Bệ phóng từ nước Nga

HỒNG VÂN 07/11/2017 10:03

Từ cậu bé sống sót trong vụ thảm sát ở huyện Duy Xuyên đến Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho đến khi về hưu, TS. Trần Văn Sơn đã có hành trình dài dấn thân vào lĩnh vực kỹ thuật. Bệ phóng cho thành công của ông chính là nước Nga, nơi có các thầy cô giáo luôn tận tình giúp đỡ ông trong 10 năm học tập ở xứ sở bạch dương.

TS. Trần Văn Sơn (thứ hai từ phải qua, thời còn học tập ở Nga) chụp ảnh cùng lớp dự bị và cô giáo Xovetlana. (Ảnh nhân vật cung cấp)
TS. Trần Văn Sơn (thứ hai từ phải qua, thời còn học tập ở Nga) chụp ảnh cùng lớp dự bị và cô giáo Xovetlana. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chàng lớp trưởng đặc biệt

Tháng 3.1966, giặc Mỹ đi càn ở làng Thanh Châu, xã Duy Châu (Duy Xuyên), gia đình Trần Văn Sơn có 3 người bị giết hại, ám ảnh nhất là em gái Trần Thị Năm giây phút cuối cứ nhìn anh trai không nhắm mắt. Sống sót sau trận càn, Sơn được đưa lên núi làm văn thư Ban Tuyên huấn Quảng Đà. Năm 1968, Trần Văn Sơn được gửi ra Bắc học tập tại Từ Hồ (Hưng Yên), cậu học rất nhanh, băng lớp, đỗ điểm cao vào Đại học Bách khoa Hà Nội và đến năm 1972 được chọn đi học ở Nga.

TS. Trần Văn Sơn kể chuyện những ngày đầu qua nước bạn và được học dự bị tiếng Nga ở Trường Cầu đường Mátxcơva: “Lúc đó tôi như học sinh cá biệt, đúng hơn là như người vừa câm, vừa điếc vì không nói, không nghe được một chút tiếng Nga nào, trong khi 4 anh em khác trong lớp đã biết ít nhiều khi học phổ thông. Mà tôi cũng không đủ vốn liếng để nói với cô Xovetlana là tôi chưa biết gì cả khi sang đây”. Ông cho hay, biết mình thua các bạn nên hai tháng đầu khi mới qua không dám đi chơi đâu, mà cứ hết giờ ở lớp lại chui vào bếp tìm chỗ yên tĩnh để tự học, mỗi đêm phải thuộc hàng chục từ mới. Ông nhớ lời hứa với ba đang làm việc ở Thanh Hóa: “Con sẽ học cho phần của hai anh và em gái con đã ngã xuống ở quê”. Một lần cô giáo đến, thấy ông học say sưa không để ý xung quanh thì rất ngạc nhiên, các anh lớp trên nói Sơn ở miền Nam ra chưa được học tiếng Nga, nên khi sang đây phải học từ đầu. Cô giáo nghe vậy càng thêm xúc động. Kể từ ngày ấy, cô dành tình thương đặc biệt với lớp trưởng Trần Văn Sơn. Nhà cô ở cách trường 40 phút đi tàu điện nhưng cô hay đến ký túc xá kèm riêng cho cậu học trò lớp trưởng. Biết Sơn ốm yếu, cô thường mang đường, sữa, trái cây đến bồi dưỡng. Nhờ thế chẳng mấy chốc cậu lớp trưởng đã theo kịp các bạn.

Cô Xovetlana luôn bắt buộc cả lớp buổi tối phải xem chương trình thời sự trên ti vi để sáng hôm sau từng người kể lại. Không quá quan tâm nội dung, điều cô muốn là cách sử dụng ngữ pháp, hành văn và đặc biệt là học được tiếng Nga chuẩn. Cô thường dẫn cả lớp đi bảo tàng, công viên, các khu mua sắm, vui chơi để học sinh có thể giao tiếp với nhiều người. Không chỉ dạy tiếng, cô còn chỉ bảo phong cách sống, tác phong giao tiếp, cử chỉ lịch sự trong lớp, ngoài đường, có khi đơn giản như việc cầm thìa, nĩa khi ăn uống ở bữa tiệc... Sau này có dịp đi nhiều nước liên quan đến lễ tân ngoại giao, Sơn mới thấy hết những điều cô giáo Xovetlana chỉ bảo vô vùng thiết thực. Một năm học đã trôi qua êm đềm như thế trong tình thương vô vàn của cô Xovetlana. Ai cũng đều vững vàng để có thể tự tin học giỏi các môn tự nhiên khác của chương trình dự bị và tiếp tục bước vào giảng đường đại học.

Trên bước đường thành công

Bước vào Đại học Bưu điện Mátxcơva (MEIC), chàng sinh viên Trần Văn Sơn như cá gặp nước, bởi vốn đam mê kỹ thuật từ lâu. Trong 5 năm học ở đây, ông miệt mài tìm tòi học hỏi ở thầy cô, thư viện, sách vở, phòng thí nghiệm. Với thành tích xuất sắc, Sơn được chọn đi dự Liên hoan Festival thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 11 tại Cu Ba, rồi được kết nạp vào Đảng tại trường. Sơn là một trong số 9 sinh viên ưu tú toàn Liên Xô khóa ấy được giới thiệu chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh năm 1979 để lấy bằng tiến sĩ với đề tài “Hệ thống quy hoạch viễn thông quốc gia”.

TS. Trần Văn Sơn khẳng định: “Nếu nói người nào ảnh hưởng nhất đến nghề nghiệp của tôi suốt 30 năm qua thì đó chính là giáo sư Anatoli Pshenichnikov - Trưởng khoa, Hiệu phó nhà trường. Một người ít nói, sống giản dị, tình cảm, hết mực yêu thương sinh viên Việt Nam”. Đã nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3 đại học nên khi học chuyển tiếp, Sơn không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, để có kết quả nghiên cứu báo cáo trước khoa chuyên ngành của nhà trường có công sức rất lớn của thầy Anatoli Pshenichnikov. Đặc biệt thầy là người ủng hộ, giúp ông có các bài báo đăng ở tạp chí uy tín hay báo cáo tại các hội nghị khoa học. Tấm gương của thầy Anatoli Pshenichnikov trong nghiên cứu hay xử lý các mối quan hệ, tạo ê kíp làm việc chuyên nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn với ông sau này.

Biết học trò của mình học bổng eo hẹp, giáo sư Anatoli Pshenichnikov luôn giúp đỡ tận tình, không tiếc tiền mua những cuốn sách khoa học hay những vật dụng thí nghiệm đắt tiền để ông nghiên cứu. Không phụ công sức của thầy, khi về nước, Sơn lao vào công việc. Lúc học, xu hướng công nghệ chế tạo thiết bị dùng trong lĩnh vực thông tin liên lạc của thế giới vẫn là cơ khí hóa, bán dẫn hóa. Sau này, xu hướng ấy đã chuyển sang ứng dụng kỹ thuật vi xử lý với những bước tiến mạnh mẽ. Cuối năm 1991, Sơn và đồng sự đã chế tạo thành công chiếc máy mã điện báo thuần Việt đầu tiên (trong bối cảnh lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt chưa được dỡ bỏ, nguyên vật liệu tìm kiếm vô cùng khó khăn). Từ đó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2013, ông Sơn cùng ê kíp của mình đã tạo thêm hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị, với các sản phẩm ứng dụng đều không thua kém sản phẩm hiện đại của nước ngoài. Nhưng trên hết, những sáng chế và nền móng tạo dựng từ kỹ thuật vi xử lý đã giúp cho ngành Cơ yếu Việt Nam đến nay và nhiều năm sau nữa, hoàn toàn tự chủ về vấn đề kỹ thuật mật mã.

Từ cậu bé chân đất trở thành một cán bộ lãnh đạo chuyên ngành, có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, TS. Trần Văn Sơn luôn cho rằng đó là nhờ nước Nga đã cho ông bệ phóng, nền tảng vững chắc. Ông cho rằng, sẽ không có hôm nay nếu ngày ấy không có các thầy cô nước Nga…

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệ phóng từ nước Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO