Bệ phóng xã hội hóa

ANH SẮC 22/07/2016 09:54

Chỉ trong vòng 2 tháng đã có 2 hội nghị chuyên đề do Sở VH-TT&DL tổ chức với mục đích tìm các giải pháp căn cơ cho việc phát triển các môn thể thao, trước đó là quần vợt còn lần này là cầu lông. Đây có thể coi là những động thái tích cực của ngành nhằm định hướng cho các môn thể thao phong trào vốn “phát triển một cách tự phát từ sự đam mê, ham thích của người chơi” như cách nói của ông Trần Sô - Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT Sở VH-TT&DL, đi vào quy củ và bài bản dưới sự hỗ trợ về nhiều mặt của nhà nước cũng như tổ chức hội, liên đoàn, các mạnh thường quân và cả người tham gia tập luyện, thi đấu.

Tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa để thúc đẩy các môn thể thao phát triển. Ảnh: ANH SẮC
Tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa để thúc đẩy các môn thể thao phát triển. Ảnh: ANH SẮC

Việc chọn 2 môn thể thao có phong trào ở cơ sở mạnh, có các giải đấu sôi nổi và đặc biệt là có liên đoàn hoạt động tích cực, hiệu quả nhất để mở đầu cho chuỗi các hội nghị chuyên đề là cách lựa chọn có chủ ý và đúng đắn của những nhà tổ chức. Bởi lẽ đến nay, quần vợt là môn thể thao dù chưa phổ biến rộng rãi song lại có được giải đấu tầm quốc gia ngay tại địa phương (giải Quần vợt Quảng Nam mở rộng đã 8 lần tổ chức) thu hút nhiều vận động viên đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều tay vợt chuyên nghiệp, thậm chí là tuyển thủ quốc gia như Lâm Quang Trí, Lê Quốc Khánh, Hồ Huỳnh Đan Mạch. Kém hơn một chút nhưng cầu lông là môn có hậu phương hùng mạnh với giải đấu cấp tỉnh quy mô lên tới hơn 300 vận động viên và được duy trì thường xuyên trong hơn 10 năm qua.

Không quá khi cho rằng, quần vợt và cầu lông là 2 môn tiên phong của thể thao phong trào trên địa bàn tỉnh, cả về hoạt động lẫn việc thu hút xã hội hóa. Rất dễ nhận thấy sự hiện diện của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở môn cầu lông và đặc biệt là quần vợt. Quần vợt trong những năm qua gần như “tự biên, tự diễn”. Với phương châm “lấy phong trào để nuôi phong trào”, môn thể thao này, thông qua đầu mối Liên đoàn Quần vợt tỉnh Quảng Nam, đều đặn duy trì và phát triển phong trào lẫn các hoạt động thi đấu. Mỗi năm, riêng nguồn kinh phí cho việc tổ chức các giải đấu đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, cầu lông chưa “giàu” như quần vợt nhưng nhờ sự năng động của Liên đoàn Cầu lông tỉnh trong việc vận động nhà tài trợ đã tạo được không khí sôi nổi qua giải cấp câu lạc bộ toàn tỉnh.

Là những môn thể thao có được nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ “chống lưng” nên dễ hiểu khi các vị lãnh đạo liên đoàn quần vợt cũng như cầu lông đều nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát triển phong trào. Bởi lẽ đơn giản, thể thao phong trào cho toàn dân không thể ngồi chờ và mãi dựa vào ngân sách (mà nếu có cũng khó sống nổi). Nói cách khác, ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ một phần nhỏ như là một bệ đỡ. Nguồn kinh phí từ sự đóng góp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm mới là bệ phóng quyết định cho sự phát triển của phong trào. Có được sự hậu thuẫn về nguồn kinh phí ấy, quần vợt mới có thể vung tay treo giải thưởng lên tới 30 triệu đồng cho nội dung vô địch đôi nam ở giải Quảng Nam mở rộng hàng năm.

ANH SẮC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệ phóng xã hội hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO