Cách nhau một dòng sông Thu nhưng bên kia thênh thang phố xá còn bên này bạt ngàn hoa cỏ. Những ngôi làng quần tụ trên các “ốc đảo” Duy Vinh (Duy Xuyên), Cẩm Kim (Hội An), Triêm Tây (Điện Bàn) ngỡ rất gần Hội An mà dường như vẫn có gì đó xa xăm.
1. Những ai mới lần đầu đặt chân đến “tam giác làng” này có lúc bất chợt phải thảng thốt khi loanh quanh một cung đường mà lúc ở Hội An khi ở Điện Bàn rồi lòng vòng lại lạc qua Duy Xuyên, quanh co mãi không thấy lối về. Từ lâu, trẻ con Triêm Tây đi học cấp một, cấp hai đều ở đất Cẩm Kim, lớn thêm chút thì học sinh Duy Vinh, Triêm Tây cũng tựu về bến Cẩm Kim sang sông qua bên kia phố Hội nuôi giấc mơ con chữ, còn người dân Cẩm Kim bao đận đi về với chợ Bàn Thạch (Duy Vinh) vang bóng một thời.
Cái thủa “ốc đảo” chộn rộn từ những năm 80 của thế kỷ trước nghe chừng đã xa lắc, chỉ còn trong câu chuyện ngậm ngùi của những người đứng tuổi trong làng. Thuở đó, khung cửi trong nhiều nếp nhà nhỏ lách cách cả ngày đưa chiếu Bàn Thạch, chiếu chẻ Triêm Tây qua tận Liên Xô, Đông Âu; đâu đó còn nghe thanh âm lạo xạo vẳng lại khi tốp thợ mộc say sưa chạm trổ bởi làng mộc Kim Bồng luôn hối hả với các đơn hàng. Ông Ba Yên ngày đó là chủ nhiệm một HTX chiếu cói xuất khẩu ở Hội An, trong ông vẫn hằn in ký ức về những cân gạo, mét vải mà người trong làng đổi được từ chiếc chiếu dệt đã nuôi đàn con thơ lớn lên từng ngày. Nương vào phố, đận ấy làng đã bớt bĩ cực như bao vùng quê xa xôi khác.
2. Tám giờ sáng, dưới chân cầu Cẩm Kim vẫn còn sương giăng bảng lảng. Cánh đồng cỏ lau trắng “gây sốt” với du khách một độ đã héo úa ngả rạp từ lâu, nhiều vạt lau bị đốt cháy đen sạm để lấy đất chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Du lịch đã chạm bước đến đây từ lâu nhưng chưa “cuốn” nhịp sống người dân trong các ngôi làng này theo hơi thở gấp gáp thường thấy ở phía đối diện sông. Hình như mấy năm rồi “tam giác làng” nên thơ bên sông Thu còn buồn le lói hơn khi khơi gợi câu chuyện về ngành kinh tế không khói này. Kim Bồng liên tục sụt giảm lượng du khách qua từng năm, Triêm Tây đìu hiu trở lại sau một đợt truyền thông rầm rộ còn Trà Nhiêu (Duy Vinh) gần như vẫn ngủ yên. Thiếu thầy, thiếu thợ. Người trẻ sinh ra từ làng vẫn mải miết với giấc mơ bên kia phố chưa về.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Du lịch ở đây nên có những sản phẩm thân thiện gắn với thiên nhiên như tour ngắm bình minh, hoàng hôn, thu hoạch cùng nông dân trên cánh đồng”. Nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương đều đánh giá đây là vùng ven đô hiếm hoi còn đúng chất sinh thái để khai thác du lịch xanh, bền vững trong nhiều năm tới. Con đường dẫn cầu Cẩm Kim thoai thoải dốc chia đôi con lạch nên thơ, rẽ trái đi sâu vào Cẩm Kim còn rẽ phải là ngả về Triêm Tây. Đằng xa tầm mắt của chúng tôi, có bóng vạn chài lúi húi giặt giũ đồ đạc trên con đò chòng chành. Bên tê lạch là nà bắp khóm chuối, bước lên bờ lá xóm nhỏ đìu hiu. Khung cảnh dễ làm người ta liên tưởng tới mấy câu thơ trong bài “Chiều xuân” của nhà thơ Anh Thơ: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời…”. Cảnh tượng ngỡ đâu chỉ tồn tại ở những làng mạc hẻo lánh. Chốc chốc, có đôi du khách ngoại quốc dừng chân mơ màng thưởng thức khung cảnh rồi lặng lẽ quay xe qua cầu…
Một ngày đầu năm 2016, chuyến đò chiều cuối cùng từ chợ phố phà phà nổ máy hướng về bờ Cẩm Kim. Ở giây phút đó, có nét hân hoan của người lữ khách pha lẫn thoáng ưu tư của bác lái đò. Người ngựa đã thôi kiếp lụy đò được mấy năm, nhưng nghe như trong lòng vẫn lợn cợn hệt tiếng leng keng đinh tai từ nhôm sắt vẳng lại mỗi sớm khuya lăn bánh qua cầu. Cách cầu cũ không xa về phía thượng lưu, trong năm tới một chiếc cầu mới Cẩm Kim bề thế hơn sẽ thành hình hài.
Nói như ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: “Ở Triêm Tây có 9 hộ dân có đất phải giải tỏa để phục vụ thi công cầu và các hộ đều phấn khởi thống nhất chủ trương sớm bàn giao đất, bởi vùng này bao năm mơ ước thoát cách trở sông nước lụy đò. Thậm chí đây còn là cơ hội đổi đời khi đường lớn mở ra ngay vườn nhà của người dân”. Rồi mai thức giấc với cầu mới, nhìn về phố làng sẽ bớt chênh vênh?