Bến bờ nào cho em?

ĐĂNG QUANG 06/03/2017 09:38

Dù kết quả có như thế nào thì số phận những người rớt trong cuộc thi tuyển viên chức giáo dục ở Quảng Nam vừa qua cũng là chuyện đáng bàn.

Chưa vào thi cũng đã biết chắc số người rớt/đậu, vì chỉ cần dựa trên chỉ tiêu và số người dự thi thì tính được. Như với giáo viên bậc THPT, chỉ tiêu tuyển dụng là 110, mà có 1.076 người dự tuyển, chắc rớt 966 người. Với giáo viên bậc mầm non, tiểu học, còn “căng thẳng” hơn khi có tới 3.895 người dự thi nhưng chỉ tuyển 1.193 viên chức, số chắc rớt tới 2.702 người. Dù quy mô chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 lớn nhất so với nhiều năm qua nhưng quá đông người không qua được cánh cửa hẹp là chuyện đáng suy nghĩ. Bởi sau đấy có bao giọt nước mắt, nỗi buồn, nỗi dằn vặt trước một câu hỏi lớn là còn bến bờ nào sẽ dành cho họ? Họ sẽ tiếp tục được hợp đồng để làm giáo viên hay phải chuyển nghề? Rồi được hợp đồng thì có yên tâm không, chưa nói có người có thể “bất mãn” vì họ đi dạy đã lâu nhưng giờ rớt trong khi người mới vào thì đậu. “Thi không ăn ớt thế mà cay”, câu chuyện ông Tú Xương đã nói từ lâu cũng na ná tâm lý ấy đấy.

Nói chuyện bến bờ thì hẳn phải bắt đầu từ việc chọn đò. “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”, lời mẹ dặn hóa ra ứng nghiệm rất nhiều trong chuyện đời. Nếu muốn khỏi bị đuối thì tránh đò đầy, mà tình trạng đò đầy với nhiều ngành nghề được đào tạo, trong đó có ngành sư phạm đã hiện rõ mấy năm nay. Năm ngoái, Hội thảo quốc gia về đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã công bố, tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên cấp tiểu học, 12.200 cấp THCS và 16.900 cấp THPT). Dù từ năm 2013 Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi năm phải giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm nhưng mỗi năm cả nước vẫn có khoảng 4 ngàn sinh viên ra trường không có việc làm. Vậy nhưng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, bất chấp thực trạng trên (makeno), vẫn thu hút để chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông hệ chính quy năm rồi lên tới 65.322 người, mà số lượng giáo viên cần bổ sung, thay thế chỉ khoảng 55 ngàn, hẳn sẽ có hơn 10 ngàn người ra trường không có cửa để theo nghề. Chọn “con đò” quá đầy để đi thì ôm nỗi lo lắng nơm nớp.

Do người chọn con đường sư phạm thì đã rõ, còn bộ ngành chức năng, các trường đào tạo cũng không vô can. Đã từng xảy ra chuyện đào tạo một đàng đi làm một nẻo, đào tạo không cần biết đầu ra, rồi “thương mại hóa” giáo dục bằng cách thu hút đầu vào càng nhiều để thu học phí, đã góp phần làm cho tình hình thêm rối. Trước đây cũng không có địa phương, đơn vị nào công khai dự báo và định hướng tư vấn kỹ về hướng nghiệp nên ai trôi về đâu cứ trôi, dựa trên cảm tính mà chọn đò. Vậy nên, câu cửa miệng truyền tụng một thời có cơ ứng nghiệm trở lại, rằng “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, xê ra Sư phạm” hay “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”... Thực lòng nhiều năm qua người viết bài này cũng từng khuyên em mình, cháu mình phải “xê ra” cái ngành đáng lẽ rất trân quý ấy. Bởi sợ không có bến bờ nào dành cho em, khi thầy đã nhiều hơn trò, và không ít trường phải đi tìm học trò (chua chát thay chuyện “không mày đố thầy dạy ai”!).

Đổi mới giáo dục mới chỉ bắt đầu với một số động thái, trong đó thi tuyển viên chức giáo dục để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cũng là ý hướng tốt. Nhưng điều căn bản hơn là gắn định hướng, dự báo với đào tạo “sản phẩm” cho xã hội và cho  ngay ở ngành giáo dục. Bởi nếu thừa đầu ra đến vậy mà vẫn đào tạo sẽ lãng phí biết bao và còn bao câu chuyện dở khóc dở cười như thơ tếu táo thời bao cấp: “Thầy giáo tháo giầy, tháo giáo án dán áo/nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương/làm giáo chức phải giứt cháo/thảo chương rồi để được ... thưởng chao”.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến bờ nào cho em?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO