Bến chợ đời sông

TRƯƠNG TÂM THƯ 05/02/2022 08:43

(Xuân Nhâm Dần) - Tôi đứng trên bãi bồi nở tràn lau trắng dưới chân cầu Câu Lâu chia đôi dòng nước sông Thu Bồn. Dòng phía bắc (thuộc Đông Khương, Triêm Nam, xã Điện Phương, Điện Bàn) mang tên một ngôi chợ gắn với Dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An mấy trăm năm cũ: Chợ Củi.

Cầu Câu Lâu qua sông Chợ Củi, phía bờ bắc là làng Đông Khương và Triêm Nam. Ảnh: T.T.T
Cầu Câu Lâu qua sông Chợ Củi, phía bờ bắc là làng Đông Khương và Triêm Nam. Ảnh: T.T.T

1. Chợ Củi – Sài Thị và sông Chợ Củi – Sài Thị giang có lịch sử mấy trăm năm. "Đại Nam nhất thống chí" cho hay: “Sông Sài Thị ở huyện Diên Phước do ba nguồn Chiên Đàn, Ô Da và Thu Bồn hợp thành, nguyên lưu rất xa là sông lớn trong tỉnh”. Sông Sài Thị là đoạn sông Thu Bồn chảy từ làng Câu Nhi (Điện An, Điện Bàn) đến hết bãi Đông An (Duy Vinh, Duy Xuyên).

Sách viết: “Dòng phía bắc là sông Con chảy qua xã Câu Nhi làm sông Câu Nhi, tự cửa sông lại chia ra một nhánh riêng làm sông Vĩnh Điện, lại chảy qua phía đông qua bãi Đông An làm sông Chợ Củi (nguyên là một con sông vì ở giữa có bãi lớn nên gọi tên khác); qua phía đông bãi lớn thì hai dòng hợp nhau mà đổ vào cửa biển Đại Chiêm”.

Cho đến khoảng 30 năm trước, ngày tôi thơ bé vẫn thường từ cầu Mống trèo thang xuống bãi bồi chia đôi dòng Thu Bồn này rong chơi. Bãi bồi lúc đó vẫn còn rộng thênh, người dân chuyên canh dưa hấu, trồng đậu và chăn nuôi trâu bò. "Đại Nam nhất thống chí" cũng cho hay: “Sông Chợ Củi, năm Tự Đức thứ 3 đổi tên làm Sài Thị và liệt vào hàng sông lớn, ghi vào điển thờ”.

 

Bên bờ tả ngạn sông Chợ Củi, đoạn chảy qua trước di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Phương ngày nay) có một ngôi chợ buôn bán sầm uất, đó là Chợ Củi. Bến Củi là bãi sông phía trước chợ, nơi tập kết củi từ thượng nguồn Thu Bồn chuyển về trước khi ghe thuyền ghé lấy.

Chợ Củi ra đời vào thời điểm cụ thể nào thì không rõ, không có tài liệu nào đề cập nhưng chắc chắn sau thời điểm 1602 - năm thành lập dinh trấn. Văn bia Dinh trấn Thanh Chiêm ghi: “Đặt Quảng Nam Dinh, chọn Thanh Chiêm làm trấn. Từ đây phố Hội An thạnh mậu, tấp nập người buôn kẻ bán. Sông Chợ Củi phồn vinh, dập dìu thuyền lại, ghe qua”.

Học giả Nguyễn Văn Xuân trong bài khảo cứu “Từ Sài Thị đến Sài Gòn” cho biết, sau năm 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An, tàu thuyền ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều.

Từ bến cảng quốc tế này, các tàu thuyền cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền, bè và lái buôn.

Một đội thủy binh hùng hậu gồm hàng trăm ghe thuyền hiện diện trên con sông Cái (một tên khác của sông Thu Bồn) từ Chợ Củi của Dinh trấn Thanh Chiêm dẫn xuống Hội An đến tận hải khẩu Đại Chiêm (Cửa Đại). Chợ Củi cũng là nơi cung cấp củi cho lực lượng thủy quân này.

 

Học giả Nguyễn Văn Xuân cũng nhắc đến việc đầu thế kỷ 20, cụ Huỳnh Thúc Kháng và các đồng môn khi theo học tại trường Đốc Quảng Nam cho rằng Chợ Củi là chốn phồn hoa đô hội. Và ông viết thêm: “Nếu Sài Thị hay Chợ Củi một địa điểm cực kỳ quan trọng tiêu biểu cho sức mạnh phát triển đất nước của xứ Đàng Trong thì tất cả đều đã thay đổi. Di tích của Chợ Củi chỉ lưu lại cái tên không ai quan tâm nữa...”.

2. Dọc tả ngạn Sài Thị bây giờ, qua làng Đông Khương, Triêm Nam, dấu Chợ Củi đã trôi theo bao bồi lở của dòng đời. Ông Dương Kỳ (72 tuổi) ngồi đánh cờ trong ngôi nhà bên bến Đông Khương, nói ký ức ở đây gắn với bao con lũ trào.

“Sông cũng là con đường thiên lý cho những cuộc bán mua, lớn có, nhỏ có. Bác ruột tôi là ông Dương Kiên, ngày trước có hẳn hai chiếc ghe bầu buôn củi. Ghe lớn lắm, neo ngay chợ bến Củi. Ghe buôn từ trên nguồn xuống, ghé Hội An, ra cửa biển Cửa Đại rồi ra tận Đà Nẵng, vào Quảng Ngãi. Nhờ có hai cái ghe củi mà bác tôi làm được cái nhà ba gian gỗ vào loại to nhất vùng thời đó” - ông Kỳ kể.

Ông Kỳ nói bác ông thường kể lại sự phồn vinh của ngôi chợ. Chợ Củi xưa gồm 3 dãy lều, cột bằng gỗ, mái lợp tranh, lá dừa. Chính giữa là đình chợ, mặt hướng ra sông. Khu chính của chợ là bãi cát dài thoai thoải sát triền sông, chất đầy các loại gỗ, củi, từ sáng đến tối dập dìu kẻ bán người mua.

“Nhất cận thị, nhị cận giang mà” – ông Kỳ nói – “Cho mãi sau này Chợ Củi mất dấu do lũ lụt thì vẫn để lại hơi hám là cái chợ Gỗ ở bến Đông Khương, chủ yếu buôn gỗ còn củi trở thành thứ yếu. Bãi bồi cũng bị lụt xé ra. Sông cho, sông lấy đi rồi sông lại cho, cũng là lẽ thường phải chấp nhận thôi…”.

Những chứng nhân của Chợ Củi đã lần lượt theo mây trắng về trời. Người đương thời, có biết cũng chỉ là qua lời kể của người đi trước, hoặc thảng nhớ cái tên bến Gỗ, thay cho bến Củi thời trước.

Ông Nguyễn Chờ (66 tuổi) kể cho tôi nghe về xóm Lở dưới chân cầu Câu Lâu bên dòng Chợ Củi nơi ông sống, cũng bằng ký ức những trận lở bồi và bao lần cây cầu đổ rồi lại dựng. Thời đó, còn nguyên cây cầu Câu Lâu do Pháp dựng, có hình cong cong nên còn gọi cầu Mống.

Cầu sụp, được sửa lại một lần nữa, bằng sắt, rồi biến thiên lịch sử, khói lửa chiến tranh, cây cầu giờ cũng đã chìm dưới xanh thẳm lòng sông, chỉ còn lại dấu tích nhạt nhòa nơi cái mố cầu. Giờ hai cây cầu bắc qua Câu Lâu, sừng sững, nhưng xóm Lở thì vẫn còn đó, vẫn hứng lấy những trận lụt mênh mông nước bạc.

Chân cầu Câu Lâu trên đường thiên lý Bắc - Nam chứng kiến bao dâu bể của dòng sông và cả dòng biến thiên của lịch sử. Bãi bồi chia đôi sông Thu Bồn ngang chân cầu Câu Lâu giờ không còn trải dài từ Gò Nổi đến tận Duy Vinh như xưa. Song những người bờ bắc vẫn luôn lưu giữ trong trí nhớ về bến sông, đời chợ vàng son một thuở…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến chợ đời sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO