Kéo dài gần một tuần, chiều nay (2.2), Hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam 2015 sẽ kết thúc. Hội chợ đã tạo ra kênh quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm tết nhưng vẫn còn vài “hạt sạn” khiến người tiêu dùng chưa hài lòng, nhất là tình trạng hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện.
Kênh giới thiệu sản phẩm
Hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam 2015 được đánh giá là sự kiện kinh tế thương mại đáng chú ý trong những ngày cuối năm. Theo ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và hỗ trợ công nghiệp tỉnh, Phó ban tổ chức hội chợ, trong suốt 7 ngày diễn ra hội chợ, người dân được thỏa sức mua sắm trong không gian rộng rãi, các gian hàng được bố trí khá phù hợp, tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán. Môi trường, cảnh quan được nhân viên lẫn chủ gian hàng, người mua có ý thức giữ gìn hơn những lần hội chợ trước.
Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam 2015. Ảnh: C.T.A |
Hội chợ quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng khá tốt và hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Tiến - chủ gian hàng trầm hương Ngọc Hân (TP.Tam Kỳ), qua mỗi lần hội chợ, khách hàng của cơ sở bà lại tăng thêm do người tiêu dùng có nhiều cơ hội, thời gian tìm hiểu, nhận biết đâu là sản phẩm trầm hương sạch, không gây độc hại đến sức khỏe trong hàng loạt sản phẩm trầm hương đến từ các huyện có truyền thống làm trầm hương như Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn…. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở phù hợp với nhu cầu sử dụng ngày tết nên phải liên tục về lấy thêm hàng ra bán tại hội chợ. Hay các sản phẩm từ rừng núi của gian hàng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tây Giang như ba kích, đẳng sâm, mật ong, ớt rừng… cũng được nhiều khách hàng chọn mua, tìm hiểu. Anh Bling Nốt – chuyên viên Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết, đem đi 30kg ba kích tươi, hơn 22kg đẳng sâm, hơn 10 lít mật ong rừng… nhưng bán hết veo trong ba ngày đầu diễn ra hội chợ. “Nhiều người tiêu dùng dưới đồng bằng cho rằng, họ nghe giới thiệu nhiều các sản phẩm của núi rừng miền tây đất Quảng nhưng do điều kiện nên không thể mua dùng. Giờ có sản phẩm thật tại gian hàng, có người tranh thủ mua để dùng hay đem tặng. Họ rất muốn chúng tôi tìm cách đưa sản phẩm của đồng bào miền núi tiếp cận về đồng bằng nhiều hơn nữa” - anh Bling Nốt nói.
Các sản phẩm của các gian hàng rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), sản phẩm rượu nấm Linh Hương, cây ăn quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) mới “chào sân” đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Điểm đặc biệt tại hội chợ lần này có gian hàng phân biệt hàng giả, hàng thật do Chi đoàn thanh niên Sở Công Thương đảm trách. Tuy số lượng mẫu hàng giả hàng thật khá ít như dầu gội đầu, bột ngọt, máy tính, thiết bị âm thanh… nhưng người dân đã có cơ hội hiểu thêm mức độ tinh vi của kẻ gian khi làm nhái, làm giả hàng hóa. “Khi mới nhìn sản phẩm hàng giả, hàng thật xếp kề nhau, thực sự tôi không nhận biết chính xác đâu là hàng giả, thật. Phải nhìn vào bản hướng dẫn phân biệt bên cạnh, tôi mới nhận ra rằng, không thể chủ quan khi mua hàng mà cần phải soi xét kỹ sản phẩm muốn mua, thường xuyên cập nhật thông tin về hàng giả, hàng thật để tránh rước họa vào thân” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), chia sẻ.
Vài “hạt sạn”
Dù được đánh giá khá thành công nhưng hội chợ lần này vẫn còn vài “hạt sạn” khiến nhiều người tham gia chưa hài lòng. “Phải nói rằng, hội chợ là hoạt động thường niên, lại ở thành phố tỉnh lẻ nên muốn tìm cái mới trong mỗi kỳ hội chợ là điều rất khó khăn, cần cảm thông cho ban tổ chức. Nhưng hội chợ năm nào cũng như năm nào, chừng đó món bánh tráng Đại Lộc, chổi đót Quế Sơn, trầm hương Tiên Phước, Nông Sơn, bàn ghế gỗ thủ công mỹ nghệ của một vài doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chấm hết. Năm nào cũng thế nên chán chả muốn đi hội chợ sắm tết” - bà Thanh Hiệp (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn) nói. Sự chán ngán của nhiều người đối với hội chợ thường niên còn ở việc hàng hóa ở nhiều gian hàng không đáp ứng được nhu cầu của người dân mua sắm tết. “Không biết ban tổ chức ham số lượng hay vì lý do gì mà có quá nhiều gian hàng quần áo may sẵn, túi xách chất lượng kém, không như mong đợi. Biết là hội chợ phục vụ cho nhiều đối tượng, nhưng khi nó diễn ra ngay tại trung tâm TP.Tam Kỳ - nơi số lượng người dân có nhu cầu mua sắm đồ đẹp, chất lượng cao tương đối lớn nhưng quần áo bày bán trong các gian hàng đường may không đẹp, chất liệu vải không tốt” - bà Nguyễn Thị Truyền (thôn 7, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) bày tỏ sự thất vọng sau khi dạo một vòng hội chợ.
Bên cạnh đó, trong khi các cơ quan chức năng đang vận động người dân tìm hiểu, mua và sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ nhãn mác thì tại hội chợ vẫn còn xuất hiện nhiều loại hàng hóa mù mờ thông tin xuất xứ. Tại gian hàng bánh kẹo cao cấp Bình Chi có địa chỉ số 6 Đỗ Đăng Tuyển, TP.Tam Kỳ và Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội bày bán nhiều loại thực phẩm bánh kẹo, miến… Tuy nhiên, trên kệ hàng có sản phẩm kẹo dẻo nhãn ghi “Bánh kẹo cao cấp Thanh Thảo, tem đảm bảo chất lượng, ngày sản xuất 19.12.2014. Hạn sử dụng 9 tháng”, không hề có thông tin công bố tiêu chuẩn chất lượng, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép. Quần áo trên nhiều gian hàng giá khá rẻ, có ghi nhãn “Made in Viet Nam” hay túi xách nhái các thương hiệu lớn được bày bán tại hội chợ… Khách hàng và người tiêu dùng cho rằng trong khi cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên dùng sản phẩm nhái, giả thì những mặt hàng này được bày bán tại hội chợ đã vô tình tạo cơ hội để các loại hàng hóa này xâm nhập thị trường một cách công khai.
CHIÊU THỤC ANH