Bến bờ hạnh phúc

GIANG BIÊN 25/11/2014 09:13

Anh bị cướp đi nguồn sáng bởi một ngày định mệnh, còn chị bị mù bẩm sinh, và họ đã dò tìm đến nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia. Đó là hoàn cảnh của vợ chồng anh Võ Xuân Nhật và Nguyễn Thị Tuyền ở tại thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, Thăng Bình.

Giờ khắc định mệnh

Từ nhỏ đã không biết mặt cha, anh Võ Xuân Nhật (SN 1986) lớn lên trong tình yêu thương của mẹ - bà  Phan Thị Kiên, năm nay ngoài tuổi 80. Lớn lên, cũng như bao bạn trẻ khác, Võ Xuân Nhật cũng mang trong mình bao ước mơ, hoài bão. Học xong THPT, Nhật quyết định theo học nghề cơ khí ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Tốt nghiệp năm 2007, anh  xin vào làm tại một mỏ đá. Sau thời gian gần nửa năm, anh cảm thấy nghề này khá vất vả và mạo hiểm nên quyết định nghỉ việc, đăng ký học tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động. “Ngày đó tôi nghĩ mình đã có bằng nghề cơ khí ô tô sẽ giúp ích rất nhiều để lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động. Chỉ cần qua đó chăm chỉ làm việc khoảng 5 năm đã có thể trở lại quê nhà với số vốn kha khá để lập nghiệp. Ai ngờ…” - anh Nhật chia sẻ.

Vợ chồng anh Võ Xuân Nhật và chị Nguyễn Thị Tuyền nương tựa nhau trong cuộc sống. Ảnh: GIANG BIÊN
Vợ chồng anh Võ Xuân Nhật và chị Nguyễn Thị Tuyền nương tựa nhau trong cuộc sống. Ảnh: GIANG BIÊN
“Một người đã từng sống với bao hy vọng và hoài bão, tự nhiên một ngày không thể nhìn thấy được gì. Đó là điều quá đau đớn. Thế nhưng vượt qua mọi sự mặc cảm, tự ti của số phận, anh Nhật đã tự tin và sống lạc quan như thế”.
(Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú)

Sau khi tốt nghiệp khóa học tiếng Hàn, anh Nhật chỉ còn chờ hoàn tất thủ tục để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trong thời gian chờ đợi, để có thêm thu nhập chi tiêu, anh Nhật quay về  mỏ đá cũ xin làm việc thời vụ. Bốn ngày đầu trôi qua, công việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng đến ngày thứ 5 chính là ngày cuối cùng anh nhìn thấy được thứ ánh sáng xung quanh. Tám  giờ  sáng…, rồi chín giờ…, khi Nhật đang mải mê đấu nối bình ắc quy xe múc, bỗng một tiếng nổ lớn phát ra, một vật nhọn đâm mạnh vào mắt anh. Đau đớn, giẫy giụa, anh Nhật bất tỉnh. Mọi người nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Thế nhưng, chấn thương quá nặng, đôi mắt của anh Nhật không thể giữ lại được. Ánh sáng đôi mắt từ đó tắt hẳn cũng đồng nghĩa với những ước mơ, hoài bão tan biến ngay từ giây phút định mệnh này. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Nhật như rơi xuống vực thẳm đen ngòm như chính thứ bóng đen mà anh đang đối diện.

“Lúc đó tôi cứ nghĩ cuộc đời mình kết thúc thật rồi. Nhiều đêm trằn trọc cứ đổ lỗi cho ông trời tại sao quá bất công với bản thân mình. Tôi tự giày vò mình bằng cách không ăn, không uống. Cuộc sống cứ thế trôi vô định, cho đến một lần, tôi nghe được tiếng mẹ tôi cầu nguyện có một phép màu để tôi tìm lại ánh sáng. Má tôi đã cầu nguyện dù có đánh đổi đi tuổi thọ của bà để cho tôi được nhìn thấy trở lại. Tôi chợt tỉnh ra, tự hứa với mình phải làm chỗ dựa cho mẹ đến cuối đời. Chỉ cần làm một đứa con hiếu thuận thôi cũng đủ rồi” - anh Nhật kể.

Năm 2009, anh Nhật gia nhập Hội Người mù huyện Thăng Bình. Trong thời gian sinh hoạt, anh được hội đưa đi học chữ nổi tại huyện Hiệp Đức, sau đó được ra Đà Nẵng học nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Hạnh phúc thầm lặng

Cuộc sống với Nhật tưởng chừng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi những bủa vây của sự tự ti, mặc cảm. Thế rồi trong thời gian theo học nghề tại Đà Nẵng, anh quen biết với chị Nguyễn Thị Tuyền (SN 1987) quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Qua tìm hiểu, anh thấy rằng dù sao mình cũng may mắn hơn Tuyền vì đã từng nhìn thấy được ánh sáng và mọi thứ xung quanh. Còn Tuyền bị mù bẩm sinh. Những buổi học, những lần sinh hoạt cùng nhau, đôi bạn nảy sinh tình cảm tự lúc nào không hay. Họ đến với nhau như một cơ duyên tiền định. Đầu năm 2011, một đám cưới tràn ngập niềm vui của những người đến dự trong hạnh phúc như vỡ òa của “đôi vợ chồng mù” đã trở thành cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường dài vượt qua những nghịch cảnh và rào cản để dệt nên tình yêu. Chứng kiến cảnh chú rể dò dẫm từng bước dẫn cô dâu đến từng bàn nâng ly rượu hồng cám ơn, ai nấy có mặt tại hôn trường cũng rơm rớm nước mắt cảm động. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi vợ chồng  Nhật cho ra đời hai cô con gái rất xinh mang tên Võ Thị Tường Vy và Võ Thị Nhật Vy.  Hai đứa con như món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho anh chị.

Có một gia đình đầm ấm, anh chị lại bắt tay vào cuộc sống mưu sinh. Tận dụng những gì đã từng được học tại trường dành cho người khiếm thị ở Đà Nẵng, chị Tuyền mò mẫm kết chổi đót để anh Nhật đi bán. Nguồn nguyên liệu  được lấy từ Hương An. Sau một năm, chổi đót của anh chị có mặt ở khắp thị trường Quảng Nam, nhưng không thể cạnh tranh được với chổi làm bằng máy, giá cả rẻ hơn. Anh Nhật chuyển hướng sang tiêu thụ chổi đót tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Đây là một ý định táo bạo, bởi người sáng mắt thì  không nói làm gì, còn với anh mọi chuyện thật quá khó. Nghĩ là làm, đầu tháng 6.2014, anh Nhật mang 300 cây chổi vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Chỉ trong vòng một tháng 300 cây chổi đã đến tay người tiêu dùng nơi đây. “Một người mù để làm ra một cây chổi theo cách thủ công tốn rất nhiều thời gian và công sức. Khi tôi đem chổi vào TP.Hồ Chí Minh bán, người sử dụng rất thích vì cây chổi đẹp và có vẻ chắc bền hơn so với chổi làm bằng máy móc. Đối với người thành phố, giá cả không phải là vấn đề. Cứ đi bán hai ngày là phải nghỉ một ngày chứ tôi đi không xuể. Mỗi ngày đi bán, tính hết mọi chi phí còn có thể kiếm được 50 - 70.000 đồng dành dụm để nuôi gia đình ”- anh Nhật tâm sự.

Và từ đó đến nay, ngày ngày Nhật vẫn mò mẫm lên xuống theo từng chuyến xe. Chiếc gậy và những bó chổi là hành trang anh mang theo để kiếm sống.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến bờ hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO