Bên kia sông

NGÔ THỊ THỤC TRANG 18/10/2015 10:53

Con Sen chưa một lần sang bên kia sông. Dù sông rộng chỉ cỡ ba mươi mét. Không biết nữa. Có thể hơn chút xíu. Nhìn qua bên kia sông sẽ thấy bãi cát trắng ngai ngái, đến bãi bắp (hoặc đậu hay dưa hấu, tùy mùa) và mắt con nhỏ bị chắn lại bởi những bờ tre. Sau bờ tre ấy là gì, con Sen không thể biết.

Không thể biết vì chưa bao giờ đặt chân đến nhưng con Sen đoán sau tre là đến những mái nhà tranh với khoảnh sân rộng, sau vườn có một cây rơm và một chuồng gà. Trong xóm thỉnh thoảng sẽ có những ngôi nhà ngói, mái đầy rêu. Có nhà còn tráng được nền xi măng nữa, như nhà ông Năm Hùng gần nhà nó. Mà cũng chưa chắc, có thể sau rặng tre rậm rịt kia lại là bãi mía, bãi dưa gang, có khi bãi tha ma cũng nên. Khoảng xa xa nữa mới đến nhà. Như nhà con Sen có gần sông đâu. Mỗi chiều, nó cùng lũ trẻ trong xóm băng qua một khu nghĩa địa (thật ra là gò đồi, người chết cứ lần lượt nằm trên gò đó, phần lớn là những nấm mộ đất, mộ nào xây thì biết chắc người chết đó đã giàu có hoặc liên quan với sự giàu có trước khi chết) rồi theo một con đường mòn hai bên là vườn chè, có đoạn vườn điều để xuống bãi tắm. Bãi tắm của con Sen khác xa với bên kia sông, không là bãi cát mà là bãi cỏ, dưới cỏ là đất. Nhiều lần con Sen thắc mắc ủa sao cùng một con sông mà bên này với bên kia khác nhau quá xá. Bên kia, con Sen nhìn qua không thấy tí đá nào nhô lên khỏi mặt nước. Còn bên này, con Sen vẫn hay để thau đồ trên những tảng đá to mà vò, mà chải. Đứa nào tập bơi mà dại dột nhắm mắt rồi không để ý thì đâm đầu vào đá là cái chắc. Nên bến sông này gọi là Bến Đá. Cái Bến Đá, con Sen tắm từ hồi hai tuổi, chưa biết gì. Mẹ bảo thế!

Người bên kia sông, con Sen ngày nào cũng gặp, ở chợ. Họ là những người đàn bà làm nên một phần của cái chợ làng con Sen. Họ bán đủ thứ từ cá, tôm, hến là những thứ dưới nước đến các loại rau và trái cây trên cạn. Con Sen nghe nói bên kia sông cũng có chợ. Thỉnh thoảng vẫn thấy người của xóm con Sen khoe mới đi chợ Phú Tài bên kia sông về. “Đông lắm, người mua kẻ bán tấp nập đến trưa chứ chẳng phải nửa buổi đã vãn chợ như bên mình đâu!”. Thế vì sao người bên kia sông lại phải mang tôm cá rau trái sang chợ Lộc Hòa của làng con Sen mà bán nhỉ? “Chắc tại bên mình được giá hơn. Với lại bán đâu quen đó. Mà con hỏi làm gì, học bài đi”. Mẹ kỳ lạ, lúc nào cũng bắt học, con Sen chẳng biết học để làm gì. Gần chợ có anh Kiệt học cả ngày cả đêm nhưng đến khi thi lại làm bài không được,  ngẩn ngẩn ngơ ngơ mười mấy năm rồi. Suốt ngày chỉ thấy đi qua đi lại lẩm nhẩm. Trong khi bạn bè cùng tuổi với anh con cái lớn hết, biết chạy đi mua rượu cho ba hết cả rồi! Mấy người xóm con Sen cứ lấy gương anh Kiệt ra mà dạy con: “Học ít thôi, chứ không thành anh Kiệt đó mày. Vác cuốc ra đồng mau!”. Con Sen ước gì mẹ cũng giống mấy người trong xóm, cho nó đỡ khổ.

Con Sen mới biết bơi, mà cũng chỉ biết bơi sấp. Ngụp mặt trong nước, đạp chân, sải tay được một đoạn thì hụt hơi. Nên chỉ bơi gần bờ, toàn gặp đá. Bơi mệt, tót người lên đá ngồi một chặp lại tuột xuống bơi tiếp. Con Sen bơi tệ nhất trong đám con nít, chẳng tiến bộ được bao nhiêu. Nên chưa bao giờ con Sen dám bơi qua bên kia sông. Để hái trộm dưa hấu mang về lấy đá đập ra ăn như lũ bạn. Chỉ toàn ăn ké.

- Cát bên nớ mịn không?

- Mịn bân, đi nghe đã cái chân lắm! Mà tau còn phát hiện người ta trồng giá dưới cát nữa nghe mi. Để bữa mô tau tìm cách trộm ít giá về xào ăn chơi

- Đừng trộm. Về nhà trồng ăn, dễ ợt!

- Ê, biết không mi, sau hàng tre kia là nhà lầu không à!

- Không tin!

- Không tin thì mi bơi qua đi. Nhìn cho kỹ nghe, đừng có mà lác mắt đó! Tau bảo đảm bên ni không có nhà mô to bằng cái nhỏ nhất bên nớ đâu!

Con Sen không tin, nhất quyết không. Những người đi tắm bên kia sông cũng mặc đồ y như ba mẹ nó. Mấy đứa con nít tắm cũng cởi truồng và hét to y mấy đứa nhỏ bên này. Nhà lầu gì, chắc thằng Tí lại xạo. Nhưng có mấy lần con Sen thấy bọn con nít bên đó chơi đá banh, banh da hẳn hoi. Đám bạn con Sen banh nhựa còn không có mà chơi nữa. Hay bên đó toàn nhà lầu thật? Mà không, tôm cá của “người bên kia sông” cũng nhiều nhặn gì đâu. Mấy con tôm loe ngoe nằm búng qua búng lại trên chiếc trẹt tí xíu. Cá cũng chỉ nằm gọn trong chiếc thau nhỏ chứ mấy! Nhà lầu mọc lên từ đâu? Con Sen băn khoăn quá! Nhưng con Sen bơi tệ òm.

Không bơi được thì đi đò. Những người bên này sang bên kia sông có việc (đi chợ, đám cưới, bốc thuốc, thăm bà con, thôi thì đủ việc) bằng cách leo lên một chiếc đò cỡ vừa vừa, tức không nhỏ như ghe của mấy người đi chài tôm buổi tối, không lớn như chiếc canô xuôi xuống phố. Ở một bến khác cách Bến Đá của con Sen chừng cây số, là Bến Dầu. Con Sen lâu lâu lại nghe tin đò bị lật, người chết, người sặc nước. Những ngày đó, cả làng con Sen lao xao xóm trên ngõ dưới. Mẹ cấm tiệt: “Chỉ cần biết mày đặt chân lên đò để sang bên kia sông là mẹ đuổi ra khỏi nhà, nghe con!” Thật ra mẹ lo hơi thừa, con Sen đã bỏ ý định qua bên kia sông, từ bữa nó phát hiện sự tưởng tượng làm nó có cảm giác thú vị hơn. Con Sen có một bên kia sông yêu dấu của riêng nó, trong lòng.

Con Sen của mười lăm năm trước, bây giờ đã là cô gái thành đạt Ngọc Liên, niềm tự hào của dòng họ Vũ, của cả làng Xuân Phú. Mọi người trong làng đều lấy tấm gương sáng Ngọc Liên ham học, ham phấn đấu mà răn dạy con cháu. “Ráng học đi con, bằng một phần cô Liên thôi cũng phúc lắm rồi!”. Mỗi năm, Ngọc Liên lái xe con về ăn Tết quê một lần. Giỗ quảy, cô không thể về được vì trăm công nghìn việc của công ty. Ngọc Liên không về nhưng cô luôn có mặt trong những câu chuyện của bà con, họ hàng.

Lần này, Ngọc Liên về, không dưng mà về. Mẹ đón cô từ đầu ngõ, ngỡ ngàng khi biết cô bắt xe đò về, đoạn gần nhà thì đi bộ.

- Mẹ ơi, chiều mẹ cho con sang bên kia sông. Con muốn sang đó một lần.

Trời đất, mẹ không thể tin, chẳng lẽ bao nhiêu năm nay, Sen của mẹ, Ngọc Liên của mẹ vẫn chưa lần nào trốn mẹ để vượt sông một lần sao. Kể cả khi cô đã đi đông đi tây, đặt chân đến rất nhiều nước trên thế giới?

- Nhưng đò không có phao cứu sinh đâu. À mà thôi, con cứ đi đi.

Ngọc Liên lại băng qua bãi tha ma, theo con đường mòn ngày xưa tìm ra Bến Đá. Đã lâu lắm, cô không đi lại con đường này. Cây cối um tùm chắn hết cả lối đi. Có đoạn, cô phải chui rúc thật khổ sở.

Có cái gì đó cứ trào lên trong cô, mỗi lúc một ứ đầy. Khi đến gần bến sông thì những ứ đầy đó vỡ ra, lênh láng. Không còn Bến Đá đâu nữa. Nước đã ăn sâu vào tận bờ đá, nuốt trọn cả bãi cỏ mà con bé Sen ngày nào hay cùng bạn chơi ví chạy trước khi ào xuống tắm. Những tảng đá lớn nhỏ cũng đã chìm mất tăm mất dạng. Cô đưa mắt sang bên kia. Hàng tre xanh rậm thủa xưa đâu rồi? Chỉ thấy những triền cát dài ngút mắt. Và thấp thoáng những bóng người, quang gánh vượt cát, bóng chiều dài vàng vọt. Họ đi về đâu?

Ngọc Liên lầm lụi quay về, cô thấy những bước chân của mình bải hoải. Trong khi lòng trống rỗng, chẳng biết đang nghĩ gì. Cô bỏ luôn ý định xuống Bến Dầu để đặt chân lên chiếc đò không có phao cứu sinh, sang bên kia sông nữa. Bên kia sông, nơi từng là nỗi ao ước của cô, giờ đây lại đến với cô bằng con đường hiu hắt?

- Con ra Bến Đá về đấy à? Bến đã năm bảy năm nay không còn ai ra tắm nữa.

Ngọc Liên nghe có tiếng gió rất nhẹ trong câu nói của mẹ. Cô muốn hỏi mẹ thật nhiều. Hàng tre, bãi cỏ, những tảng đá nhẵn mịn đâu hết cả rồi? Cả thằng Tí cũng đâu rồi. Ai sẽ trả lời cho con Sen biết thật ra có phải đã từng có những dãy nhà cao tầng sau hàng tre?

Nhưng chạm vào tiếng gió ấy, Ngọc Liên không dám. Mà thật ra, biết những điều ấy, rồi sao nữa tiếp theo. Hay lại thêm một tiếng gió khác, trong cô?

Ngọc Liên giục mẹ nấu cơm. “Ngủ với mẹ đêm nay, mai con lại phải về phố, về sớm mẹ ạ!”.

Tuyệt nhiên cô không nhắc gì đến việc sang bên kia sông nữa, kể từ chuyến ấy.

Và trong lòng cô, một bên kia sông yêu dấu vẫn còn, dù bị lẹm một góc. Góc nhỏ thôi. Ừ, nhỏ xíu à!

NGÔ THỊ THỤC TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên kia sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO