Vẫn quen với những buổi chiều xuôi ngược lòng sông, hoặc là chỉ đứng trên bờ, nghĩ ngợi mông lung về dòng sông Bàn Thạch uốn những đường cong mỹ miều…
TP.Tam Kỳ đang quy hoạch phát triển đô thị dựa vào những dòng sông. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG |
1. Hồi mới về Tam Kỳ sinh sống, nhiều khi có anh bạn đi cùng, hai đứa thường cãi nhau, rằng dòng sông Bàn Thạch, chạy trước mặt hay sau lưng TP.Tam Kỳ? Mình quê gốc biển, nên đưa ra những lập luận mang tính hướng biển và kết luận: “Dòng sông Bàn Thạch chảy trước mặt thành phố”. Ngược lại, anh bạn gốc thị thành, nhà lại kinh doanh, nên đưa ra những luận chứng cho rằng khuôn mặt của thành phố phải hướng về phía quốc lộ 1 chạy qua, rồi kết luận: “Dòng sông Bàn Thạch chảy sau lưng thành phố”. Cứ bấy nhiều đó, mà cãi nhau. Nhiều lúc hậm hực quá, quyết tâm tra cứu trong sách, tài liệu, nhưng tìm hoài chẳng thấy dòng nào ghi sông Bàn Thạch chảy trước mặt hay sau lưng Tam Kỳ cả.
Lòng sông Bàn Thạch nhiều cá, nên đi dọc hai bên sông, hoặc thậm chí là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, dễ dàng bắt gặp cảnh từng tốp người buông cần. Đó là những người lấy câu cá làm thú tiêu khiển, vơi đi nhọc nhằn trong cuộc sống. Chứ còn nặng gánh mưu sinh, nói như anh bạn đồng nghiệp vẫn hay xách cần đi câu: “Câu cá ở sông làm sao nuôi sống nổi vợ con, hả chú”. Tự tôi xếp kỹ năng câu cá của anh vào hàng cao thủ ở Tam Kỳ. Chỉ cần nhìn phao câu cá chìm nổi thế nào, là anh biết cá gì đang ăn; lắc nhẹ cây cần, anh biết cá ấy nặng khoảng bao nhiêu ký. Hồi anh chưa vợ, chiều chiều nghe anh gọi, là biết mình được chia cá. Anh toàn câu được cá to, phải vài ký trở lên. Hồi ấy, chị người yêu, cũng là vợ của anh bây giờ, hay giận hờn, trách móc vu vơ vì có ông người yêu mê câu cá hơn “câu” mình. Cưới vợ, sinh con, phải quanh quẩn trách nhiệm của người chồng, người cha, anh không còn thời gian với thú tao nhã ấy nữa.
Hồi còn thường xuyên ở Tam Kỳ, tôi hay ra khúc sông Bàn Thạch nơi góc phải khách sạn Bàn Thạch, chỗ đó khá yên tĩnh, vì tuyến đường Bạch Đằng chưa được khai thông. Lần thứ hai ra chỗ đó, tôi gặp vợ chồng ông Ba Lại người phường Hòa Hương. Bà hơn ông 4 tuổi, và tôi thường lấy điều này để trêu chọc hai người, những khi ấy, họ chỉ cười trừ. Đều đặn như vắt chanh, hai vợ chồng mỗi ngày đều thả lưới, hết sông Tam Kỳ đến sông Bàn Thạch, tuyệt nhiên không ra sông Trường Giang. Tôi có gặng hỏi đôi lần, nhưng ông không nói. Còn tuổi già vẫn oằn mình với mành lưới trên sông, ông cười: “Nhà tao có cực khổ chi mô, tao ưng rứa”. Hỏi ra mới biết, hồi xưa, hai người gặp nạn trên sông, dìu dắt nhau qua ngặt nghèo. Mưu sinh từ sông Bàn Thạch và Tam Kỳ, nay con cháu đề huề, nhưng vẫn ưng chài lưới, vì không dứt ra được.
2. Chiều hôm bữa chạy xe vô Tam Kỳ, vòng xuống chỗ cũ, chờ cả tiếng đồng hồ, vẫn không gặp được vợ chồng ông Ba Lại. Hỏi mấy người, bảo hai vợ chồng ấy đã thôi chài lưới ở đây cũng vài tháng rồi, chắc tuổi tác không còn cho phép nữa. Đời người, chứ có phải dòng sông đâu, mà chảy miết được. Tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc theo sông Bàn Thạch, vỉa hè đã thoáng đãng và đường bờ kè nối thông suốt tuyến này đang được triển khai. Trước Tết Bính Thân 2016, chập choạng chiều, vỉa hè đường Bạch Đằng đầy tiếng hô sảng khoái: “một, hai, ba dzô”. Sau tết ấy, những quán nhậu lần lượt được dỡ bỏ, hoặc dời đi nơi khác theo chủ trương chung của chính quyền thành phố là không cho thuê mặt bằng để làm quán nhậu ven sông Bàn Thạch nữa, để giữ cảnh quan cho dòng sông giữa phố.
Nguyên nhân dẫn đến quyết định ấy, là các phường có tuyến đường Bạch Đằng chạy qua còn lỏng lẻo nhiều trong khâu quản lý, gây mất trật tự đô thị, cản trở giao thông và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là làm ô nhiễm dòng nước Bàn Thạch. Điều ấy được thể hiện trong báo cáo tóm tắt kết quả quan trắc môi trường tỉnh năm 2014 của Sở TN&MT là các nhánh sông, đặc biệt là sông Bàn Thạch đang chuyển biến theo chiều hướng xấu, mà nguyên nhân là rác và nước thải được xả trực tiếp bởi các hộ kinh doanh ven bờ sông. Quyết định dừng cho thuê mặt bằng để kinh doanh quán nhậu trên tuyến đường này, là bước đi đầu tiên nhằm trả lại không gian cho dòng sông Bàn Thạch để xây dựng Tam Kỳ xanh - sạch - đẹp theo hướng đô thị xanh cộng sinh, phát triển đô thị gắn với môi trường và chú trọng các yếu tố xanh và mặt nước.
Trong chiến lược quy hoạch TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài sông Bàn Thạch, TP.Tam Kỳ còn đưa 4 dòng sông khác vào quy hoạch chung là sông Trường Giang, Tam Kỳ, Sông Đầm và Kỳ Phú để tạo nên một bức tranh tổng thể thành phố ven sông. Nhìn đâu chi cho xa, chỉ cần ngó qua người anh em Đà Nẵng, đủ để ta mơ ước một thành phố sầm uất như ven sông Hàn. Nhưng đó cũng chính là bài học, vì bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, cần phải giữ được yếu tố làng với những cánh đồng ruộng trù phú, hàng cây sưa ven sông… Chiến lược phát triển quy hoạch của TP.Tam Kỳ, ngoài sứ mệnh xanh - sạch - đẹp, còn gánh trên mình một trọng trách nữa, đó là kết nối, tạo sự liên kết vùng để hình thành trục phát triển kinh tế - xã hội. Nên giao thông cũng đang được sắp xếp lại theo trục bắc - nam với đường Lê Thánh Tông, trục đông - tây với đường Điện Biên Phủ. Sự sắp xếp này, còn nhằm một mục đích nữa, là để tránh phá vỡ cảnh quan xanh - yếu tố mặt nước ở các con sông. Bởi ai cũng biết, nếu những yếu tố ấy bị phá vỡ, thì chiến lược quy hoạch mà thành phố đã dày công bỏ ra, coi như đổ vỡ ngay từ đầu.
XUÂN KHÁNH