(QNO) - Chiếc máy bay phản lực Supersonic - được mệnh danh là “tên lửa có cánh”, có thể đưa du khách từ New York (Mỹ) đến Trung Quốc chỉ trong 2 giờ.
Tờ The Sun đưa tin Công ty Vận tải không gian Trung Quốc đang thực hiện dự án đưa phương tiện giao thông tốc độ cao là máy bay siêu thanh vào vận hành thương mại. Mục tiêu của loại phương tiện này là cung cấp vận chuyển nhanh chóng giữa 2 điểm đến thông qua du hành dưới quỹ đạo, đồng thời có thể tái sử dụng hoàn toàn.
Công ty cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Supersonic với thiết kế 12 chỗ ngồi, sẽ có chi phí thấp hơn tên lửa mang vệ tinh và nhanh hơn máy bay truyền thống.
Trang web của công ty có một video giới thiệu dự án. Theo như mô tả trong video, sau khi cất cánh thẳng đứng, 2 tên lửa đẩy máy bay theo phương thẳng đứng sẽ tách ra khi nó đạt đến độ cao hành trình. Máy bay sẽ hạ cánh bằng 3 chân theo phương thẳng đứng, sử dụng cấu trúc chân máy tương tự như cấu trúc chân máy được sử dụng trong tên lửa SpaceX.
Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2023. Chuyến bay chính thức đầu tiên được lên kế hoạch vào một năm sau đó với một chuyến bay có phi hành đoàn vào năm 2024.
Theo công ty được thành lập vào năm 2018 này, một chuyến bay thử nghiệm cho phương tiện vũ trụ có phi hành đoàn hoặc quỹ đạo toàn cầu cũng đang được lên kế hoạch vào năm 2030.
Công ty Vận tải không gian Trung Quốc thông báo vào tháng 8.2021 rằng 46 triệu USD đã được huy động cho các kế hoạch máy bay siêu thanh và nhiều cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên các phương tiện Tianxing 1 và Tianxing 2 của hãng.
Chuyến bay thử nghiệm thứ 10 được thực hiện vào ngày 23.1, tuy nhiên thông tin chi tiết về các chuyến bay này còn hạn chế, có thể do tính chất nhạy cảm của công nghệ siêu thanh.
Các cuộc thử nghiệm phóng bí mật đối với các phương tiện bay trên quỹ đạo và dưới quỹ đạo đã được thực hiện vào năm 2020 và 2021 bởi nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc là Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC).
Các dự án phương tiện siêu thanh tương tự khác đang được tiến hành trên khắp thế giới. Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson đã thực hiện chuyến bay dưới quỹ đạo với đầy đủ phi hành đoàn của VSS Unity vào tháng 7.2021, chở ông cùng các hành khách khác.
Trong khi đó, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã giới thiệu một khái niệm vào năm 2017 có tên “Earth to Earth”, ban đầu được hình thành để đưa hành khách lên sao Hỏa. Earth to Earth được thiết kế như một phương tiện vận chuyển hành khách từ thành phố này sang thành phố khác bằng cách sử dụng tên lửa Starship.
CAC Space - một công ty hàng không vũ trụ thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cũng đang tạo ra dịch vụ du lịch dưới quỹ đạo của riêng mình. Phương tiện này sẽ sử dụng một hệ thống tên lửa tương tự như hệ thống được tạo ra bởi Công ty Hàng không vũ trụ Blue Origin của người sáng lập Amazon - Jeff Bezos.