Mở rộng không gian ra bên ngoài di sản khu di tích Mỹ Sơn, kết nối với các vùng phụ cận của Nông Sơn, hướng đến cộng đồng hưởng lợi là những mục tiêu của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn.
Du lịch chèo thuyền trên đập Thạch Bàn. Ảnh: V.LỘC |
Từ khi đường ĐT 610 đi qua Mỹ Sơn kết nối với Nông Sơn thông tuyến (3.2017) đã mở ra cơ hội mới đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất phía bên kia đèo Phường Rạnh. Du khách đến Mỹ Sơn không chỉ được trải nghiệm không gian tâm linh trong khu đền tháp mà còn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng các địa danh dọc theo tuyến đường như đập Thạch Bàn, chùa An Hòa hoặc khám phá các cảnh đẹp của Nông Sơn bên kia đèo Phường Rạnh như làng Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên…
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận, giao thông thông thoáng sẽ giúp mở rộng không gian du lịch Mỹ Sơn, góp phần thúc đẩy du lịch vùng phụ cận di sản phát triển, để Mỹ Sơn hấp dẫn hơn trong mắt khách. Quan trọng nhất là giúp cộng đồng bên ngoài di sản hưởng lợi từ du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua Mỹ Sơn cũng đã phối hợp với một vài doanh nghiệp lữ hành tổ chức nhiều chương trình khảo sát tiềm năng du lịch vùng phụ cận. Mới đây nhất là Công ty Vitour tại Đà Nẵng tiến hành khảo sát du lịch vùng ven di sản và bên kia đèo Phường Rạnh nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, xây dựng sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển. “Phát triển du lịch vùng ven góp phần phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch nên chúng tôi tích cực thực hiện nhằm mục tiêu chia sẻ lợi ích cho cộng đồng” - ông Hộ nói.
Dù đánh giá cao tính khả thi của tour này, nhất là làng Đại Bình nhưng theo ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vitour Đà Nẵng, hiện vẫn chưa thể tổ chức khai thác được mà còn phải tìm hiểu, góp ý, xây dựng để tu chỉnh trước khi thực hiện. Cùng quan điểm trên, ông Phan Hộ cho rằng, không thể vội vàng vì suy cho cùng mở tour phải có khách. Trước tiên, phải xây dựng tour, xây dựng hạ tầng, cụ thể là bến thuyền trên sông Thạch Bàn để khách có thể du lịch trên lòng hồ, lên chùa An Hòa, qua làng Đại Bình ăn trưa và quay về. “Vấn đề đặt ra là làm như thế có khách không, nên phải kết nối với các công ty lữ hành để họ xem xét đồng tình với mình và đưa du khách đến. Khi đó mình mới tiến hành các bước tiếp theo. Mỹ Sơn sẽ đầu tư hạ tầng dịch vụ nếu Vitour hoặc các công ty lữ hành đưa khách tới” - ông Hộ nói.
Có thể thấy, việc mở rộng không gian di sản ra cộng đồng là việc cần thiết, và cũng đã từng được thực hiện với sự ra đời của Làng cộng đồng Mỹ Sơn, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, hiệu quả khai thác vẫn chưa như mong muốn. Ông Trần Quý Tấn – Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở VH-TT&DL) cho rằng, việc kết nối di sản Mỹ Sơn với các khu vực phụ cận, nhất là các danh thắng, làng nghề của Nông Sơn là cần thiết khi mà hạ tầng giao thông đã được kết nối thông suốt. Việc định hình tour sẽ giúp kết nối Mỹ Sơn với Đại Bình - ngôi làng truyền thống nổi tiếng của Nông Sơn - hứa hẹn mang đến những điều thú vị cho khách. Tuy nhiên, để kéo khách đến là một câu chuyện không dễ nên phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức chương trình khảo sát, kết nối Mỹ Sơn với Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, Đèo Le nhằm hình thành lên một tuyến tham quan hấp dẫn cho khách đồng thời cũng giúp thúc đẩy du lịch Nông Sơn phát triển. Tất nhiên, để tour này “sống” được và thu hút khách còn cần nhiều yếu tố và không thể một sớm một chiều được” - ông Tấn chia sẻ.
VĨNH LỘC