Biết tôi đi tìm dấu vết của Thương hội Phong Thử và ngôi trường Diên Phong do các chí sĩ Duy tân lập hồi đầu thế kỷ XX, thầy giáo Trần Văn Đông, hiệu phó trường THCS Phan Thúc Duyện dẫn tôi ra bờ sông Thu Bồn thăm Bến Hục. Vụng nước rộng lớn ngày ấy bây giờ bị bồi gần hết, nhưng ký ức về một bến thuyền tấp nập cách đây gần trăm năm thì vẫn còn. Ông Phan Minh Đẩu, cháu bốn đời của chí sĩ Phan Thúc Duyện cho biết Bến Hục là nơi bắt đầu của con sông Bàu Lớn, nối sông Thu Bồn với sông Yên chảy qua Điện Tiến. Trên đất Điện Thọ ngày trước, sông Bàu Lớn nối liền các bàu Bè, bàu Miếu, bàu Tre là nơi đậu thuyền bè rất tốt. Câu chuyện Duy tân lừng lẫy trên đất Diên Phong gắn liền với con sông Bàu Lớn này.
Bến Hục nay chỉ còn là con lạch nhỏ bên sông Thu Bồn. Nhưng xưa là bến cập của ghe thuyền chở hàng của hội thương Diên Phong. Ảnh: Internet |
Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân trong công trình biên khảo nổi tiếng Phong trào Duy tân kể rằng chủ công của Duy tân ở vùng Phong Thử, xã Điện Thọ bây giờ là Phan Thúc Duyện và Mai Dị. Chủ thuyết “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của chủ soái Phan Châu Trinh được họ cụ thể hóa bằng cái Hợp thương Phong Thử và ngôi trường tân học Diên Phong. Cụ Xuân cho biết: “Hợp Thương Phong Thử do Phan Thúc Duyện lập gần sông Bàu Lớn. Cơ sở gồm một nhà lầu, một nhà ngang dài và hai nhà nhỏ nấu, ăn cơm và ngủ. Nhà lầu rất bề thế, có thể đứng vững qua thời gian lâu dài và là mục tiêu trăm mắt nhìn vào để tin tưởng công cuộc làm ăn chắc chắn, có nhiều triển vọng lớn. Tại nhà lầu, có phòng tiếp khách, chỗ làm việc, chỗ chứa hàng hóa. Nhà ngang thì dành riêng chất hàng hóa. Hàng hóa đây chỉ là những thổ sản thường buôn trong tỉnh do những ghe bầu vượt biển chở đi các tỉnh khác hay mang xuống cho thương cuộc Hội An bán, cố dụng ý ngầm tranh thương với người Trung Hoa: Những vải, sợi, đường, heo, dầu phụng, đậu chất ngổn ngang đến bên ngoài gợi cho dân chúng sự làm ăn phát đạt, tổ chức quy củ, có tương lai vững chắc chứ không “lùi xùi” theo lối cổ truyền. Địa điểm này rất thuận lợi cho việc vận tải bằng ghe lớn nên rất mau phát đạt… Số nhân viên dùng để lo sổ sách, cất hàng hóa, kể cả lao công khuân vác lên đến 40 người. Thiết tưởng chỉ con số ấy cũng đủ cho chúng ta thấy sự buôn bán tấp nập tới đâu. Các nhân viên và ban giám đốc đều ăn uống chung ở một trú xá”.
Chợ Phong Thử (Điện Bàn). Ảnh: Internet |
Trong năm 1906, trường Diên Phong cũng được thành lập. Cũng theo cụ Nguyễn Văn Xuân thì Diên Phong gồm hai trường, một trường ngay tại Hội thương, phía sau ngôi nhà dài để buôn bán, tất cả được xây bằng gạch ngói, ngôi thứ 2 gần chợ Phong thử cũ. Tổng số học sinh ban I và ban II khoảng 200 người. Vì là trường tư thục nên nhà trường tự định liệu các môn học sách học và bài hát. Sách thì có cuốn bác vật chí của Phạm Phú Thứ nói về các môn khoa học, điện lực, xe lửa... Dinh hoàn chí lược: sách địa lý thế giới; Đại Nam nhất thống chí: địa lý, kinh tế, xã hội Việt Nam. Quảng Nam địa dư chí: địa lý tỉnh Quảng Nam. Toán thì gồm các phép cộng trừ nhân chia, toán đố… Ban II dành cho người lớn, có dạy những sách của các nhà cải cách Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Lần đầu tiên nhà trường biết dùng bảng đen phấn trắng. Bây giờ chuyện này là bình thường nhưng hồi ấy là một cải cách quan trọng vì nó khác hẳn với cách dạy của các ông thầy đồ chép hẳn vào vở hoặc học trò xem sách mà chép. Giáo sư của trường Diên Phong gồm Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài, Phan Thúc Duyện, Mai Dị... Diên Phong ra đời đã thúc đẩy một loạt trường khác ở phía bắc Quảng Nam hình thành. Vùng quê xa ngái như Trung Lộc, Quế Sơn cũng dựng trường, thiếu thầy giáo nên các thầy của Diên Phong phải cơm đùm cơm nắm lên tận đây để “thỉnh giảng”.
Với sự ra đời của Hội thương Phong Thử và trường học Diên Phong, có thể nói vùng đất Phong Thử là ngọn cờ đầu của phong trào Duy Tân xứ Quảng. Hơn một trăm năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy cái sự kinh doanh, sự học ngày ấy vẫn còn đơn sơ lắm nhưng cái khát vọng canh tân của các chí sĩ người Quảng thật là “nộ khí xung thiên”. Họ đã nhận thấy cái điều mà bây giờ các nhà lý luận hay đúc kết rằng chúng ta thua kẻ thù trước hết không phải vì vũ khí mà thua cả một thời đại văn hóa. Mục tiêu rút ngắn khoảng cách phát triển đã sinh ra một lớp người đầy khát vọng và hành động quyết liệt. Nho giáo coi thường lao động chân tay, “vạn bang giai hạ phẩm, duy ngã độc thư cao”, mọi thứ trong xã hội đều thấp, chỉ có kẻ đọc sách là cao. Thế nhưng các nhà nho thức thời xứ Quảng đã dám lên tận Cờ Vỹ, trên cả Tí, Sé - thời ấy còn đầy lam sơn chướng khí, đối mặt với sốt rét và cọp beo để khai hoang thúc đẩy hội nông. Họ xắn tay buôn bán, việc mà nho giáo và tâm lý Á Đông vẫn mạt sát, coi thường. “Sĩ nông, công, thương”, thương nhân lâu nay vẫn xếp cuối bảng trong bậc thang xã hội đó sao! Thế nhưng các nhà nho canh tân xứ Quảng chẳng những cổ vũ mà còn tạo nên sự mới mẻ trong buôn bán, tạo lập một văn hóa kinh doanh thực sự: “Nhiều hàng hóa đã bắt chước theo lối trình bày mới như nước mắm Nam Ô đã biết vô chai, dán nhãn. Trên các món hàng hóa đều có thẻ tre, biên giá nhất định. Nhân viên tiếp khách lịch sự, mỗi người đều biết dùng sổ tay bỏ túi để ghi chép hàng xuất nhập”.
Và buôn bán không phải là chuyện cá nhân, đâu chỉ nhằm một mục tiêu kiếm lời. Buôn bán được xem là việc nước, là để duy tân tự cường, nên được gọi một cách tôn kính là Quốc thương. Ông Võ Hoán, một nhân sĩ có tên tuổi thời ấy kể: “Vì là Quốc thương chứ không phải là chuyện tư cho nên kiếm được đồng lời nào chúng tôi đều chắt bóp quý báu đồng ấy. Chúng tôi không tiêu vào đó một xu, ăn uống xài phí gì đều lấy tiền nhà, chứ không đụng vào tiền của nước”. Cũng với tinh thần tận hiến, cái chất say lý tưởng ấy nên không ít người đã bỏ công việc béo bở với các ông chủ Pháp để “đầu quân” cho Duy tân như ông Bang Kỳ Lam, tên thật là Nguyễn Toản đang làm bang tá cho Pháp đã bỏ về làm cho hợp thương Phong Thử; hay như một ông tên là Trần Hoành, cai mỏ than Nông Sơn cho Pháp, bỏ ngang về lập trường tân học tại làng Trung Lộc, gần Tân tỉnh xưa của Nguyễn Duy Hiệu.
Từ “Học hiệu” Diên Phong bắt đầu một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, một mất một còn chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu của Khổng giáo và những ngộ nhận, lầm lạc. Các nhà nho lập trường tân học không chỉ lo đối phó với những con mắt dòm ngó, những hành động ngăn trở của bọn quan lại Nam triều tay sai đang ngày càng lo ngại trước một trào lưu yêu nước nhanh chóng lớn mạnh mà còn phải vượt lên sự chống đối của các ông thầy đồ thủ cựu. Bởi càng nhiều người theo tân học thì lấy đâu ra học trò để các ông đồ nho dạy học, nên họ chống đối là tất nhiên. Nhưng đáng kinh ngạc, đáng khâm phục hơn khi Trần Quý Cáp với bài “Chiêu hồn nước” dám khẳng định: “Chữ quốc ngữ là hồn của nước/ Phải đem ra bàn trước dân ta”. Ai cũng biết chữ quốc ngữ gắn liền với các giáo sĩ, với công cuộc truyền đạo, trong cái nhìn của sĩ dân ngày ấy, nó là thứ chữ của Tây nên nhiều người nhớ nước thương nòi nhất quyết cự tuyệt. Thế nhưng Trần tiên sinh dám khẳng định đó hồn của nước thì ông “gan dạ đầy mình” và có con mắt thấu chín cõi mới thấy tính khoa học và tiền đồ xán lạn của nó. Chính từ thứ chữ ấy: “sách Âu Mỹ, sách Chi Na. Chữ kia chữ nọ dịch ra tinh tường”. Với Duy tân, chữ quốc ngữ đã chính thức được công nhận trong tiến trình văn hóa dân tộc, trở thành công cụ tiện lợi nhất để mở mang học vấn cho mọi tầng lớp dân chúng.
Hơn một trăm năm trôi qua, dấu vết các cơ sở Duy tân trên đất Phong Thử đã phai mờ, nhưng nơi đây vẫn giữ được vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa ở vùng tây Điện Bàn.
Cạnh con sông Bàu Lớn giờ đã cạn dòng, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang hối hả xây dựng. Con đường như một ẩn dụ thú vị về những nội dung, những yêu cầu mới của thời đại, là dấu tiếp nối khát vọng của bao lớp người về sự phát triển, thịnh vượng của quê hương, đất nước.
Ghi chép của DUY HIỂN