Lần nào về quê tôi cũng rủ vài thằng bạn chí cốt trong làng ra thăm bến cũ. Cái bến sông một thời gắn bó với tuổi thơ cùng bao gian khó chẳng thể phai mờ trong ký ức của mỗi chúng tôi. Nhiều năm về trước, sông quê tôi trong xanh như dải lụa. Mùa nắng thì mát rượi dòng trong; mùa mưa luôn đầy ắp nước. Sông tháng ngày chở phù sa về bồi đắp cho cánh đồng làng, để lúa thơm mẩy hạt, cho bắp dưa xanh tốt, cây trái sum sê. Thời ấy, nơi bến sông làng tôi hằng ngày ồn ã, náo nhiệt, vui như hội. Người người gánh nước, giặt giũ, tắm mát; ghe thuyền tấp nập vào ra nườm nượp, lâm sản, hàng hóa, ngược xuôi lên rừng xuống biển… chẳng lúc nào thiếu vắng tiếng trẻ nô đùa, tiếng người cười nói râm ran từ mờ sáng đến tối mịt, nhất là vào những đêm trăng sáng.
Bến sông đã gắn bó tuổi thơ tôi cùng bạn bè với biết bao kỷ niệm khó quên. Chúng tôi tắm mát, ngụp lặn thỏa thuê mỗi ngày, chia phe đánh trận, đu người trên mấy bờ xe nước của làng, rồi lao người phóng xuống dòng chảy êm ả mà bơi qua sông với đủ trò tinh nghịch của tuổi ấu thơ, kể cả việc rủ nhau hái trộm dưa hồng bên cồn Lộc Vĩnh để chiều về “ăn” những trận đòn nhớ đời. Nhưng khó quên nhất vẫn là những lần bắt cá tôm vào mùa chươm, bổi trên bến sông quê tôi.
Ngày ấy, hễ mỗi lần sông quê tôi qua mùa lũ lụt, con nước lại trong kính. Cá tôm trên nguồn theo lụt trôi về trú ngụ trên đồng, dọc các triền sông, cũng là lúc nhiều gia đình trong xóm, rồi bà con làm nghề cá ở vạn chài đua nhau đi chặt các tược cây trên núi chở về làm chuồng chươm, chuồng bổi để bắt cá, tôm mưu sinh. Để có được những chuồng chươm vừa ý, nhiều khi không chỉ một nhà mà người ta liên kết hai ba gia đình. Giắt mo cơm, ống bương nước cùng hai ba lao động chèo ghe lên núi Bãi Trầu, Đá Trải, có khi lên tận sông Bung, sông Cái vào một ngách rừng nào đó, cắm sào cho ghe đậu bên mép sông, uống một hơi nước chè xanh đậm đặc lấy sức để vào núi. Người ta chọn những tược cây bời lời, cây rang, cây dẻ… to bằng cổ tay, cổ chân, có nhiều chà, nhánh chắc chắn, (loại cây lâu mục ải khi ngâm trong nước) để làm chuồng chươm. Họ đốn cây kéo ra phơi dọc các bãi sông cho rụng hết lá rồi chở về chất đầy ở những bến sông dọc làng.
Tìm vị trí để cắm chươm cũng là một điều cần kinh nghiệm; phải chọn nơi gần bờ nhưng cũng phải là một vùng nước vịnh bên dòng chảy của sông, ở độ sâu khoảng hơn một mét, người ta cho đó là nơi cá tôm thường hay trú ngụ. Chuồng chươm phải tương đối xa nơi bến nước, nơi có người thường lên xuống tắm giặt, nhằm tránh “động”, cá tôm mới dám quần tụ. Những cành chươm được cắm xuôi theo dòng chảy, sao cho cây nọ cách cây kia từ một đến hai tấc, thành một lùm kín dưới nước có diện tích chừng vài ba chục mét vuông. Thấy lùm cây rậm rạp, kín đáo, hang hốc, các loài cá sông, tôm, cua từng đàn lớn nhỏ thi nhau vào trú ẩn, mỗi ngày một nhiều. Khi chuồng chươm được cắm hoàn tất, cứ đến khoảng một tuần thì người ta dỡ chươm bắt cá một lần. Để bắt được cá từ chươm, họ bện những tấm đăng bằng tre liên kết với nhau bằng các sợi ni lông bền chắc, không thấm nước, khó mục ải. Khi bắt cá, đăng được chắn quanh chuồng chươm ngăn không cho cá tôm thoát ra trước khi lội vào nhổ tất cả nhánh cây bỏ ra ngoài để bắt cá. Người ta dùng tất cả phương tiện hiệu quả nhất như: nơm, úp, trủ kéo, lưới… để vây bắt cá tôm sau khi đã dọn sạch những cành chươm trong vòng đăng được vây sẵn và càng lúc càng siết lại. Mỗi lần thu hoạch, người bắt thì ít nhưng người xem thì nhiều. Được một con cá to, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cháy nắng. Tiếng la hét phấn khích, náo nhiệt cả bến sông...
Ngoài chuyện cắm chươm, việc làm chuồng bổi để bắt tôm cũng lý thú không kém. Làm chươm bắt cá là việc nặng nhọc, chỉ người lớn mới làm được, còn làm những chuồng bổi hợp với lũ trẻ chúng tôi hơn. Tranh thủ những ngày nghỉ học, cả bọn chúng tôi rủ nhau xách rựa đi dọc rìa làng, nơi có những bụi duối, bụi nổ mọc hoang bên triền sông, ngoài Mả Đống. Chúng tôi rong những nhánh duối, nhánh nổ, nhánh tre gai… thành từng đoạn dài khoảng 40 phân rồi cột lại thành bó đem về để làm chuồng bổi. Duối, nổ là thứ cây có nhiều nhánh con, đặt lại từng bó trông có nhiều hang hốc kín đáo tôm cá rất thích ở. Người ta còn cho rằng vỏ cây nổ, cây duối còn là món ăn khoái khẩu của cá tôm. Mỗi chuồng bổi lớn nhỏ tùy thuộc vào số lượng; ít thì năm bảy bó, còn nhiều đến vài chục bó bổi. Khác với chươm phải đóng nơi nước vịnh, đặt chuồng bổi phải chọn nơi nước chảy, gần bờ, đóng cọc neo giữ cho bổi khỏi trôi. Chuồng bổi là nơi ưa thích trú ngụ của tôm và cá lấu, một loại cá sông da trơn và có thân dài như lươn.
Cứ hai ba ngày, bọn trẻ chúng tôi đi xúc bổi một lần. Để bắt được cá tôm trong chuồng bổi, cần có một chiếc rổ xúc bằng tre. Khi xúc một bó bổi lên khỏi mặt nước, những con tôm to bằng ngón tay người lớn gõ càng lộp cộp, búng lách tách nghe đến vui tai, những con cá lấu mình dài, da trơn ngoằn ngoèo bò trườn quanh rổ bổi trông đã con mắt. Mỗi lần xúc bổi, bắt được vài ba ký tôm cá. Thời ấy, có được lượng thực phẩm như vậy để cải thiện bữa ăn trong gia đình thật là điều quý giá lúc cuộc sống còn lắm khó khăn. Nhưng với chúng tôi, niềm vui không phải làm được nhiều cá tôm mà là được quẫy đạp dọc ngang trên bến quê nhà giữa dòng trong của con sông yêu thương bốn mùa tươi mát với biết bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào. Bây chừ sông cứ cạn dòng, mỗi ngày mỗi khô héo. Từng đoạn, từng đoạn giữa đôi bờ lô nhô những cồn đất khô khốc, lở loét, đục ngầu; dòng chảy bị ngăn lại thành những bãi khai thác vàng sa khoáng. Sông bây chừ mang đầy thương tích, làm sao tìm lại được những bến quê chươm bổi một thời?
NGUYỄN HẢI TRIỀU