(QNO) – Sáng 11.5, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung các đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính trị; bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Vượng vào Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đồng chí dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các đề án, báo cáo. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị.
Tổng Bí thư đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được:Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, qua trao đổi, thảo luận, Trung ương nhấn mạnh, củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, chồng chéo; biên chế vẫn phình to; chất lượng cán bộ, công chức chậm được nâng cao; hoạt động của toàn hệ thống có những khâu chưa thông suốt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao... Trung ương yêu cầu, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.Hội nghị nhất trí cho rằng, tiếp sau Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, việc lần này Trung ương bàn và ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Bởi chỉ có làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng thì Đảng mới có sức mạnh. Để thực hiện yêu cầu đó, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. |
Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư đã hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo. Đồng thời, ghi nhận, biểu dương Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân; tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, giải trình các góp ý xây dựng để hoàn thiện thêm một bước dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, Trung ương cho rằng, đây là 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau. Để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển những lĩnh vực này, trước hết, cần nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xem xét, giải quyết các vấn đề phải dựa trên những nguyên tắc của phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài; vừa toàn diện và có tính trọng tâm, trọng điểm, có bước đi phù hợp. Nhiệm vụ chung đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực, từng bước nhân rộng trên cả nước.Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ và nhất trí cao với những nhận định, đánh giá và đề xuất nêu trong Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hội nghị thống nhất cho rằng, trong hơn một năm qua, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, nghiêm túc quán triệt và chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết; nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng Đảng. Nhờ vậy, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đều cho rằng, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi những tiêu cực, suy thoái trong Đảng, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng vào cuối nhiệm kỳ này.Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, trên cơ sở Tờ trình và các báo cáo của Bộ Chính trị, Trung ương đã cho ý kiến về: nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Ngay sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương để hoàn thiện, ban hành quy hoạch; đồng thời bám sát những quan điểm, nguyên tắc tư tưởng chỉ đạo của Đề án đã được Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) thông qua và Kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, từng bước đưa công tác cán bộ ở Trung ương đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị lần này đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Trung ương đã thống nhất ban hành nhiều nghị quyết, kết luận và quyết định quan trọng. Tất cả các quyết định này đều liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu, sau Hội nghị này, cần triển khai thực hiện có kết quả các nghị quyết và kết luận của Trung ương vừa thông qua, coi đây là khâu mấu chốt quyết định trong việc biến nghị quyết thành hiện thực. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nêu cao ý chí của người cách mạng chân chính, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy hơn nữa vai trò cá nhân, cùng với cấp ủy và chính quyền, lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương lần này cùng các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI hai đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.(Theo http://dangcongsan.vn)