(VHQN) - Không rực rỡ đèn màu phố thị, khối phố Đoan Trai (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) lặng lẽ nép mình bên kia sông trong màu xanh thắm của ruộng vườn.
Khi kể về làng, có lẽ điều mà người ở Đoan Trai hay nhắc nhất là những đận lụt. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, người làng Đoan Trai kể, khắc khoải trong chị vẫn là hình ảnh về chiếc ghe nan chở lũ trẻ như chị thời ấy đi học mỗi mùa lụt về, hay những đêm muộn, ba mẹ chị cùng bao người đứng đợi ở đập bến Bổi, chờ cõng con đi qua con đường lầy lội mùa mưa để về nhà sau giờ tan học.
Bốn bề là sông, mùa nước bạc, chỉ còn xâm xấp những nóc nhà nhô lên trong màu nước. Nhưng cũng chính nhờ những mùa lũ ấy đi qua mà ruộng vườn cứ thế lên xanh. Màu xanh nuôi lấy biết bao gia đình, bao thế hệ...
“Làng tôi vốn chủ yếu là làm nông. Trồng lúa, trồng màu theo lối sống quê thực thụ, dẫu chỉ cách phố xá một nhịp cầu. Tôi nhớ những đêm trăng, các ông các bà xúm xít nhau bên tấm bạt lớn phụ xắt xắn, tuốt bắp, tuốt đậu, râm ran nói cười, con trẻ như tôi thì bày đủ trò bên hiên nhà, đến lúc mệt lại sà vào nồi sắn hấp, bắp luộc của người lớn. Mùa nào thức ấy, người làng đổi công giúp nhau cày cấy, đến mùa thu hoạch lại cùng san sẻ niềm vui được mùa”, chị Thủy kể. Thấy rõ niềm tự hào trong lời kể của chị về làng.
Anh Cao Văn Thinh, người làng Đoan Trai nhắc những mùa lụt, ghe nan được cả làng huy động để giúp nhau di dời đồ đạc, đưa những gia đình ở vùng trũng thấp lên trú tránh ở nhà cao hơn, chia sẻ nhau từng bữa cơm.
Tôi có dịp ghé ngang nhà văn hóa của khối phố, khi Đoan Trai đăng cai tổ chức một giải bóng chuyền nhỏ. Người dân đứng kín cả nhà văn hóa, cổ vũ cho cả đội nhà lẫn khách, rộn ràng như ngày hội. Người làng nói, việc to việc nhỏ gì cũng thế, đến để vui, để chơi, ai có thể phụ giúp việc gì thì lăn vào với việc ấy.
Soi chiếu vào đời sống thị dân, hẳn đó cũng là một “dấu ấn” của sự cố kết. Không dễ dàng gì giữ lấy một đời sống kết đoàn như thế, khi cư dân sống “đời của phố”, khi những mất mát trong nếp sống cộng cư đang hiện hữu đến mức phổ biến ở rất nhiều đô thị.
Bà Lai La, Mạc Dung, tên xứ đất vẫn còn được gọi cho đến tận ngày nay. Tuổi đời của làng Đoan Trai không dày dặn như nhiều làng khác, nhưng cũng đủ hằn khắc cho riêng mình bề dày của tháng năm trong lịch sử các gia tộc lớn ở làng: tộc Trần, tộc Huỳnh Đức, tộc Bùi...
Tộc Trần được xem là tiền hiền của làng, nhưng những gia tộc đến sau, bằng quy mô dân số, bằng quan hệ thông gia với các tộc khác, đã góp sức rất lớn để đắp bồi nên lịch sử của ngôi làng nhỏ.
Làng cũng vì thế mà mở rộng ra, những xóm Nhân, xóm Vườn sau này trở thành một phần không thể tách rời của Đoan Trai. Người mới đến, ảnh hưởng bởi tính cộng cư, lan tỏa và tiếp nối những giá trị tốt đẹp của làng bằng những cuộc dự phần vào hội hè, lễ lạt, xem như đó là bổn phận của mình.
Ngoài sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, các gia tộc lớn như tộc Trần, tộc Huỳnh Đức đều đăng ký xây dựng tộc họ văn hóa, tộc họ học tập, tộc họ không tội phạm và không ma túy. Tộc Huỳnh Đức ở Đoan Trai từng được Chủ tịch nước tặng bằng khen công nhận tộc họ hiếu học tiêu biểu toàn quốc vào năm 2015.
Nhưng không hẳn chỉ toàn niềm vui. Lục bình lấp kín sông Trong, nỗi buồn cũng như sông, phủ vùi bởi xôn xao thời cuộc. Nhiều người rời đi vì cuộc mưu sinh, con cháu làng Đoan Trai chuyển đến nhiều nơi khác khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Tách rời gia đình, những mất mát liên quan đến quan hệ xóm giềng, tộc họ cũng vì thế mà hiện hữu, người làng buộc phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong việc duy trì, bảo vệ các giá trị truyền thống.
Tôi ngồi chuyện trò với ông Phạm Văn Hoành, người quê Hải Dương, vào Tam Kỳ lập nghiệp và lấy vợ, sinh sống ở Đoan Trai gần 20 năm nay. Ông Hoành kể, quá trình đô thị hóa ồ ạt kéo theo tình trạng ô nhiễm bắt đầu xuất hiện ở làng quê. Sông Trong giờ đã gần như bị chặn, Đoan Trai trở thành một “túi rác” mỗi mùa lụt lội.
Những xô bồ của cuộc sống hiện đại cũng phần nào lan đến Đoan Trai, hệ lụy từ tranh chấp đất đai, tội phạm về an ninh trật tự xuất hiện, những lo lắng cũng bắt đầu đến trong lòng người dân quê xứ.
“Tân Thạnh là phường trung tâm của thành phố, chỉ còn hai khối phố “nông nghiệp” là Trường Đồng và Đoan Trai. Trường Đồng đã đô thị hóa mạnh mẽ, đường, điện, nước sạch đầu tư khá bài bản, nhưng Đoan Trai, dù chỉ cách một dòng sông vẫn vắng thiếu nhiều tiện ích. Đường bê tông nhỏ hẹp, chỉ đơn giản là gọi xe cấp cứu thôi cũng khó. Điện đường cũng có, nhưng bão lụt làm hư hỏng, nhiều đoạn đường còn tranh tối tranh sáng. Nhất là lụt. Năm nào cũng lụt, kinh tế phần nào bị ảnh hưởng, con em đi học cũng thiệt thòi”, ông Hoành tâm sự.
Nhiều năm trước, người ta kể chuyện xóm Nhân vẫn phải mua điện, kéo nhờ từ khu dân cư số 6, mãi sau này mới được cải tạo hạ tầng. Mảng xanh đô thị chỉ sáng rõ... ban ngày. Đêm, Đoan Trai vẫn như dấu lặng buồn bên dòng sông đã cụt. Người làng vẫn ngó sang bên kia đường Bạch Đằng đèn điện giăng giăng, mà mơ phố.
Ngoại ô vẫn chưa “sang trọng” như giấc mơ được gọi tên bằng quy hoạch. Thành phố, nhiều năm trước đã có tính toán cho một vùng sinh thái xanh, với tre và ruộng ở cánh đồng Nhong, với màu xanh mê mải của cây trái, cánh đồng làng. Nhưng mọi thứ còn mơ hồ lắm, chưa biết khi nào đủ gần để có thể chạm tay...