Bên bến sông Hoài, nhớ chuyện cũ

HỒ DUY LỆ 25/01/2023 06:19

(Xuân Quý Mão) - Cứ cuối tháng Chạp, chúng tôi vào Hội An, sau khi thắp hương ông ngoại thì dạo một vòng phố Hội, hòa vào dòng người chộn rộn bao công việc cuối năm…

Sông Hoài - Hội An. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM
Sông Hoài - Hội An. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM

Nhớ một buổi chiều tà, đâu chừng năm 2000, ngồi cà phê cùng các bạn ở Hội An tại quán Hàn Thuyên, xung quanh sông nước soi bóng hình phố xá hữu tình. Bất chợt, nhìn bên kia bờ An Hội thấy một thanh niên từ trong đám nhậu bước ra... tiểu bậy. An Hội, ngày xưa là một đồi cát với lưa thưa cây dương liễu và cỏ dại. Có người lui tới, quán nhậu bình dân mọc lên. Thế là, chiều nào cũng có những đám nhậu bên kia, ven sông Hoài! 

Không chỉ tức, khó chịu, điều mong đợi là làm sao mọi người không còn thấy cảnh này giữa một thành phố di sản văn hóa thế giới - thành phố du lịch! Đoạn sông nhỏ từ An Hội chảy qua sông Hoài trở thành ao tù đọng, không ít lần dọn sạch nhưng vài hôm đâu lại vào đó.

Một đôi lần nước lên tấp vào ao tù xác súc vật, bị báo đưa tin giật gân. Nước lên, mang theo rác rưởi. Nước ròng, rác rưởi đọng lại tiếp nhận ô uế từ các khu nhà ven sông, trong đó có nhiều thuyền là nhà của dân vạn ghe...

Buổi chiều cà phê hôm đó, những cán bộ chủ chốt của Hội An bấy giờ như ông Nguyễn Sự, ông Võ Phùng, bà Đặng Thị Kim Năm, ông Trần Chương, ông Nguyễn Đức Minh…, ai cũng muốn biến khu vực vây quanh sông nước này thành một vùng cho các tiềm năng văn hóa phát huy, mang lại niềm vui cho cuộc sống.

Và, sau buổi chiều khó quên đó, trong một cuộc họp ủy ban, họ là những người đưa ra ý kiến quy hoạch An Hội thành khu văn hóa bên bờ sông Hoài. Chính quyền thị xã bấy giờ quyết định cấp đất và 36 triệu đồng cho tất cả 17 hộ dân sống trên thuyền lên bờ làm nhà.

Dân vạn ghe lên bờ sẽ góp phần giải quyết được nguyên nhân trực tiếp làm cho đoạn sông thành ao tù đọng và góp phần... giảm sinh đẻ. Đời sống văn hóa tinh thần của bà con dần đổi thay!

Năm 2002, hoàn thành bản quy hoạch An Hội. Phương án thực hiện quy hoạch: bố trí dân tại chỗ. Nếu hộ dân nào không ở lại thì bố trí ra Tân An, cấp mỗi hộ 200m2 đất. Tiếp đó họp Đảng bộ phường Minh An. Đảng bộ ủng hộ. Họp dân Minh An công bố phương án di dời dân An Hội.

Dân xôn xao bàn nhau đi, ở. Hội An đầu tư gần 100 tỷ đồng để thực hiện phương án, kể cả thông dòng sông ao tù và làm bờ kè. Đầu năm 2003, bắt đầu cuộc phát động đến tháng 5/2004, cơ bản dân chịu đi, đập phá nhà cũ mở đường làm nhà mới.

Khi đã thông dòng sông Hoài phải làm bờ kè. Ông Nguyễn Sự trao đổi với ông Trần Chương theo phương án vận động dân Cẩm Phô - dân có đất biền, đất trồng rau muống nhường đất sau này làm quảng trường; lúc bấy giờ Nhà nước đền bù 10 nghìn đồng/m2, ta lấy đất đền bù 50 nghìn đồng/m2, được không? Đền bù gấp 5 lần chắc bà con đồng ý.

Ông Sự họp dân công bố. Rất vui thấy bà con đồng ý. Dân đồng tình thì công trình khó mấy cũng thành hiện thực! Ứng kinh phí bồi thường ngay cho dân, tiến hành quy hoạch, mở đường, làm quảng trường. Một không khí lao động sục sôi mỗi ngày thu hút hàng trăm người trên hiện trường bên sông Hoài.

Muốn thông dòng sông, nhưng thông như thế nào? Thông qua gần khách sạn Vĩnh Hưng 4 hay đoạn nào? Trước đó dân chưa lên Ngọc Thành đầu Cẩm Phô. Ra quân, khởi công làm quảng trường thì dân bắt đầu rục rịch. Chỉ địa điểm thông rồi lập thiết kế sau, biến vùng đất - bùn - ruộng thấp thành dòng sông mới. Có bờ kè thì nhà mới mọc lên mặt nước sông làm mặt tiền nhà thì ai không mê!

Năm 2005, vét, đào sông mới từ dưới lên, làm kè hai bên bờ sông...

Cứ 1.000m2 đất mở ra, thành phố chỉ lấy 300 - 400m2 cho cơ sở hạ tầng, còn 600m2 cấp cho dân bản địa, mỗi hộ được cấp từ 300m2 đến 400m2

Sau bao nhiêu bộn bề công việc, lo toan mới có được một quảng trường bề thế mang tên sông Hoài. Quảng trường có khuôn viên rộng 1ha, trải dài bên bờ sông Hoài thơ mộng.

Quanh khu vực quảng trường, liên thông với phố cổ, có đường cho người đi bộ tham quan, hóng mát. Quảng trường là điểm hẹn bè bạn, hay của tình nhân từ xa đến, là nơi tổ chức các sự kiện lễ hội… Cứ mỗi lần trở lại Quảng trường sông Hoài là nhớ bao nhiêu người, bao nhiêu chuyện của ngày xưa…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên bến sông Hoài, nhớ chuyện cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO