Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, mô hình dạy bơi theo cụm trường tại thị xã Điện Bàn đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Trẻ em, học sinh hào hứng tham gia các lớp học bơi tại các bể bơi xây dựng theo mô hình cụm trường tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. |
Phổ cập bơi lội
Công trình bể bơi tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Điện Thắng Bắc) được thị xã đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 5.2014. Công trình không chỉ dành riêng cho học sinh nhà trường và con em sinh sống, học tập trên địa bàn xã Điện Thắng Bắc mà còn là bể bơi dùng phục vụ toàn thể học sinh, trẻ em trên địa bàn các xã lân cận. Đến nay, có gần 500 học sinh, trẻ em địa phương được huấn luyện dạy bơi thành thục. Cùng được xây dựng theo mô hình này, công trình bể bơi tại Trường THCS Lê Đình Dương (xã Điện Quang) cũng được tổ chức khai thác khá hiệu quả trong thời gian qua. Đây là công trình phục vụ cho học sinh 3 xã vùng trũng nhất Điện Bàn. Từ khi có bể bơi, không chỉ trẻ em, mà cán bộ, giáo viên và người dân địa phương tỏ ra hết sức phấn khởi vì con em, học sinh có điều kiện thuận lợi để tham gia học bơi và rèn luyện thể dục, thể thao. Tuy chỉ mới đưa vào khai thác gần 1 năm, bể bơi này cũng đã kịp thời mở được hàng chục khóa học, với tổng số gần 100 trẻ em tham gia.
Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn, việc xây dựng được các bể bơi theo mô hình cụm trường học là một nỗ lực của ngành GD&ĐT và chính quyền thị xã nhằm ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em, từng bước thực hiện phổ cập bơi cho học sinh trên địa bàn. “Mục tiêu này thực sự mang một ý nghĩa nhân văn khi mà phần lớn địa bàn các xã trên địa bàn thị xã đều là vùng thấp trũng, lũ lụt thường xuyên xảy ra, kèm theo số lượng ao, hồ, sông suối chằng chịt… luôn là những mối nguy hại rình rập, có thể cướp đi mạng người bất cứ lúc nào”- ông Ngọc chia sẻ.
Theo nhiều cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn, việc triển khai xây dựng bể bơi theo mô hình cụm trường là một giải pháp hay, góp phần thực hiện phòng, chống đuối nước ở trẻ em, vì thực tế lâu nay việc học bơi lội của các trường hầu như chỉ mang tính lý thuyết, ít thực hành. Thầy Ngô Văn Nhớ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Bắc) cho rằng, việc xây hồ bơi theo cụm trường là hợp lý vì nếu thực hiện xây dựng ở mỗi trường 1 bể bơi chắc chắn sẽ không đủ kinh phí thực hiện, trường hợp có kinh phí xây dựng thì bể bơi cũng khó phát huy hết công năng sử dụng vì số lượng học sinh tham gia học bơi cũng như chương trình dạy bơi của mỗi nhà trường có hạn. Do đó, đầu tư xây dựng bể bơi theo cụm trường trở thành một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết những bất cập, hạn chế trong xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng bể bơi, cũng như việc huy động trẻ em, học sinh đến học bơi trong trường học.
Nhân rộng mô hình
Theo kinh nghiệm triển khai xây dựng bể bơi theo cụm trường tại huyện Điện Bàn, bể bơi được chọn xây dựng tại 1 trường nằm trong vị trí trung tâm khu vực có nhiều trường học đóng chân. Hiện các công trình bể bơi này vừa được sử dụng để huấn luyện, dạy bơi cho học sinh trong nhà trường, chủ yếu thuộc các khối lớp 3, 4 ,5 bậc tiểu học và học sinh lớp 6, 7 bậc THCS. Để đảm bảo cho bể bơi hoạt động tốt và hiệu quả, mỗi bể bơi đều có một ban quản lý do UBND thị xã thành lập, chịu trách nhiệm giúp hiệu trưởng trường có bể bơi quản lý toàn bộ hoạt động. Giáo viên, huấn luyện viên dạy bơi là giáo viên dạy thể dục và người có chuyên môn, nghiệp vụ về bơi lội có giấy chứng nhận. Còn nhân viên y tế, kế toán, bảo vệ, cộng tác viên đều do nhân viên chuyên trách của các trường học kiêm nhiệm thực hiện. Kinh phí chi trả được thực hiện theo ngân sách nhà nước phân bổ và kinh phí từ nguồn thu phí của người tham gia học bơi và tập luyện.
Với những hiệu quả mà mô hình bể bơi theo cụm trường mang lại, ngành GD&ĐT Điện Bàn đang tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND thị xã đầu tư xây dựng thêm các bể bơi tại các khu vực còn lại nhằm tạo điều kiện để tất cả học sinh, trẻ em được tiếp cận với các lớp huấn luyện và dạy bơi. Ông Nguyễn Tấn Ngọc nhìn nhận, sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu học bơi của con em, học sinh địa phương, hiện nay có 3 vấn đề khó khăn nhất. Đầu tiên do địa bàn các trường phân bố rộng trong khi số lượng bể bơi còn ít nên việc đi lại của học sinh chưa thuận lợi. Công tác tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng chống nạn đuối nước trong quần chúng chưa cao nên trình độ nhận thức của người dân về ích lợi của việc học bơi còn hạn chế. Ngoài ra, kinh phí để duy trì, vận hành bể bơi và chi trả tiền lương, trợ cấp cho giáo viên, nhân viên còn thiếu. “Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này, ngành GD&ĐT đề xuất với lãnh đạo thị xã miễn phí hoàn toàn cho đối tượng trẻ em, học sinh tham gia các khóa huấn luyện và học bơi vì nguồn tiền thu phí của người học trong thời gian qua so với kinh phí phải bỏ ra vận hành bể bơi không đáng kể, lại tạo rào cản cho người dân và con em, học sinh đến tham gia học bơi. Nếu thực hiện điều này thì mỗi năm UBND thị xã sẽ phải chi trả thêm 50 - 60 triệu đồng cho công tác vận hành bể bơi nhưng lợi ích và giá trị nhân văn mang lại cho người dân và con em địa phương là rất to lớn” - ông Ngọc nói.
T.ĐẠI - K.LINH