam cang ngũ thường, Tam tòng tứ đức cho đến mỗi ngày phải kính lễ chư Thần chư Phật, chư Thiên, chư Thánh, cha mẹ ông bà, tổ tiên đã khuất núi cũng dõi theo từng bước chân, họ như luôn ở quanh mình và cả ở trong mình; họ luôn dõi mắt theo mỗi người trong từng hành vi, thậm chí trong từng suy nghĩ một; mỗi sự thất lễ bất kính, mỗi suy nghĩ tà dâm bất thiện, thậm chí chưa hành động, cũng đều ghi vào sổ “Nam Tào” của ông Táo để rồi được tâu lên trời mà định họa phúc về sau. Cho nên con người sống theo đúng lễ giáo là giống như người lính quanh năm đứng nghiêm, ruồi muỗi vo ve trong lỗ mũi lỗ tai cũng không được xua tay đuổi! Suốt cuộc đời, suốt năm như thế thì quả là căng thẳng thật. Chính vì vậy mà ông bà ta có bảy ngày được buông tay xuống để “gãi ngứa” mà không bị buộc vào tội gì.

Và ở đây chúng ta chợt nhận sự đồng dạng của lễ hội Tết với các lễ hội khác trên khắp thế giới. Như một cái nồi hơi cần có chỗ xì áp suất mà ta hay gọi là xả sú páp, phần lớn lễ hội là một không gian đặc biệt ở đó con người được xả xú páp, mọi quy chuẩn đạo đức tập quán luật lệ được gạt qua một bên; thoát ra mọi quy chuẩn của cuộc sống hằng ngày để con người buông xả, quay lại với lối sống nguyên sơ bản năng của mình rồi sau đó lại quay về với các chuẩn mực nghi thức cũ. Lễ hội ngày nói dối; lễ hội thằng gù lên làm vua tức người bình thường được một ngày có quyền uy lớn nhất và vua phải đi chỗ khác chơi; lễ hội hóa trang ngày đó không ai biết ai và rõ ràng người ta cũng có thể làm được nhiều thứ mình mơ ước mà bình thường không ai dám làm...

Tết của mình cũng vậy, ngoài chuyện xả xú páp về chuyện ăn uống (vốn quanh năm thiếu ăn, ngày 30 tết thịt treo trong nhà, tết là ngày thức ăn thừa mứa, vừa ăn vừa đổ bỏ, đi đâu cũng được ăn,… âu đó cũng là mơ ước chính đáng của người sống trong trạng thái đói quanh năm như xã hội Việt Nam ta thời cổ) thì bảy ngày không ông Táo này cũng là một dạng xả xú páp khác về mặt nghi thức tâm linh vậy. Bảy ngày đó con người có thể không phải thắp hương từng chỗ một trong nhà, có thể dỡ hết bàn thờ gia tiên xuống để chùi rửa, thậm chí có thể trèo lên cả bàn thờ để sửa mái nhà hoặc làm gì đó mà không phạm phải tội bất kính. Đây cũng là những ngày con người không phải dỡ mũ nón khi đi qua đình, miếu thành hoàng; không phải xuống ngựa khi thấy chữ hạ mã ở văn miếu hoặc các đền đình khác.

Bảy ngày không ai coi ngó liệu có khiến con người buông thả làm điều xằng bậy không? Thật ra thì với người nghiêm cẩn thì bảy ngày đó chỉ là sự giải lao không hơn không kém, còn người đã có lối sống không nghiêm cẩn quanh năm, làm điều bất thiện quanh năm thì bảy ngày đó quả không nghĩa lý gì; họ đâu cần bảy ngày đó để làm điều xằng bậy. Phải không?

HỒ TRUNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảy ngày vắng ông Táo, ai coi ngó trần gian?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO