Bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017: Tôn vinh và kết nối di sản

Tin, ảnh: TR.DŨNG - M.HẢI - TH.CÔNG - V.LỘC - H.NGUYỄN 14/06/2017 22:51

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017

(QNO) - Tối nay 14.6, sau một tuần liên tục diễn ra nhiều hoạt động ở nhiều địa bàn của tỉnh, Festival Di sản Quảng Nam 2017 với chủ đề "Hành trình kết nối di sản" đã khép lại. Lễ bế mạc diễn ra lúc 20 giờ tại TP.Hội An với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại biểu lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Ủy ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, đại biểu các tổ chức quốc tế, các đại sứ quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế, đại biểu lãnh đạo các sở VH-TT&DL trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam. Ngoài ra còn có đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật, vận động viên các đoàn thể thao trong và ngoài nước.

Sân khấu được dựng ngay trên sông Hoài, với hệ thống ánh sáng, trình chiếu hiện đại
Sân khấu được dựng ngay trên sông Hoài, với hệ thống ánh sáng, trình chiếu hiện đại. Ảnh: THÀNH CÔNG

Phía Quảng Nam, tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đồng chí nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, Mặt trận, hội đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam 2017 phát biểu tại lễ bế mạc.
Đồng chí Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam 2017 phát biểu tại lễ bế mạc.  Ảnh: MINH HẢI

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam 2017 cho biết festival này đã tiếp nối được thành công của các kỳ festival trước. Qua đó tạo ra cơ hội để quảng bá hình ảnh Quảng Nam giàu tài nguyên về du lịch, một điểm đến đậm đà bản sắc văn hóa, một thiên đường du lịch biển, đảo của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: MINH HẢI
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: MINH HẢI

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao festival lần này với nhiều hoạt động đa dạng văn hóa, thể thao đặc trưng của Quảng Nam. Nổi bật là việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm tơ lụa truyền thống của vùng đất Duy Xuyên, sâm Ngọc Linh Trà My, hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá riêng có của Quảng Nam và khu vực miền Trung, trình diễn các nghi thức văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam…

Theo Phó Chủ tịch nước, thành công của festival năm nay chính là việc Quảng Nam đã biết huy động nỗ lực tham gia của cộng đồng và xã hội. Nhiều hoạt động  mang tính xã hội hóa cao. Đây là hướng đi đúng trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật để làm nên thương hiệu Quảng Nam. Phó Chủ tịch nước mong muốn, tin tưởng Quảng Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát huy thương hiệu Festival Di sản Quảng Nam. Đồng thời nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thiết thực hơn nữa, thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Quan tâm chọn lọc để quảng bá những đặc trưng về văn hoá, ẩm thực, những sản phẩm du lịch đặc sắc do chính con người xứ Quảng tạo nên, để ngày càng thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế, góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.

Tiết mục trình diễn đậm sắc màu di sản trong lễ bế mạc
Tiết mục trình diễn đậm sắc màu di sản trong lễ bế mạc. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Chương trình nghệ thuật ngay sau lễ bế mạc kết nối xuyên suốt trên nền diễn xướng các làn điệu dân ca, ca khúc, tổ khúc, dân vũ và sân khấu hóa trong đêm bế mạc tại Hội An. Đó là câu chuyện về huyền thoại sông Mẹ Thu Bồn qua những địa danh văn hóa, tâm linh, làng nghề xuôi về phố cổ Hội An… ra biển rộng với những bãi cát mênh mông được kể bằng một chương trình nghệ thuật ấn tượng “Thu Bồn - dòng sông di sản”. 

Tái hiện Chúa Nguyễn Hoàng theo dòng Thu Bồn tìm đất cho dan  trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm
Tái hiện hoạt cảnh chúa Nguyễn Hoàng theo dòng Thu Bồn tìm đất cho dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: MINH HẢI

Sân khấu bế mạc dựng giữa dòng sông chảy qua phố cũ. Không gian cách điệu bằng biểu tượng dãy núi hùng vĩ và dòng sông chảy quanh. Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng ấn tượng, dễ dàng đưa khán giả đắm chìm suy tưởng trên dòng sông di sản với những ca khúc về sông mẹ, nhạc múa dòng chảy văn hóa từ vũ nữ apsara, ca cảnh chuyện tình Bà chúa Tằm Tang, điệu hò trên sông nước.

Sân khấu hóa dòng sông tâm linh huyền ảo hay lung linh đêm Hội An và dòng sông hội ngộ với dân ca bài chòi, song tấu trống của Seojanggu của đoàn nhạc cụ dân tộc Nan-gye, tỉnh Chungcheongbukdo (Hàn Quốc) hay gặp những cô gái Phù Tang trên phố cổ qua điệu luân vũ “mùa hoa anh đào”… đã tạo cho khán giả nhiều cảm xúc khác nhau.

Tiết mục múa Chăm độc đáo được sân khấu hóa trong lễ bế mạc
Tiết mục múa Chăm độc đáo được sân khấu hóa trong lễ bế mạc. Ảnh: THÀNH CÔNG

Chương trình nghệ thuật đặc sắc này đã chính thức khép lại một festival đầy ấn tượng với biên độ trải rộng trên khắp Quảng Nam từ miền biển, đồng bằng, miền núi kéo dài từ ngày 9 đến hết 14.6. Với chủ đề “Hành trình kết nối di sản”, festival là nơi gặp gỡ của hơn 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, vận động viên, nhà khoa học, doanh nhân đến từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó có 22 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch đặc sắc, phong phú, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn, gặp gỡ quốc tế nhằm tìm giải pháp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, phát triển du lịch Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Một hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản do UNESCO bảo trợ đã ra "Tuyên bố Hội An", thể hiện mối quan tâm chung trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế xã hội, làm cho di sản thực sự ở trong tim và trong tay mỗi người.

Hát hòa khoang đối dáp trên sông của xứ Quảng
Trình diễn hò khoan đối đáp. Ảnh: MINH HẢI

Tin, ảnh: TR.DŨNG - M.HẢI - TH.CÔNG - V.LỘC - H.NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017: Tôn vinh và kết nối di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO