Tạp văn

Bên ngoài ô cửa máy bay…

HOÀNG LỢI 09/03/2024 10:26

(VHQN) - Tôi đã ngồi bên trong cánh bay, nhìn ra ô cửa hàng nghìn lần. Những ô cửa mang tôi đi khắp nơi bên trong và bên ngoài nước Việt.

nhin-tu-phong-doi-o-san-bay.jpg
Nhìn từ phòng đợi ở sân bay chuẩn bị cho những chuyến đi. Ảnh: MỤC ĐỒNG

Khoảng trời mở

Tôi hay tự nhủ, đó là khoảng trời mở cho tôi đến với khát khao chiếm lĩnh ngoài kia, cùng mây, cùng gió…Nhưng khi ngồi bên trong đó nhìn ra, cũng là lúc mọi thứ bắt đầu rời đi.

Tết. Khoảnh khắc ngắn ngủi sum vầy qua mau. Xuân rộn ràng những ngày trước tết, ấm cúng ngày đầu năm, rồi để rơi đôi nốt trầm khi vòng quay công việc trở lại.

Vườn nhà vắng lặng, khoảng sân trống huơ vài chiếc lá rơi rụng. Xuân hửng nắng vàng tươi mới, lại thoảng nỗi buồn yên tĩnh lạ lùng. Ông bà thì đã xa, con cháu mỗi hướng. Tết dù đến dù đi, vẫn chưa thỏa lòng người. Đứa cháu của tôi, mỗi khi về quê ăn tết, thường rấm rức khóc khi phải rời đi. Nó luôn nói với ba mẹ câu hỏi non nớt “tại sao mình không ở lại Việt Nam mà phải về Úc?”.

Ai đó từng hỏi, tự bao giờ ta muốn ra đi, hay lý do gì ta phải bước đi? Dù mỗi lần chia xa là vô vàn quyến luyến. Có một mô-típ mà mọi người hay chia sẻ với nhau, rằng đi để trở về. Nếu mục đích là để trở về tại sao chúng ta không ở lại mà chọn cách ra đi?

Đôi khi các nhà khoa học vẫn bối rối không lý giải được tập tính di cư của vài loài chim và chúng ta vẫn thường bối rối để trả lời những câu hỏi tương tự. Nếu ta không bước ra với thế giới ngoài kia, liệu có héo mòn với nhỏ hẹp quanh mình?

Như con chim rời tổ đi kiếm mồi, mỗi người có lý do khác nhau để chọn ra đi. Đi để tìm công việc, thu nhập tốt hơn, để trở về với sự tự tin, vững vàng. Hay đi để có môi trường học tập, từ thành phố lớn hay du học nước ngoài, tiếp thu những điều hay mới lạ, văn minh nhân loại, trở thành những công dân toàn cầu.

Dùng dằng bước chân

Tôi nhận ra những thay đổi bắt đầu từ sự riêng biệt của từng ngôi nhà, từng cộng đồng. Ở nơi chờ bay, tôi nhìn thấy những đồng hương người Việt đi khắp nơi, mỗi người một giọng nói. Bao nhiêu giấc mộng được gom lại từ bậc cửa lên máy bay?

que-nha.-hl.jpg
Quê nhà luôn ở trong tim những đứa con đi xa. Ảnh: MỤC ĐỒNG

Bạn mộng “mang tiền về cho mẹ” như lời chàng ca sĩ Đen Vâu? Bạn mơ trở thành gương mặt bìa Tạp chí Times? Hay bạn chỉ đơn giản ước có việc làm nơi nào đó để không phải úp mặt vào ruộng đồng? Mỗi gương mặt một màu sắc, mỗi cuộc di cư là dòng chảy sống động.

Tất nhiên không phải cuộc ra đi nào cũng dễ dàng.

Có người còn cơ hội trở về. Cũng có người đi rồi mãi chưa thể trở lại. Cũng có người quên lối về vì còn mải miết tìm kiếm thứ gì ngoài kia.

Nhưng, có vẻ như một nghịch lý, rằng người dù đi năm châu bốn bể, thì sợi dây gắn kết với tuổi thơ, gia đình luôn ở đâu đó. Nó có thể tạm mờ đi, bị vùi lấp sâu trong bộn bề cơm áo hằng ngày. Và khi bất chợt xuất hiện những khoảng gợi, ta thấy có nỗi nhớ bên trong.

Vậy nên nếu còn cơ hội, hãy giữ cho nhau một ngôi nhà, một quê hương để trở về. Ấy là khi ta giữ cho nhau sự kết nối dù ít dù nhiều. Trong những buổi chiều mưa xa xứ, có phải nỗi khao khát được trở về nhà mới chính là thứ làm ấm lòng ta nhất?

Tôi đã từng hỏi mình rất nhiều thứ, mỗi khi xách ba lô lên và đi. Nhưng có lẽ, riêng với chuyến rời nhà sau mỗi bận ăn tết là dùng dằng nhất. Dùng dằng mà chân vẫn cứ bước ra…

Bước đi để rồi lại chờ đến cảm giác rạo rực một ngày kia khi ngồi trong khoang chật hẹp, nghe từ giọng tiếp viên “máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, nhiệt độ bên ngoài là…”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên ngoài ô cửa máy bay…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO