Bến đò ngang không an toàn

HOÀNG LIÊN 26/09/2014 09:30

Mùa mưa bão đang đến gần, song tại nhiều bến đò ngang trên địa bàn tỉnh tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy vẫn diễn ra phổ biến.

Sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình “Đoạn, tuyến sông văn hóa, an toàn”, “Vì bình yên sông nước”… đã ra đời. Nhiều bến đò ngang cơ bản thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về điều kiện hoạt động theo quy định, tiêu biểu như bến đò ngang Trung Phước - Đại Bình (Nông Sơn), bến đò Phú Thuận, Giao Thủy - Kiểm Lâm (Đại Lộc)… Tại tuyến sông Thu Bồn, nhiều đoạn qua địa phận các xã Điện Hồng, Điện Quang (Điện Bàn) đến các đoạn sông Duy Châu, Duy Thu (Duy Xuyên) và Đại Hòa, Đại Thắng (Đại Lộc)..., mô hình bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, xét toàn diện, một bến đò ngang an toàn, văn hóa không chỉ dừng lại ở việc các phương tiện lưu thông hay bến bãi cam kết đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động mà còn thể hiện ở ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy của người và phương tiện. Chẳng hạn, các chủ bến, chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ lượng áo phao, phao cứu sinh và các vật dụng khác theo quy định, không được vận chuyển người và phương tiện vượt mức cho phép. Việc yêu cầu khách phải mặc áo phao là nhiệm vụ các chủ bến, chủ phương tiện. Song, tại hầu hết bến đò ngang trên sông Thu Bồn, ngay cả thời điểm nước sông lên cao do ảnh hưởng của mưa lớn đầu nguồn, cả chủ đò lẫn khách vẫn thờ ơ, xem thường việc này.

Lý giải vì sao không trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách, bà Lê Thị Thương - chủ bến đò ông Đốc (xã Điện Hồng nối liền Điện Quang) cho hay: bến đò bố trí 3 ghe thuyền mỗi ngày đưa hàng chục lượt khách qua lại, vì số lượng khách qua lại đông nên không thể nhắc nhở nổi. “Mỗi ghe đều có 5 - 7 áo phao nhưng do khách ít mặc nên phải để dưới gầm. Hơn nữa, bà con qua lại vùng này đã quen rồi, có nhắc nhở họ cũng không mặc. Thời điểm này là rứa nhưng mùa mưa, nước lớn thì tôi sẽ bắt buộc ai cũng phải mặc, không thì sẽ không cho qua đò” - bà Thương nói. Trong khi đó, tại các bến đò Giao Thủy - Kiểm Lâm hay Phú Thuận, chuyện mặc áo phao không được nhiều người quan tâm. Chị Nguyễn Thị Phượng (Duy Châu, Duy Xuyên) sang đò cùng đứa con nhỏ, tâm sự: “Mặc áo phao thì sẽ tốt hơn, nhưng do đi quen rồi nên ai cũng không mặc, tự nhiên mình mặc sẽ khó coi lắm. Tâm lý của người sang đò, mùa nắng thì ai cũng nghĩ là sông cạn, không cần phải mặc. Còn mùa mưa, biết là cần thiết song mặc vào - cởi ra một cái áo phao là hết sức phiền phức”.

Đề cập khó khăn trong việc thực hiện “Bến đò ngang an toàn”, ông Phạm Thăng Long - chủ bến đò Kiểm Lâm cho rằng tình hình an toàn sông nước được thực hiện nghiêm túc. “Chúng tôi rất lo vì thời tiết bây giờ rất cực đoan, hiện tượng gió xoáy, lốc có thể xảy đến bất ngờ, không kịp trở tay. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân còn rất kém, nhưng không thể cứ nói hoài vì cũng phiền khách” - ông Long nói. Anh Võ Văn Cường - Bí thư Đoàn xã Điện Hồng nhận định, trở ngại lớn của việc thực hiện “Bến đò ngang an toàn” chính là sự thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy tại các bến đò ngang. Có lúc, lực lượng thanh niên xung kích xã phải xuống tận nơi nhắc nhở, người dân mới chịu mặc áo phao. Hay như tình trạng lượng người qua lại thì nhiều nhưng số lượng áo phao, phao cứu sinh lại thiếu và bị bỏ dưới gầm hay cột treo “làm cảnh” vẫn phổ biến.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến đò ngang không an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO