Bên dòng sông Tranh, nhớ...

HỒ DUY LỆ 17/03/2023 09:03

Sông Tranh bắt nguồn từ đỉnh núi huyền thoại Ngọc Linh - nay là thủ phủ của cây sâm quý mang tên núi rừng Ngọc Linh. Sông Tranh chảy qua các xã Trà Nam, Trà Cang, qua các bản làng người các dân tộc Co, Ca Dong. Bà con dân tộc ít người gọi sông này là sông Đắc Di, sông Nậm Nin. Trên dòng Nậm Nin có những con suối lớn từ nguồn đổ xuống tạo thành những thác dữ, nước réo ì ầm ngày đêm. Sông Nậm Nin chảy đến đồi Gò Mè, hai nhánh sông nhập dòng tạo thành ngã ba sông. Từ đây mới gọi là sông Tranh.

Đồ họa: L.V
Đồ họa: L.V

1. Thời chống Mỹ, một đường dây giao liên chạy qua bến đò Ba Lức, rồi chạy về bến đò Tân An của thị trấn Hiệp Đức ngày nay... Địch biết đường dây và khu vực bến đò là nơi các chiến sĩ giải phóng thường xuyên qua lại nên ngày đêm pháo kích, bom nổ vô cùng ác liệt: “Quế Tiên có Dốc cây Si/ Có Đò Ba Lức, có đi không về!”.

Ngày nhân dân Hiệp Đức vui mừng đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ ‘‘Công nhận An toàn khu cho hai xã Phước Trà và Sông Trà…’’ là một ngày tháng Ba đẹp trời để lại cho người Phước Trà niềm vui và niềm tự hào.

Chúng tôi có dịp thăm Căn cứ Phước Trà - Căn cứ Khu ủy 5. Căn cứ xây dựng bên bờ con sông Tranh đầy trầm tích, giữa núi rừng bao la vì lòng dân không phôi pha, cả người Kinh và người Thượng làng Phước Trà - một vùng đất mà từ tháng 3/1960 còn đen tối dưới gông cùm và lưỡi lê của Luật 10/59 Ngô Đình Diệm, người dân làng Ông Tía, thôn Sáu xã Phước Trà, dưới chân Núi Vin, giữa thanh thiên bạch nhật, với dao rựa, chân đất lưng trần vùng lên diệt ác.

Buổi chiều, trời dịu nắng, đi dạo dưới vòm cây lá xanh, hoa gạo đỏ khoe màu rạo rực, trong khu căn cứ được phục dựng bên dòng sông Tranh, gió mát rượi, gợi nhớ biết bao điều về những ngày chưa xa…

Thăm phòng trưng bày hình ảnh “Lịch sử của Căn cứ Phước Trà”, tôi dừng lại lâu hơn trước bức ảnh Bí thư Khu ủy Võ Chí Công và Tướng Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân. Duyên nợ nào, một người con của xứ Quảng và một người con của xứ Nghệ lại gặp nhau trong những thời khắc lịch sử, gắn bó nhau, với quân, dân Quảng Nam, với sông núi dằng dặc Khu 5!

2. Sau khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam năm 1973, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định chuyển từ Căn cứ Nước Oa - Trà Tân (Trà My) về Hiệp Đức. Tình hình chuyển biến nhanh, liền hành quân về xã Phước Trà xây dựng căn cứ.

Tại Căn cứ Phước Trà, từ ngày 5 đến ngày 22/12/1973, diễn ra Đại hội đại biểu Khu ủy 5 lần thứ III, có 246 đại biểu ưu tú, đại diện cho 46 nghìn đảng viên toàn Khu ủy 5 về dự. Đại hội bầu đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Chu Huy Mân (tức Hai Mạnh) làm Phó Bí thư.

Chuyện rằng, trong hoạt động cách mạng thời chống Pháp, ông Võ Văn Đặng (Hai Tường) bị bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, thời gian này bà Võ Thị Siêng - em gái ông Đặng - thường lên thăm mang thức ăn, thuốc uống cho anh trai.

Qua những lần thăm nuôi, tranh thủ lúc không có lính canh giữ, ông Đặng nói cho em gái biết đã từng làm quen và tìm hiểu một người tù xứ Nghệ vượt ngục đang tá túc trong nhà người bà con ở Vĩnh Điện, người tù vượt ngục ấy hiện ở một ngôi nhà gần nhà lao tỉnh, ngày ngày đi bán kẹo đậu phụng nên lấy tên là Hai Lạc...

Theo hướng dẫn của anh Hai Tường, bà Võ Thị Siêng theo đò từ Cẩm Kim quê cha, lên thị trấn Vĩnh Điện, lội tìm người bán kẹo đậu phụng có tên là Hai Lạc. Sau một buổi vừa đi, vừa hỏi thăm, bà Siêng tìm ra nhà bà Đức Long làm kẹo đậu phụng.

Qua bà Đức Long, bà Siêng tiếp xúc được anh Hai Lạc. Sau khi giới thiệu là em gái của anh Hai Tường thì anh Hai Lạc đón nhận bà như người em gái trong gia đình. Từ đó bà Siêng trở thành người liên lạc thân cận của anh Hai Tường và anh Hai Lạc.

Hai Lạc tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, người xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An). Sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, từ tháng 5/1935, đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”, đồng thời ẩn mình với các tên Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh...

Từ năm 1937, đồng chí Chu Huy Mân bị Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh. Đến năm 1940, ông lại bị giặc Pháp bắt đưa vào giam ở các nhà lao Đắk Lay, Đắk Tô, Kon Tum. Năm 1943, cũng có một hành trình gian nan như Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh… được bà con làng Rô của Quảng Nam che chở, khi vượt ngục, ông không về quê mà tá túc ở Vĩnh Điện, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Để che giấu nhân thân và tránh sự truy lùng gắt gao của địch, khi về đến đất Quảng Nam ông lấy tên là Hai Lạc, ngày ngày đi bán kẹo đậu phụng và tranh thủ lúc nắng, ngày mưa, ra khu vườn rộng sau nhà của bà Đức Long, cuốc đất trồng rau... Trong thời gian này Hai Lạc gặp gỡ ông Võ Văn Đặng.

Đầu năm 1945, sau khi họp Tỉnh ủy Lâm thời ở Vân Trai - Tam Kỳ, ông Nguyễn Tấn Ưng về Hội An họp bàn khôi phục tổ chức đảng thì nhận được thư của ông Võ Văn Đặng giới thiệu về Hai Lạc. Ông Nguyễn Tấn Ưng liền lên Vĩnh Điện tìm gặp, sau đó báo cáo với Tỉnh ủy mời Hai Lạc - Chu Huy Mân vào tổ chức và Ban bạo động khởi nghĩa.

3. Trong hồi ức về khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, có hai lần đồng chí Võ Chí Công - Võ Toàn nhắc đến tên Hai Lạc:

Lúc 3 giờ chiều ngày 13/8/1945, tôi về đến Hội An thì anh em nói đồng chí Ưng đã lên Bích Trâm xin ý kiến của Tỉnh ủy về việc bạo động ở Hội An... Sau khi cướp được chính quyền ở Hội An, chúng tôi họp các đồng chí có trách nhiệm lại, nhắc nhau một số công việc làm gấp là ổn định trật tự trong thành phố, truy bắt bọn Việt gian bán nước, tổ chức lực lượng vũ trang, ra sức bảo vệ chính quyền...

Phần tôi - Võ Toàn - tôi lấy 70 anh em tự vệ có vũ khí đầy đủ, huy động 7 ô tô chuyển tiền bạc và tài liệu lên Duy Xuyên để sẵn sàng đưa lên căn cứ theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy. Khi xe qua Vĩnh Điện, tôi thấy ở đây họ đã sắp sẵn súng đạn xin giao nộp cho Cách mạng. Ra khỏi cửa hữu thì gặp đồng chí Lạc. Tôi bàn với đồng chí Lạc cần huy động quần chúng cướp chính quyền ngay ở Phủ đường Điện Bàn, chúng tôi tiếp tục lên đường...

Từ ngày 1/9/1945, đồng bào các phủ huyện thị trong toàn tỉnh được huy động đông đảo tập trung về Hội An chuẩn bị tham dự ‘‘Lễ mừng độc lập’’. Ngày 2/9/1945, hơn 10 vạn người chia thành từng đoàn biểu tình rất trật tự, mang theo cờ, băng, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ tịch, có lực lượng tự vệ vũ trang đi đầu tiên vào sân vận động Hội An để chứng kiến một sự kiện trọng đại: Ngày tuyên bố độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Một lễ đài được dựng lên trên nền đất trống phủ cỏ xanh, có nền phông trắng, trên cao là khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, dưới là cờ đỏ sao vàng với bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Ông Hai Lạc - Trưởng ban Tổ chức buổi lễ trịnh trọng giới thiệu mấy lời trước đồng bào rồi mời ông Nguyễn Xuân Nhĩ, người làng Bích Trâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh đọc diễn văn...

Năm 1945, Hai Lạc - Chu Huy Mân làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung bộ. Từ năm 1967, ông về công tác ở Khu ủy 5.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên dòng sông Tranh, nhớ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO